1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Giả thuyết nguyên nhân có thể khiến máy bay Indonesia rơi xuống biển

(Dân trí) - Các chuyên gia đã đặt ra hàng loạt giả thuyết từ yếu tố thời tiết cho tới lỗi của máy bay để giải thích cho vụ rơi máy bay chở 189 người tại Indonesia hôm 29/10.

2 ngày sau thảm kịch máy bay rơi: Indonesia vớt 34 túi thi thể


Đội tìm kiếm cứu hộ phân loại các vật dụng được cho là của các nạn nhân vụ rơi máy bay JT610. (Ảnh: Reuters)

Đội tìm kiếm cứu hộ phân loại các vật dụng được cho là của các nạn nhân vụ rơi máy bay JT610. (Ảnh: Reuters)

Máy bay mang số hiệu JT610 của hãng hàng không Lion Air gặp nạn hôm 29/10 là một trong những máy bay mới nhất và hiện đại nhất của hãng Boeing. Máy bay mới chỉ có tuổi đời 2 tháng và thực hiện 800 giờ bay, điều này khiến các chuyên gia không khỏi hoài nghi về lý do thực sự khiến chiếc Boeing 737 MAX 8 rơi ngoài biển Indonesia.

Mặc dù chưa có thông tin chính thức về nguyên nhân khiến máy bay JT610 rơi sau 13 phút cất cánh từ sân bay ở thủ đô Jakarta, song trang FlightRadar 24 đã công bố dữ liệu cho thấy máy bay này đã di chuyển một cách bất thường trong quá trình cất cánh. Một máy bay bình thường sẽ tăng dần độ cao trong vài phút đầu tiên sau khi cất cánh, trong khi đó chiếc JT610 của Lion Air đã giảm độ cao tới 221m chỉ trong 21 giây.

Chuyên gia hàng không Philip Butterworth-Hayes nói với CNN rằng dữ liệu do FlightRadar 24 cung cấp đã cho thấy sự bất thường, đặc biệt khi quá trình cất cánh thường sẽ do hệ thống lái tự động trên máy bay điều khiển.

“Dữ liệu này là bất thường đối với chuyến bay được thực hiện bằng hệ thống lái tự động, trừ khi máy bay tự điều chỉnh các thông số vào khoảng thời gian đó vì nhiều lý do khác nhau. Đúng vào thời điểm tốc độ của máy bay tăng lên, độ cao của máy bay lại giảm xuống. Điều này có nghĩa vào thời điểm đó, máy bay có thể đã bị mất kiểm soát”, chuyên gia Butterworth-Hayes nhận định.

Theo Peter Goelz, cựu điều tra viên về máy bay rơi tại Ủy ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đồng thời là nhà phân tích hàng không của CNN, những dữ liệu của FlightRadar 24 cho thấy máy bay JT610 đã gặp vấn đề cả về tốc độ lẫn độ cao.

“Rõ ràng đã có điều gì đó bất thường cả về tốc độ lẫn độ cao của máy bay mà có liên quan tới hệ thống kiểm soát máy bay. Đây là hệ thống điều khiển điện tử có mức độ tự động hóa cao và phi công có thể đã không khắc phục các sự cố kịp thời”, ông Goelz nhận định.

Chuyên gia Butterworth-Hayes cho rằng máy bay JT610 mới chỉ được đưa vào hoạt động 2 tháng, do vậy lý do khiến máy bay rơi “nhiều khả năng” không phải do lỗi kỹ thuật.

“Máy bay không bỗng nhiên từ trên trời rơi xuống. Tôi không nghĩ ra bất kỳ vấn đề kỹ thuật nào ngoại trừ khả năng xảy ra sự cố mất điện toàn bộ hoặc động cơ mất năng lượng đột ngột và không thể giải thích được”, chuyên gia Butterworth-Hayes cho biết.

Cũng theo ông Butterworth-Hayes, yếu tố môi trường cũng là một giả thuyết cần tính đến, chẳng hạn “bom mưa” - hiện tượng thời tiết hiếm hoi xảy ra khi bão xoáy hút không khí từ trên cao, tạo ra luồng gió trút xuống dưới với tốc độ cao, dẫn đến lượng mưa khổng lồ. Một giả thuyết khác là máy bay đâm phải một đàn chim.

“Bom mưa rất khó phát hiện, chúng là hiện tường gió xoáy đột ngột, giống như một cơn lốc và bạn thực sự không thể nhìn thấy chúng. Bạn đâm phải chúng và máy bay của bạn không vận hành như bình thường. Bạn bắt đầu làm mọi cách để khắc phục sự cố nhưng đã quá muộn”, ông Butterworth-Hayes nói.

