1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Gần 600.000 ca mắc mới mỗi ngày, hơn 1,3 triệu người đã chết vì Covid-19

(Dân trí) - Các biện pháp quyết liệt mới nhằm ngăn chặn Covid-19 đã được công bố hoặc áp dụng tại nhiều nước trên thế giới, từ Áo tới Hi Lạp, Italy, khi số người mắc tăng gần 600.000 ca mỗi ngày.

Gần 600.000 ca mắc mới mỗi ngày, hơn 1,3 triệu người đã chết vì Covid-19 - 1

Các bác sĩ làm việc bên trong phòng chăm sóc bệnh nhân Covid-19 nặng tại Hanau, Đức (Ảnh: Reuters)

Theo trang web worldometers, tính tới ngày 15/11, thế giới đã ghi nhận 54,3 triệu người mắc Covid-19 và hơn 1,3 triệu người tử vong. Trong 24 giờ qua, 568.000 ca mắc mới và 8.729 ca tử vong đã được ghi nhận trên khắp toàn cầu.

Làn sóng các ca mắc Covid-19 mới không ngừng tăng khắp thế giới, từ châu Âu, châu Á tới châu Mỹ, đã buộc các chính phủ phải có các biện pháp hạn chế quyết liệt hơn, bất chấp nguy cơ suy giảm kinh tế nghiêm trọng.

Mỹ tiếp tục ghi nhận số người nhiễm trong 24 giờ rất cao. Theo số liệu của đại học Johns Hopkins, Mỹ có 184.514 ca nhiễm mới trong ngày 13/11, tăng so với con số 153.496 ca một ngày trước đó. Theo worldometers, Mỹ hiện đã ghi nhận hơn 11 triệu ca mắc và hơn 251.000 ca tử vong.

Tại châu Âu, các biện pháp hạn chế mới nhằm ngăn chặn đà lây lan chóng mặt của Covid-19 đã được công bố hoặc có hiệu lực tại một loạt quốc gia.

Áo ngày 14/11 công bố đóng cửa các trường học và các cửa hàng không cần thiết bắt đầu thứ thứ Ba tới, bổ sung cho lệnh phong tỏa một phần được áp dụng 2 tuần trước.

“Vẫn có nhiều người nói rằng các ca lây nhiễm không xảy ra tại trường học, cửa hàng hay dịch vụ”, Thủ tướng Áo Sebastien Kurtz nói.

Hi Lạp, vốn đang gặp phải một hệ thống y tế công bão hòa, đã tuyên bố đóng cửa toàn bộ các trường học sau khi áp dụng lệnh giới nghiêm vào ban đêm trên toàn quốc kể từ ngày 14/11.

Tại Italy, các vùng Tuscany và Campania - trong đó Florence và Naples lần lượt là các thủ phủ - đã rơi vào các “vùng đỏ” vì những biện pháp hạn chế khắc nghiệt mới.

“Không có cách nào khác nếu chúng ta muốn giảm số người chết”, Bộ trưởng Y tế Italy Roberto Speranza cảnh báo, khi số người chết lại nước này hôm qua tăng 544 trường hợp lên 44.683 người - một trong những con số cao nhất châu Âu.

Các biện pháp ngă chặn vi rút mới cũng có hiệu lực tại Ukraine. Tổng thống nước này Volodymyr Zelensky hôm 12/11 đã phải nhập viện sau khi mắc Covid-19.

Trong khi đó, tại Romania, một vụ cháy thảm khốc đã xảy ra tại một bệnh viện điều trị các bệnh nhân Covid-19 tại thị trấn Piatra Neamt ở phía bắc nước này, làm ít nhất 10 bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng và 7 người khác bị bỏng nặng.

Vài thành phố tại Đức đã chứng kiến các cuộc biểu tình nhằm phản đối việc thực thi lệnh bắt buộc đeo khẩu trang. Cảnh sát đã phải dùng vòi rồng để giải tán gần 1.000 người tại Frankfurt.

Tại thành phố nghỉ dưỡng Nice của Pháp, khoảng 1.500 người đã xuống đường để yêu cầu thực thi các biện pháp chặt chẽ hơn nhằm chiến đấu với đại dịch.

Tại Bồ Đào Nha, hàng trăm người đã xuống đường biểu tình, bất chấp lệnh giới nghiêm vào các ngày cuối tuần có liệu lực.

Ba Lan là quốc gia mới nhất ghi nhận số người chết kỷ lục 548 trường hợp trong 24 giờ qua, vài ngày sau khi chính phủ quyết định không áp dụng lệnh phong tỏa trên toàn quốc.

Tại Ấn Độ, đại dịch đã phủ bóng lên các hoạt động mừng lễ hội ánh sáng Diwali của hàng trăm triệu người theo đạo Hindu - một trong những lễ hội lớn nhất nước này. Với trên 8,8 triệu người mắc Covid-19 và gần 130.000 người tử vong, Ấn Độ hiện là vùng dịch lớn thứ 2 thế giới chỉ sau Mỹ.

Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết, họ hi vọng vắc xin Covid-19 có thể có vào cuối năm nay nếu các kết quả thử nghiệm khả quan. 

Trong khi đó, tại Mỹ, Tổng thống Donald Trump cho hay vắc xin Covid-19 dự kiến sẽ đủ cho khoảng 20 triệu người Mỹ trong tháng 12 tới đây, và từ 20-30 người mỗi tháng sau đó.