1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Châu Âu "đau đầu" xử lý quan hệ với Trung Quốc

(Dân trí) - Đại dịch Covid-19 đã “kích hoạt” một cuộc tranh luận toàn cầu đầy khó khăn về việc liệu các nước phương Tây có nên suy nghĩ lại về quan hệ với Trung Quốc hay không.

Châu Âu đau đầu xử lý quan hệ với Trung Quốc - 1

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Bắc Kinh tháng 11/2019 (Ảnh: AFP)

Theo CNN, vấn đề này thực sự đã gây “đau đầu” với Liên minh châu Âu (EU) sau vài năm châu lục này đẩy mạnh hợp tác và kết nối với Bắc Kinh, mà mục tiêu cuối cùng là thúc đẩy đầu tư hai chiều và tiếp cận các thị trường rộng lớn của nhau.

Nhìn lướt qua, việc thiết lập lại quan hệ EU - Trung Quốc có vẻ đơn giản. Nhưng dù khối này xích lại gần hơn về phía Trung Quốc, mối quan hệ với Mỹ mới là nền tảng của một trật tự phương Tây do Washington dẫn đầu. Nếu châu Âu tạm dừng các cuộc đàm phán hiện thời với Trung Quốc để suy ngẫm về những gì đã xảy ra và những ưu tiên của châu lục này hậu Covid-19, đó có thể là điều khôn ngoan, dù hứng chịu tổn thất về kinh tế. Điều đó cũng sẽ được hoan nghênh và ủng hộ tại Washington.

Tuy nhiên, các hành động của Trung Quốc kể từ đại dịch Covid-19 nổ ra đã không khiến EU đi tới kết luận rằng giờ là lúc nên lạnh nhạt với Trung Quốc.

Vừa hợp tác, vừa cảnh giác

Dù có những cáo buộc nhằm vào Bắc Kinh về sự che đậy đại dịch thời gian đầu, phát tán thông tin sai lệch và chính sách ngoại giao khẩu trang gây tranh cãi, nhiều nhân vật từ các tổ chức cũng như các quốc gia tại châu Âu nói với CNN rằng đại dịch trên thực sự đã củng cố một thực tế rằng sự kết nối với Trung Quốc cần hơn bao giờ hết.

Logic của quan điểm trên là: Các ưu tiên của EU hiện thời là phục hồi sau Covid-19, cả về kinh tế lẫn chiến lược; trở thành một thế lực địa chính trị quan trọng; thúc đẩy nền kinh tế; và lãnh đạo thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng khí hậu.

Một quan điểm phần lớn được châu Âu thừa nhận rằng việc mở rộng quan hệ với Trung Quốc là nhằm phục vụ các mục đích trên. Giới chức tin rằng sự kết nối với Trung Quốc là cần thiết nếu thế giới muốn hiểu về virus và rút ra các bài học đúng đắn từ đại dịch.

Nguồn vốn dồi dào và mong muốn đầu tư của Trung Quốc rõ ràng là viễn cảnh rất hấp dẫn đối với các nền kinh tế ngập trong khó khăn tại châu Âu. Và muốn kiểm soát cuộc khủng hoảng khí hậu thì nơi đầu tiên phải bắt đầu là nước thải nhiều khí thải nhất - Trung Quốc. Và bằng cách lựa chọn một con đường thận trọng giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu có thể tạo một vai trò duy nhất cho chính mình trên trường quốc tế, giúp châu lục này độc lập với Washington về đường lối ngoại giao.

Tuy nhiên, đại dịch cũng làm tái tập trung sự chú ý tới các vấn đề khác liên quan tới Trung Quốc mà các nhà lãnh đạo châu Âu sẵn sàng bỏ qua, trong đó có vấn đề người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương, nạn gián điệp công nghiệp và vấn đề Hong Kong.

Các vấn đề trên xảy ra chỉ vài tháng trước khi châu Âu và EU dự kiến gặp nhau tại một hội nghị quan trọng vào tháng 9 để bàn về tăng cường mối quan hệ trong tương lai. Nhưng Covid-19 đã khiến cuộc họp này bị hoãn.

