1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Mỹ - Trung bắt tay để lãnh đạo thế giới?

(Dân trí) - Trong những ngày qua, lãnh đạo hai nước Mỹ - Trung đã có những cuộc tiếp xúc và ký hàng loạt thỏa thuận quan trọng. Nhưng đáng chú ý hơn, sự thân thiết bất ngờ của các cuộc gặp này khiến người ta tin rằng hai nước đang bắt tay để lãnh đạo thế giới.

Trật tự thế giới hai cực, hay G2 đã trở lại, đó là nhận định của tiến sỹ Ramon Pacheco Pardo, giảng viên khoa quan hệ quốc tế, đại học King's College tại London trong bài viết mới đây trên tờ Telegraph, khi nhận định về các cuộc tiếp xúc thượng đỉnh Trung-Mỹ vừa qua. Dân Trí xin trích đăng.

Sự thân thiết đáng ngạc nhiên của lãnh đạo Mỹ - Trung đang hé lộ về một liên minh dẫn dắt thế giới?
Sự thân thiết đáng ngạc nhiên của lãnh đạo Mỹ - Trung đang hé lộ về một liên minh dẫn dắt thế giới?

“Cắt giảm phát thải khí nhà kính, thông báo cho nhau về các hoạt động quân sự và chuyển giao các sản phẩm công nghệ thông tin chỉ là 3 trong số nhiều lĩnh vực mà Mỹ và Trung Quốc đã nhất trí cùng hợp tác.

Trên bình diện rộng hơn, cuộc gặp thượng đỉnh nồng ấm một cách bất ngờ giữa Tổng thống Barack Obama và Chủ tịch Tập Cận Bình có khả năng phát triển thành vai trò lãnh đạo của G2 trên phạm vi toàn cầu”, tác giả khẳng định.

Hãy cùng sánh bước

Có 3 yếu tố khác khiến Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn. Thứ nhất đó là trong ngắn hạn, ông Obama chỉ còn 2 năm cuối nhiệm kỳ. Do đó không có gì ngạc nhiên khi vị Tổng thống Mỹ muốn tạo ra một di sản của riêng mình, trong khi kết quả cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ đã khiến những kế hoạch hành động của ông nay trở nên khó khăn hơn.

Do vậy, việc củng cố quan hệ song phương với Bắc Kinh có thể sẽ là một lời giải. Đằng sau chiêu bài công kích Trung Quốc, vốn chắc chắn sẽ còn tăng khi cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ 2016 đến gần, thực chất cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều muốn có quan hệ tốt hơn với Bắc Kinh.

Cần nhớ rằng, chính cựu Tổng thống George W. Bush, một người của đảng Cộng hòa, đã đưa ra sáng kiến đối thoại song phương, mà trên cơ sở đó những cuộc gặp gỡ thượng đỉnh của người kế nhiệm ông được tiến hành.

Một yếu tố khác đằng sau quan hệ hợp tác Trung – Mỹ liên quan tới các mục tiêu quan trọng nhất của Bắc Kinh, đó là tăng trưởng kinh tế và việc làm. Chính quyền của ông Tập đã khẳng định rõ ràng rằng đây là hai ưu tiên hàng đầu.

Việc có khúc mắc với Washington, dẫn tới suy giảm kinh tế, thất nghiệp tăng, nhất là tại các khu vực đô thị là điều Bắc Kinh luôn muốn tránh.Trong bối cảnh đó, hoàn toàn hợp lý khi Bắc Kinh tìm cách đạt được những thỏa thuận chắc chắc, tạo ra những quy định về thương mại và đầu tư rõ ràng hơn.

Tương tự, cũng logic khi chính quyền của ông Tập tránh những cuộc đối đầu quân sự và chạy đua vũ trang mà họ không thể thắng. Liên Xô cũ đã thua trong Chiến tranh lạnh, một phần do cố gắng chạy đua với sức mạnh quân sự Mỹ. Trung Quốc đã rút ra bài học này và muốn tránh đi vào vết xe đổ năm xưa.