Lỗi do máy bay?


Thi thể các nạn nhân được tìm thấy sau vụ rơi máy bay ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Thi thể các nạn nhân được tìm thấy sau vụ rơi máy bay ở Indonesia. (Ảnh: Reuters)

Theo thông tin từ phát ngôn viên của cơ quan giám sát hàng không Indonesia, sau khi cất cánh khoảng 19km, máy bay JT610 đã đề nghị trạm kiểm soát không lưu cho phép quay lại sân bay. Tuy nhiên máy bay này không phát tín hiệu khẩn cấp. Trong khi đó, các dữ liệu radar cho thấy máy bay rốt cuộc không quay đầu lại và trạm kiểm soát không lưu Indonesia đã mất liên lạc với chiếc Boeing xấu số không lâu sau đó.

Chuyên gia Butterworth-Hayes cho rằng việc các phi công không thông báo sự cố khẩn cấp trên máy bay cho thấy họ có thể đã tìm cách xử lý một sự cố nhỏ mà họ cho là tự kiểm soát được.

“Cuộc gọi cho thấy đó là sự cố nhỏ và họ đã kiểm soát được. Họ không cần tới sự trợ giúp. Đã xảy ra việc máy bay hạ thấp độ cao (trước khi rơi) và sau đó rõ ràng đã có một số điều chỉnh”, ông Butterworth-Hayes nói khi phân tích dữ liệu của FlightRadar 24.

Trước khi gặp nạn, máy bay Boeing 737 Max 8 đã thực hiện một chuyến bay khác từ Denpasar tới Jakarta. Các phi công trên chuyến bay này đã báo cáo về các vấn đề kỹ thuật và cho rằng máy bay có tốc độ không ổn định. Các kỹ sư đã kiểm tra và khắc phục sự cố này trước khi cho phép máy bay tiếp tục cất cánh.

Khi được hỏi về vấn đề tốc độ bay không ổn định, chuyên gia Butterworth-Hayes cho biết các phi công có thể đã nhận ra vấn đề với các ống Pitot dùng để đo tốc độ. Các ống Pitot từng là nguyên nhân dẫn tới vụ rơi máy bay của hãng hàng không Air France vào năm 2009 trên Đại Tây Dương. Khi đó, các tinh thể băng đã bịt chặt các ống Pitot của máy bay khiến hệ thống lái tự động bị ngắt kết nối và phi công không biết xử lý tình huống ra sao.

“Điều này khiến tôi nhớ lại vụ rơi máy bay ở Đại Tây Dương khi chúng ta cũng chứng kiến hiện tượng tốc độ tăng nhưng độ cao lại giảm, đồng nghĩa với việc có sự mất kiểm soát đột ngột trên máy bay. Nhưng nếu bạn nhìn vào tốc độ (từ dữ liệu của FlightRadar 24), bạn sẽ thấy chúng khá ổn định. Ống Pitot cũng chỉ là một phần của vấn đề”, ông Butterworth-Hayes cho biết.

Theo David Soucie, cựu điều tra viên về an toàn thuộc Hiệp hội Hàng không Liên bang Mỹ, 800 giờ bay là khoảng thời gian đủ để một máy bay như Boeing 737 Max 8 được thử nghiệm và chứng minh năng lực vận hành. Ông Soucie cho rằng Max 8 là máy bay hàng đầu thế giới và là một trong những máy bay tốt nhất mà các hãng hàng không có thể mua. Do vậy, việc máy bay này bị rơi là một sự cố “rất bất thường”.

Theo ông Soucie, bởi vì cả cơ trưởng và cơ phó trên chuyến bay JT610 đều là những người có kinh nghiệm với 6.000 và 5.000 giờ bay, trong khi thời tiết không phải là yếu tố gây cản trở, nên các nhà điều tra có thể tập trung tìm hiểu nguyên nhân từ chính máy bay này.

Giới chức Indonesia cho biết sẽ kiểm tra toàn bộ các máy bay Boeing 737 Max 8 thuộc các hãng hàng không thương mại của nước này. Tuy vậy, cho đến khi các hộp đen được tìm thấy, nguyên nhân dẫn tới thảm kịch rơi máy bay tại Indonesia vẫn là bài toán chưa có lời giải chính xác.

Thành Đạt

Tổng hợp