1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU tranh cãi việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine

Thanh Thành

(Dân trí) - Các nước Liên minh châu Âu (EU) ngày càng hoài nghi và bùng nổ nhiều tranh cãi về việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine bởi đây sẽ là "một bước đi khó khăn", truyền thông Mỹ đưa tin.

EU tranh cãi việc gửi lực lượng gìn giữ hòa bình tới Ukraine - 1

Binh lính Ukraine tại khu vực tiền tuyến giữa lực lượng Nga và Ukraine ở Donetsk (Ảnh: AFP).

"Rất khó có khả năng các quốc gia thành viên EU sẽ triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình ở Ukraine, đặc biệt là khi không có sự tham gia của Mỹ", Đài phát thanh châu Âu Tự do/Đài phát thanh Tự do (RFE/RL) trích dẫn các nguồn tin cho biết.

Theo nguồn tin trên, có 2 lý do tại sao để tin rằng binh sĩ châu Âu sẽ không có mặt trên lãnh thổ Ukraine.

"Thứ nhất, phía Nga sẽ không chấp nhận điều đó. Thứ hai, sẽ rất khó để người dân châu Âu chấp nhận điều này", một nhà ngoại giao EU giấu tên nói với hãng tin này.

Nhà ngoại giao này nói thêm rằng việc gửi quân đội phương Tây đến "chết ở Ukraine" sẽ nằm trong tay của "những người theo chủ nghĩa dân túy".

RFE/RL trích dẫn một quan chức EU giấu tên khác nói rằng, việc triển khai binh lính nước ngoài vẫn còn là một mục tiêu xa vời. "Đó là một ý tưởng hay. Tuy nhiên, chỉ cần xem xét thái độ hoài nghi ở Cộng hòa Séc và Ba Lan - những quốc gia dự kiến sẽ cung cấp nhiều binh sĩ nhất - là đủ để thấy rằng đây sẽ là một động thái khó khăn", nguồn tin nêu rõ.

Một nhà ngoại giao EU nói với RFE/RL rằng, Ukraine đang trên đường "hạ cánh gập ghềnh" trong năm tới. "Không có kịch bản nào khả quan", nguồn tin cho biết, ám chỉ rằng cuộc xung đột đang hướng đến điều gì đó tương tự như thỏa thuận Minsk 2014-2015, tạm thời chấm dứt giao tranh trên diện rộng ở Donbass.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nêu rõ, chính việc Kiev không thực hiện thỏa thuận Minsk là một trong những nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột này. Cho đến nay, cả Nga và Ukraine đều bác bỏ ý tưởng ngừng bắn vô điều kiện.

Theo nhiều nguồn tin, các nhà lãnh đạo châu Âu đã thảo luận về khả năng điều động lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi lệnh ngừng bắn đạt được.

Tạp chí Politico đưa tin rằng, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk đã lên kế hoạch trao đổi quan điểm về vấn đề này trong cuộc họp tại Warsaw vào đầu tháng này. Sau đó, ông Tusk nói với các nhà báo rằng, Ba Lan không có kế hoạch cho các hành động như vậy. Các quan chức Pháp trước đó đã đưa ra ý tưởng cử các huấn luyện viên quân sự và nhân sự có thể hỗ trợ rà phá bom mìn.

Nga đã nhiều lần tuyên bố sẽ coi bất kỳ binh lính phương Tây nào xuất hiện ở Ukraine là mục tiêu hợp pháp.

Theo RT