1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Gánh nặng "trẻ nuôi con, già trông cháu" với người cao tuổi Trung Quốc

Đức Hoàng

(Dân trí) - Tại Trung Quốc, hàng triệu người cao tuổi chấp nhận rời bỏ quê hương lên các thành phố lớn, ra nước ngoài để hỗ trợ con cái chăm cháu và họ phải đối mặt với nhiều áp lực và khó khăn.

Gánh nặng trẻ nuôi con, già trông cháu với người cao tuổi Trung Quốc - 1

Nhiều người cao tuổi ở Trung Quốc phải chuyển ra thành phố lớn hoặc nước ngoài để hỗ trợ chăm sóc con, cháu (Ảnh minh họa: Reuters).

SCMP đưa tin, tại Trung Quốc, nhiều người cao tuổi đã chấp nhận rời bỏ quê nhà để có thể hỗ trợ cho con cái đang công tác ở các thành phố lớn và cả nước ngoài.

Ở Trung Quốc, tuổi thọ trung bình của nam giới là 78 và nữ giới là 79. Những người trên 60 tuổi chiếm 7,2% dân số di cư trong nước của Trung Quốc, theo một báo cáo mới nhất. Con số này tương đương 18 triệu người.

Họ được gọi bằng cái tên "người cao tuổi di cư", chiếm 6% trong số 297 triệu người trên 60 tuổi ở Trung Quốc. Có khoảng 10 triệu người cao tuổi chuyển ra nước ngoài theo con cái.

Hiện tượng này có liên quan chặt chẽ đến quá trình đô thị hóa ở Trung Quốc.

Theo báo cáo, mặc dù quy mô tổng thể của dân số di cư ở Trung Quốc đang giảm nhưng số lượng người già di cư vẫn gia tăng.

Các điểm đến hàng đầu của những người di cư lớn tuổi bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến, tương tự như những người di cư trẻ tuổi. Hầu hết họ chuyển đến ở với con cái và có thể làm nhiệm vụ chăm sóc cháu.

Những người cao tuổi di cư thường xuất hiện nhiều ở những gia đình trẻ có cả hai vợ chồng đều đi làm và không có thời gian chăm sóc con cái. Vì vậy, những người ông bà này đã đối mặt với hiện tượng "trẻ chăm con, già trông cháu".

"Giống như những người di cư trẻ tuổi phải vật lộn để sinh sống ở các thành phố, những người cao tuổi chuyển đến các đô thị còn gặp nhiều rắc rối hơn", Chu Hiểu Chính, giáo sư xã hội học tại Đại học Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh, nói với China Daily.

Hầu hết những người lớn tuổi di cư đều phải đối mặt với sự cô đơn. Họ thường nói giọng địa phương, thích đồ ăn ở quê và duy trì những thói quen khác với những người hàng xóm mới.

Theo một báo cáo năm 2017, hơn 80% người di cư cao tuổi Trung Quốc chưa bao giờ tham gia các hoạt động cộng đồng ở nơi họ đang sống. Ban ngày, họ thường ở nhà một mình chăm sóc cháu, không có thời gian giao lưu với bên ngoài.

"Tôi giống như một người giúp việc không được trả lương", một người cao tuổi di cư nói với Sixth Tone.

Nhiều người cao tuổi Trung Quốc cũng theo con chuyển ra nước ngoài sinh sống ở Canada, Italy, Australia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ và Singapore. Hầu hết họ không thể nói được tiếng địa phương và bị cách ly gần như hoàn toàn với cộng đồng nơi họ sinh sống, theo SCMP.

Trong gia đình, họ thường phải đối mặt với những triết lý nuôi dạy con cái hoặc văn hóa khác nhau do ảnh hưởng của môi trường nước ngoài.

Khi cháu họ lớn lên và được nhận sự giáo dục ở trường nước ngoài từ nhỏ, khoảng cách văn hóa giữa những đứa trẻ và ông bà càng gia tăng. Thậm chí, việc giao tiếp giữa ông bà và các cháu cũng có thể trở thành thách thức vì bất đồng ngôn ngữ, khiến người cao tuổi càng trở nên lạc lõng. 

Theo SCMP