Gặp thượng đỉnh ông Kim Jong-un: Nước cờ chiến lược của Tổng thống Putin
(Dân trí) - Tổng thống Vladimir Putin dường như đặt nhiều kỳ vọng vào cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Kim Jong-un nhằm đảm bảo những lợi ích của Nga trong mối quan hệ với Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un hôm nay 25/4 đã có cuộc gặp thượng đỉnh đầu tiên với Tổng thống Nga Vladimir Putin tại thành phố Vladivostok.
Nhiều ý kiến cho rằng ông Kim Jong-un cần tới sự giúp đỡ của Nga trong việc nới lỏng các lệnh trừng phạt đang gây khó khăn cho Triều Tiên. Tuy nhiên, về phía Nga, ông Putin cũng có những tính toán nhất định trong chương trình nghị sự khi gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên.
Nhà phân tích an ninh quốc gia Rebecca Grant tại Washington đã đưa ra một số nhận định về mong muốn của Tổng thống Putin trong cuộc gặp lịch sử với nhà lãnh đạo Kim Jong-un tuần này.
Đường ống dẫn khí
Hợp tác kinh tế là một trong những vấn đề mà Tổng thống Putin đặt kỳ vọng trong cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Jong-un.
Ông Putin đã chuẩn bị sẵn nhiều thỏa thuận hợp tác với Triều Tiên khi Bình Nhưỡng được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt, trong đó dự án nhà lãnh đạo Nga mong muốn nhất là xây dựng một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên từ Vladivostok tới Hàn Quốc.
Hàn Quốc là nước nhập khẩu khí đốt tự nhiên lớn thứ hai thế giới và tất cả đều được vận chuyển bằng tàu. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt ở đây là tuyến đường dẫn khí đốt tối ưu nhất từ Vladivostok tới Hàn Quốc phải đi qua một góc lãnh thổ Triều Tiên.
Thỏa thuận giữa Nga và Triều Tiên về hợp tác trong lĩnh vực này đã được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh giữa cố lãnh đạo Kim Jong-il và cựu Tổng thống Nga Dmitry Medvedev hồi năm 2011. Tuy nhiên, thỏa thuận này chỉ có thể thực hiện nếu Triều Tiên được dỡ bỏ các lệnh trừng phạt.
“Lấy lòng” Hàn Quốc
Năm 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã dành 3 ngày ở Moscow để thảo luận với Tổng thống Putin về 9 sáng kiến lớn trên tất cả các lĩnh vực, từ hợp tác thương mại cho tới Bắc Cực.
Đối với cả Nga và Hàn Quốc, cuộc gặp vui vẻ dài ngày giữa hai nhà lãnh đạo là một đòn giáng về ngoại giao với Trung Quốc. Năm 2017, Bắc Kinh từng nổi đóa khi Hàn Quốc cho phép Mỹ triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) trên lãnh thổ nước này.
Kể từ khi lên nắm quyền, Tổng thống Moon Jae-in đã chủ trương thúc đẩy đối thoại với Triều Tiên. Do vậy, Tổng thống Putin cũng mong muốn thắt chặt quan hệ với nhà lãnh đạo Triều Tiên để “lấy lòng” Hàn Quốc.
Nâng cao vị thế
Hai nhà lãnh đạo Nga và Triều Tiên gặp nhau ngày 25/4. (Ảnh: TASS)
Tổng thống Putin là người yêu thích các cuộc gặp thượng đỉnh và hội họp. Ông mong muốn nâng cao vị thế của Nga trên trường quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh Moscow từng bị các nước phương Tây quay lưng.
Nga đã bị tẩy chay khỏi Nhóm các nước công nghiệp phát triển G8 sau khi sáp nhập bán đảo Crimea vào lãnh thổ từ năm 2014. Nga cũng không còn cơ hội tham gia vào các cuộc đàm phán 6 bên về chương trình hạt nhân của Triều Tiên sau khi các cuộc đàm phán đổ vỡ cách đây nhiều năm.
Do vậy, cuộc gặp thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên lần này có thể giúp Tổng thống Putin thu hút sự chú ý của thế giới, đồng thời khẳng định vai trò và tiếng nói của Nga trong các vấn đề toàn cầu như giải trừ hạt nhân.
Đối trọng với Trung Quốc
Tổng thống Putin biết rõ rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang dõi theo cuộc gặp thượng đỉnh giữa ông và nhà lãnh đạo Triều Tiên. Việc đối phó với một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy lớn mạnh là điều không dễ dàng với Tổng thống Putin.
Quy mô của nền kinh tế Nga chỉ bằng 10% nền kinh tế Trung Quốc. Nga được cho là có sức mạnh quân sự vượt trội hơn một chút so với Trung Quốc, tuy nhiên Bắc Kinh đang đuổi kịp Moscow rất nhanh.
Kể từ thập niên 1950, Nga và Trung Quốc đã cạnh tranh nhau để lôi kéo Triều Tiên xích lại gần phía mình. Từ đầu năm đến nay, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã có hai cuộc gặp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ và tổng thống Nga, song chưa có cuộc gặp nào với chủ tịch Trung Quốc. Do vậy, việc Tổng thống Putin đón tiếp ông Kim Jong-un tại Nga lần này có thể sẽ gửi đi một thông điệp ngầm tới Bắc Kinh.
Nền hòa bình
Trước khi ông Kim Jong-un dừng các vụ thử tên lửa vào tháng 11/2017, Nga và cộng đồng quốc tế từng lo sợ rằng Tổng thống Donald Trump có thể phát động một cuộc chiến tranh nhằm vào Triều Tiên.
Viễn cảnh Triều Tiên quay trở lại tình hình bất ổn như trước đây là tin xấu đối với tất cả các nước, trong đó có Nga. Các tên lửa Triều Tiên hoàn toàn có thể bay sang lãnh thổ Nga, trong khi Nga cũng phải tìm cách bảo vệ đường biên giới của nước này để ngăn làn sóng người Triều Tiên di cư ồ ạt.
Tổng thống Putin chắc chắn không muốn chiến tranh xảy ra ở sát biên giới Nga. Do vậy, an ninh và hòa bình khu vực sẽ là vấn đề ưu tiên trong cuộc gặp lần này giữa hai nhà lãnh đạo Nga - Triều.
Phi hạt nhân hóa
Tổng thống Putin mong muốn Triều Tiên phi hạt nhân hóa. Nhà lãnh đạo Nga cũng tích cực tham gia vào các nỗ lực để đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa Triều Tiên.
Cho đến nay, Nga vẫn giữ lập trường ủng hộ Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, nơi Nga đang là thành viên thường trực, áp đặt các lệnh trừng phạt với Triều Tiên.
Tại cuộc gặp thượng đỉnh Nga - Mỹ ở Helsinki, Phần Lan năm 2018, Tổng thống Trump đã dành thời gian để thông báo cho Tổng thống Putin về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều ở Singapore.
Tuần trước, Đặc phái viên của Mỹ về Triều Tiên Steve Biegun cũng có cuộc họp “mang tính xây dựng” với các nhà ngoại giao Nga tại Moscow. Ông Biegun đã trao đổi với phía Nga về vấn đề phi hạt nhân hóa và hội nghị thượng đỉnh Nga - Triều.
Thành Đạt
Theo Fox