1. Dòng sự kiện:
  2. Ukraine tấn công tỉnh Kursk
  3. Xung đột leo thang ở Trung Đông
  4. Chiến sự Nga - Ukraine

Georgia cảnh báo nguy cơ "trở thành mặt trận thứ 2 chống Nga"

Đức Hoàng

(Dân trí) - Thủ tướng Georgia cảnh báo về nguy cơ quốc gia Liên Xô cũ này có thể trở thành mặt trận chống Nga thứ 2 trong vài tháng tới.

Georgia cảnh báo nguy cơ trở thành mặt trận thứ 2 chống Nga - 1

Thủ tướng Georgia Irakli Kobakhidze (Ảnh: Georgia Today).

Georgia có thể sẽ trở thành mặt trận đối đầu quân sự thứ 2 với Nga trong vài ngày nếu phe đối lập giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội vào tháng 10, Thủ tướng Irakli Kobakhidze cảnh báo trong một cuộc trả lời phỏng vấn trên truyền hình với kênh Rustaavi-2.

"Về mặt lý thuyết, bạn có thể tưởng tượng điều gì sẽ xảy ra nếu Phong trào Quốc gia tập thể (phe đối lập) lên nắm quyền. Tôi có thể đảm bảo với bạn rằng không phải trong 2,3 hoặc 4 tháng mà là trong vài ngày, Georgia sẽ trở thành mặt trận chống Nga thứ 2. Tôi đảm bảo điều này dựa trên thông tin tôi có", ông Kobakhidze nói.

Thủ tướng Kobakhidze cáo buộc, sau khi xung đột nổ ra ở Ukraine, phe đối lập ở Georgia cũng như giới lãnh đạo Kiev được cho đã kêu gọi Tbilisi triển khai quân tới khu vực xung đột. Theo ông, động thái này sẽ đồng nghĩa với việc Georgia tham gia vào cuộc chiến. 

Hồi tháng 2, ông Kobakhidze cáo buộc Ukraine đang cố gắng có kế hoạch lan rộng cuộc chiến sang đất nước của ông. 

Sau nhiều năm căng thẳng với Nga vì cuộc xung đột năm 2008, Georgia tới nay đang theo đuổi cách tiếp cận trung lập với cuộc chiến giữa Moscow và Kiev.

Vào năm 2022, khi chiến sự Nga - Ukraine nổ ra, Georgia cho biết họ không có kế hoạch áp đặt các biện pháp trừng phạt chống lại Nga với lý do lợi ích quốc gia. Điều này làm dấy lên căng thẳng trong quan hệ giữa Tbilisi và Kiev.

Hồi tháng 6, Thủ tướng Kobakhidze cho biết chính phủ Georgia đã ngăn chặn những nỗ lực từ bên ngoài nhằm biến nước này thành "Ukraine thứ hai", và Tbilisi sẽ cố gắng hết sức để kịch bản nói trên không xảy ra trong tương lai.

Thủ tướng nhấn mạnh rằng Georgia từng phải đối mặt với những mối đe dọa tương tự trong quá khứ và chính phủ sẽ không để bất cứ ai đẩy đất nước "vào tình trạng thảm khốc" như Ukraine đã bị đưa vào.

Hồi tháng 5, Georgia đã bày tỏ quyết tâm thông qua luật "đặc vụ nước ngoài" bất chấp những quan ngại từ phía Mỹ và châu Âu. Khi đó, ông Kobakhidze tuyên bố rằng, ông không muốn kịch bản Maidan Georgia xảy ra như ở Ukraine năm 2014 vì nó sẽ dẫn đến hậu quả rất nghiêm trọng.

Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Georgia Shalva Papuashvili cho biết một số quốc gia đã nhiều lần kêu gọi Tbilisi tham gia vào cuộc xung đột với Nga. Ngoài thúc giục thúc giục Georgia áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga, các quốc gia này thậm chí kêu gọi Tbilisi đưa quân tới Ukraine.

Trong một diễn biến khác, trong tuần này, Cơ quan An ninh Nhà nước Georgia (SSS) thông báo họ đã mở cuộc điều tra về âm mưu ám sát người sáng lập đảng cầm quyền "Giấc mơ Georgia", Bidzina Ivanishvili, và một số quan chức cấp cao khác trong đảng.

SSS nghi ngờ mục tiêu của âm mưu này là thực hiện một cuộc đảo chính bạo lực ở Georgia. 

Đầu tháng này, Cơ quan Tình báo Nước ngoài (SVR) của Nga cáo buộc Mỹ đang tìm cách thay đổi chế độ ở Georgia bằng cách kích động các cuộc biểu tình lớn vào thời điểm Georgia sắp tổ chức bầu cử. Washington chưa bình luận về cáo buộc này. 

Theo Tass