“Đại dịch là một lời cảnh tỉnh đối với các thành viên của khối vốn đang mộng du tới cuộc họp thượng đỉnh với Trung Quốc vào tháng 9, bị tiền của Trung Quốc làm mờ mắt”, ông Steven Blockmans, người đứng đầu chính sách đối ngoại tại Trung tâm nghiên cứu chính sách châu Âu (Bỉ), nhận định. “Vụ che đậy thông tin ở Vũ Hán và phát tán thông tin sai lệch đã làm tổn hại vị thế của Trung Quốc về mức độ đáng tin cậy của một đối tác đối với châu Âu”.

Điều đó đã đặt châu Âu vào một tình huống khó khăn. Một mặt, khối này có thể hợp tác với Bắc Kinh, nhưng mặt khác, châu Âu phải thừa nhận một cách công bằng rằng Trung Quốc là một đối thủ không thể tin tưởng hoàn toàn. Và hiện thời, EU thống nhất với quan điểm này.

“Không thể phủ nhận là chúng ta có một mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc, vừa là đối tác, vừa là đối thủ”, một nhà ngoại giao cấp cao EU giấu tên, người không được ủy quyền để nói về một lập trường chưa được EU thống nhất, tiết lộ.

Châu Âu trong thế kẹt với Mỹ

Châu Âu và Trung Quốc đã xích lại gần nhau hơn 3 thập niên qua, khi cả hai thấy rằng sự hấp dẫn về sức mạnh kinh tế của nhau là không thể phớt lờ. Khi Trung Quốc ngày một lớn mạnh sau sụp đổ kinh tế, dòng tiền đầu tư của Trung Quốc thậm chí còn hấp dẫn hơn đối với các quốc gia châu Âu. Và mặc dù hợp tác với Bắc Kinh luôn đi kèm với những rủi ro về an ninh và những bất đồng về các vấn đề cơ bản, lợi ích dường như là điều không thể bỏ qua.

Mặc dù EU coi mối quan hệ phức tạp với Trung Quốc là một lợi thế ngoại giao, khối này cũng có nguy cơ làm phức tạp thêm các vấn đề với 2 trong số các đồng minh thân cận nhất trong tương lai gần: Anh và Mỹ.

Năm ngoái, chính phủ của Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đồng ý để tập đoàn viễn thông Trung Quốc Huawei tham gia 35% vào dự án cơ sở hạ tầng mạng 5G của Anh, bất chấp áp lực lớn từ Washington.

Cùng lúc đó, đã xảy ra một cuộc tranh cãi về việc liệu dự án có khiến người Anh có nguy cơ bị nguy hiểm trước nạn gián điệp của Trung Quốc hay không.

“Từ quan điểm của Anh, 5G không còn là một cuộc tranh luận đơn thuận về kiểm soát rủi ro, mà là một phần của một vấn đề địa chính trị rộng lớn hơn”, cựu Ngoại trưởng Anh Malcolm Rifkind nhận định.

Ông Rifkind tin rằng chính sách ngoại giao chính của Trung Quốc là “đe dọa các quốc gia không ủng hộ quan điểm của Bắc Kinh về cách ứng xử của nước này” và rằng các chính phủ giờ đây không thể “ly dị” các hành động của họ vì Covid-19, Hong Kong và người Duy Ngô Nhĩ.

Quyết định về Huawei hiện đang được xem xét lại và một quan chức cấp cao giấu tên của Anh biết rõ về tiến trình này tiết lộ rằng “có vẻ mọi chuyện không thuận lợi cho Huawei”.

Anh cũng đã nêu quan điểm cứng rắn về Hong Kong, nói rằng nước này có thể cấp hộ chiếu cho hàng triệu người Hong Kong trong bối cảnh Trung Quốc chuẩn bị áp luật an ninh quốc gia mới lên đặc khu.

Tất nhiên, sự thay đổi này tại London đang được xem là một thắng lợi lớn đối với những nhân vật “diều hâu” tại Washington, những người đã trở nên cứng rắn từ năm 2016 theo chỉ đạo của Tổng thống Donald Trump. Và giờ đây khi có thêm Anh, Mỹ nhiều khả năng sẽ đáp trả Trung Quốc mạnh mẽ hơn.

“Sẽ khó cho EU nếu phớt lờ các kêu gọi của Mỹ về các lệnh trừng phạt và cắt hợp đồng”, ông Blockmans nói. “Các chính phủ sẽ cố gắng tảng lờ nó cho tới khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ xong xuôi. Nhưng nếu chính quyền tiếp theo của Mỹ tiếp tục thực hiện các lệnh cấm vận như ông Trump đã làm với Iran, EU sẽ phải tìm các cách thức mới để bảo vệ sự tự chủ của mình đối với các vấn đề quốc tế”.

