1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU xích lại gần lập trường của Mỹ trong mối lo ngại về Trung Quốc

Thành Đạt

(Dân trí) - Một quan chức Mỹ cho biết, các động thái của Trung Quốc gần đây đã khiến các nước châu Âu xích lại gần Mỹ trong việc nhận thức các mối lo ngại về Bắc Kinh.

EU xích lại gần lập trường của Mỹ trong mối lo ngại về Trung Quốc - 1

Trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ John Demers (Ảnh: Reuters)

“Hong Kong và Duy Ngô Nhĩ là những vấn đề lớn nhất trong các cuộc thảo luận của tôi với phía châu Âu”, John Demers, trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ về an ninh quốc gia, ngày 12/8 cho biết.

“Chúng tôi có nhiều bất đồng với châu Âu về những vấn đề khác nhau, nhưng sự thật là sau tất cả, chúng tôi vẫn chia sẻ với nhau những giá trị chính trị chung, và điều đó hữu ích khi chúng tôi đang có các cuộc thảo luận như thế này”, ông Demers nói trong cuộc thảo luận trực tuyến tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế ở Washington.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã hối thúc các đồng minh, bao gồm các nước châu Âu, cấm sử dụng công nghệ của Huawei, tập đoàn viễn thông lớn nhất của Trung Quốc, trong hạ tầng di động 5G tại các nước này.

Liên minh châu Âu (EU) và Anh đều chỉ trích vụ cảnh sát Hong Kong bắt giữ ông trùm truyền thông Jimmy Lai Chee-ying trong tuần này theo luật an ninh quốc gia mới của Trung Quốc. Đây là vụ việc mới nhất trong một chuỗi động thái mà Washington cho là vi phạm thỏa thuận của Bắc Kinh với Anh nhằm trao cho Hong Kong quyền tự trị đặc biệt trong 50 năm, kể từ khi đặc khu được trao trả về Trung Quốc đại lục vào năm 1997.

Mỹ, EU và Anh cũng lên tiếng chỉ trích việc cơ quan bầu cử Hong Kong cấm 12 chính trị gia đối lập tham gia các cuộc bầu cử của Hội đồng lập pháp đặc khu và hoãn bầu cử thêm 1 năm do những lo ngại về sự lây lan của dịch Covid-19.

Tháng trước, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lệnh trừng phạt đối với Bí thư đảng ủy khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương Chen Quanguo và 3 quan chức cấp cao trong bộ máy lãnh đạo tại khu tự trị này. Đây là những quan chức bị Mỹ cáo buộc có liên quan tới việc bắt giữ người Duy Ngô Nhĩ, người Hồi giáo và thành viên của các nhóm thiểu số tại Tân Cương.

Ông Chen là quan chức cấp cao nhất của Trung Quốc bị chính quyền Mỹ áp lệnh trừng phạt. Ông là một trong số 25 ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc - cơ quan quyền lực nhất của đảng Cộng sản Trung Quốc. Đây là dấu hiệu cho thấy Ngoại trưởng Pompeo đang hiện thực hóa những tuyên bố cứng rắn của ông với Trung Quốc.

Trong bài phát biểu trước Thượng viện Séc ngày 12/8, Ngoại trưởng Mỹ nói rằng những trao đổi sắp tới với EU sẽ “khởi động cuộc đối thoại giữa EU và Mỹ về Trung Quốc và cách hai bên có thể cùng đối phó với Trung Quốc”.

Theo trợ lý Bộ trưởng Tư pháp Mỹ, cách Trung Quốc ứng xử với các nước châu Âu trong giai đoạn dịch Covid-19 bùng phát khiến mối quan hệ giữa Bắc Kinh và EU trở nên căng thẳng. Ông Demers, người dẫn đầu nỗ lực chống gián điệp mang tên "Sáng kiến Trung Quốc" của Bộ Tư pháp Mỹ, đề cập tới tính toán của Bắc Kinh khi đề xuất hỗ trợ các nước châu Âu về vật tư y tế nhưng lại yêu cầu các nước phải công khai cảm ơn Bắc Kinh vì sự hỗ trợ này.

Hiện Đại sứ quán Trung Quốc tại Mỹ chưa đưa ra phản hồi về những phát biểu của quan chức Bộ Tư pháp Mỹ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm