1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Mỹ giáng đòn trừng phạt nhằm vào hàng hóa Tân Cương

Minh Phương

(Dân trí) - Mỹ công bố các hạn chế mới đối với nhập khẩu hàng loạt sản phẩm từ Tân Cương (Trung Quốc), đặc biệt là bông và các sản phẩm may mặc.

Mỹ giáng đòn trừng phạt nhằm vào hàng hóa Tân Cương - 1
Trung Quốc sản xuất khoảng 20% ​​lượng bông của thế giới và phần lớn từ Tân Cương. (Ảnh: Tân Hoa Xã)

Cơ quan Biên phòng và Hải quan Mỹ (CBP) ngày 14/9 đưa ra thông báo về các hạn chế mới đối với bông và sản phẩm may mặc nhập khẩu từ Tân Cương. Các hạn chế này được nêu rõ trong 5 Lệnh hủy bỏ (WRO).

WRO không phải là lệnh cấm nhập khẩu thực tế, nhưng hàng hóa thuộc đối tượng của WRO phải được tái xuất hoặc tiêu hủy nếu CBP xác định chúng được làm bằng lao động cưỡng bức.

Giám đốc Cơ quan Hải quan và biên giới Mỹ (CBP) Mark Morgan cho biết với các phóng viên: "Đây không phải các WRO đầu tiên mà Mỹ ban hành nhằm vào hàng hóa Trung Quốc, tôi tin chắc chúng cũng không phải các WRO cuối cùng".

Một trong năm WRO này áp dụng đối với tất cả sản phẩm bông được sản xuất và xử lý bởi Công ty Bông sợi Junggar Tân Cương. Một WRO khác áp dụng với sản phẩm may mặc của Công ty may mặc Yili Zhuowan và Công kinh Kinh doanh Thương mại Baoding LYSZD đều ở Tân Cương. Theo số liệu thống kê của chính phủ Mỹ, khoảng 85% sản phẩm bông của Trung Quốc được sản xuất ở Tân Cương. Mỹ nhập khẩu 50 tỷ USD hàng dệt may từ Trung Quốc năm 2019.

Ngoài sản phẩm bông, WRO mới của Mỹ cũng nhắm đến các linh kiện máy tính của công ty Công nghệ Hefei Bitland ở tỉnh An Huy, các sản phẩm tóc người sản xuất từ một khu công nghiệp ở Tân Cương.

Lệnh WRO cuối cùng áp dụng đối với tất cả sản phẩm sử dụng lao động từ Trung tâm đào tạo việc làm số 4 ở huyện Lop, Tân Cương.

Lệnh cấm của CBP có thể ảnh hưởng đáng kể đến các nhà bán lẻ và nhà sản xuất hàng may mặc của Mỹ. Lệnh cấm cũng có thể khiến căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc leo thang trong bối cảnh chính quyền Tổng thống Donald Trump đang gia tăng sức ép với Trung Quốc về vấn đề liên quan tới cộng đồng người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.

Hồi tháng 3, các nhà lập pháp Mỹ đã đề xuất dự luật với lập luận rằng tất cả hàng hóa được sản xuất ở Tân Cương đều được sản xuất bằng lao động bị cưỡng bức và yêu cầu các sản phẩm phải được chứng nhận.