Sự tự chủ này vẫn rất quan trọng với EU. “Châu Âu rõ ràng không muốn trở thành công cụ ngoại giao của Mỹ và muốn tìm con đường riêng để đối phó Trung Quốc”, một nhà ngoại giao cho hay. Tuy nhiên, nhà ngoại giao này cũng thừa nhận rằng EU không thể hành động “ngây thơ” như khối này từng làm sau cuộc khủng hoảng nợ công, khi các nền kinh tế gặp khó khăn của châu Âu chào đón cả đầu tư trực tiếp từ Trung Quốc và nhiều công ty gặp khó khăn bị thâu tóm, và châu Âu đã phải mở cửa “các thị trường mà không thể đảm bảo về an ninh, cùng các vấn đề khác”.

“Tôi cho rằng với Covid-19, chúng ta có thể tiến gần hơn tới một sự hiểu biết chung của châu Âu rằng Trung Quốc là ai và ứng xử thế nào”, CNN dẫn lời Lucrezia Poggetti, một nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator.

“Hành động của chính phủ Trung Quốc trong thời điểm khủng hoảng đã gây lo ngại tại châu Âu, với các âm mưu như đẩy các quốc gia đối đầu nhau và làm suy yếu các nền dân chủ. Và khi điều đó trở nên rõ ràng hơn trong các cuộc tranh luận chính trị quốc gia, châu Âu có thể hiểu hơn về Trung Quốc”, ông nói thêm.

Bốn quan chức châu Âu thừa nhận rằng họ hối tiếc khi không cứng rắn hơn với Trung Quốc. “Chúng ta là thị trường số 1 thế giới và chúng ta phải sử dụng nó làm đòn bẩy trong việc đối đầu với Trung Quốc”, một nhà ngoại giao EU tham gia vào chính sách đối ngoại của khối lý giải.

Ông Blockmans cho rằng họ có thể đi xa hơn và sử dụng các tài sản - như thị trường chung hấp dẫn của khối và các điều luật giám sát tiếp cận thị trường - để làm đòn bẩy trong các cuộc đàm phán. “Liên minh nên mở rộng chiến lược toàn cầu và sử dụng luật pháp quốc tế và châu Âu một cách khéo léo hơn để bảo vệ lợi ích của mình và thúc đẩy các mục tiêu an ninh đối với cả Trung Quốc và Mỹ”.

Điều đó nhiều khả năng sẽ rất phức tạp. Bất chấp tất cả những điều đó, mục tiêu đối ngoại chính của EU vẫn là cân bằng quan hệ với Mỹ và Trung Quốc bằng việc kết nối với Trung Quốc - mà khối đã xác định là đối thủ mang tính hệ thống, và cẩn trọng với nguy cơ làm Mỹ nổi giận. Điều này sẽ là khó khăn đối với bất kỳ cường quốc thế giới nào. Vì EU là một khối gồm 27 quốc gia thành viên và tất cả các nước đều có quyền ngang nhau để lên tiếng, vấn đề này có nguy cơ bùng nổ.

"Sống chung với lũ"

Hiện nay, tất cả các quốc gia thành viên EU cơ bản có cùng quan điểm rằng sự kết nối với Trung Quốc là cần thiết nhưng nên được thực hiện với sự thận trọng hơn, trên cơ sở rằng Trung Quốc là đối thủ mang tính hệ thống.

Nhưng một cuộc đổ lỗi về đại dịch Covid-19 đang nhắm về phía Trung Quốc có thể khiến một số quốc gia trở nên “diều hâu” hơn, trong khi đó, chiến dịch tuyên truyền ủng hộ Trung Quốc lại có vẻ hiệu quả ở một số quốc gia không thân thiện với châu Âu. Bắc Kinh từ lâu đã tỏ ra khôn ngoan trong việc bắt tay với các quốc gia thành viên vốn cảm thông với vị thế của Trung Quốc, trong đó hầu hết là các nước Đông Âu khó khăn hơn về kinh tế và các chính phủ dân túy như tại Italia và Áo.

CNN nhận định, nếu quan điểm giữa các quốc gia thành viên bắt đầu chia rẽ trong những tháng tới, các ông lớn ở Brussels có thể cần phải "đóng băng" tham vọng của họ một thời gian.

An Bình

Tổng hợp