Yếu tố thứ ba khiến Washington và Bắc Kinh xích lại gần nhau hơn là do cấu trúc. Ngày nay, những mối đe dọa an ninh nguy hiểm nhất đều mang tính xuyên quốc gia. Từ biến đổi khí hậu tới chủ nghĩa khủng bố đều không giới hạn trong bất kỳ biên giới nước nào. Do đó, một điều rất cơ bản đó là Mỹ và Trung Quốc cần phải phối hợp cùng nhau để xử lý. Việc này giúp họ học hỏi được từ nhau đồng thời giúp hạ thấp chi phí.

Ai sẽ lãnh đạo thế giới?

Những cái bắt tay trên dẫn tới một câu hỏi rất được quan tâm, liệu Mỹ và Trung Quốc có lãnh đạo được phần còn lại của thế giới không?

Lãnh đạo Trung - Mỹ duyệt đội danh dự hôm 12/11 tại Bắc Kinh
Lãnh đạo Trung - Mỹ duyệt đội danh dự hôm 12/11 tại Bắc Kinh

Một điều rõ ràng rằng không có thỏa thuận mang tính toàn cầu nào có thể thành công nếu không só sự cam kết của hai cường quốc này. Đơn cử như các cuộc đàm phán về biến đổi khí hậu dường như luôn phải xoay quanh các thỏa thuận Trung – Mỹ.

Đối với vấn đề quản trị tài chính, Trung Quốc đã trở thành một phần không thể thiếu để ngăn ngừa một cuộc khủng hoảng ngân hàng mới.

Trái lại, các hoạt động của Tòa hình sự quốc tế đang bị ảnh hưởng bởi thực tế rằng Washington vẫn chưa chịu phê chuẩn Quy chế Rome. Bắc Kinh thậm chí còn chưa ký vào bản thỏa ước này. Những ví dụ này cho thấy nếu không có 2 cường quốc này, việc quản trị toàn cầu một cách hiệu quả là khó, nếu không muốn nói là không thể đạt được.

Hiện có một khẳng định mạnh mẽ rằng, sự suy yếu tương đối của Mỹ đã tạo ra một khoảng trống quyền lực. Nhưng nghịch lý là điều này lại trao cơ hội để G2 có thể khẳng định vai trò lãnh đạo. Dù vậy sẽ khó có một nước nào có thể thay thế vai trò siêu cường của Mỹ trong nay mai. Các định chế và sáng kiến toàn cầu có thể đi xa tới đâu, sự sự tê liệt của vòng đám phán thương mại Doha chính là câu trả lời.

Vì thế việc Washington và Bắc Kinh tìm được tiếng nói chung sẽ là xuất phát điểm tuyệt vời cho vai trò lãnh đạo toàn cầu. Nó rõ ràng có thể dẫn dắt các cường quốc lớn khác cùng hợp tác, nhưng sẽ đòi hỏi hoạt động ngoại giao khéo léo để tránh khiến các nước khác cảm thấy bị loại khỏi tiến trình ra quyết định. Sự dẫn dắt của Washington và Bắc Kinh sẽ không thể thành công nếu không nhận được sự ủng hộ rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, tất cả những yếu tố trên không đồng nghĩa mọi yếu tố trong quan hệ Mỹ - Trung đều tốt đẹp. Những cáo buộc do thám điện tử lẫn nhau, tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông, và nỗ lực thúc đẩy dân chủ của ông Obama tại Myanmar là 3 vấn đề khác mà Washington và Bắc Kinh chưa thể thắng thắn với nhau. Ngoài ra còn có những cân nhắc trừu tượng khác liên quan tới những lợi ích địa chính trị ở những khu vực khác trên thế giới.

Nhưng trên tất cả, những thỏa thuận được ký hôm thứ Tư vừa qua cho thấy các mối lo ngại không thể khiến Mỹ và Trung Quốc ngừng hợp tác ở những vấn đề then chốt đối với hai nước cũng như toàn thế giới. Đây có thể là bước đi đầu tiên hướng tới sự lãnh đạo toàn cầu của G2.

Thanh Tùng
Theo Telegraph