1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

EU quyết tăng cường hợp tác với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

Trong bài xã luận mới, ông Josep Borrell Borrell, quan chức ngoại giao hàng đầu của Liên minh châu Âu (EU), tái khẳng định mong muốn tăng cường hợp tác với các nước ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

EU quyết tăng cường hợp tác với Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương - 1

Ông Josep Borrell Fontelles, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu (Ảnh: AFP).

Vào đầu năm 2024, người châu Âu hiển nhiên quan ngại sâu sắc trước cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine, cũng như cuộc xung đột bùng phát trở lại ở Trung Đông.

Tuy nhiên, chúng tôi không quên bối cảnh rộng hơn: Trọng tâm của nền kinh tế thế giới đã chuyển sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi chiếm gần 50% GDP và 60% dân số toàn cầu. Hòa bình và ổn định ở khu vực này hết sức quan trọng đối với châu Âu và thế giới.

Trong những năm gần đây, EU đã nỗ lực không ngừng để cải thiện hợp tác với khu vực này, đặc biệt bằng việc trở thành đối tác chiến lược của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2020, khởi động chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vào năm 2021, tổ chức thành công Hội nghị Thượng đỉnh EU - ASEAN vào năm 2022 và thông qua Hiệp định Samoa với các quốc gia Thái Bình Dương vào năm 2023. Chúng tôi sẽ đẩy nhanh lộ trình vào năm 2024.

Các mối liên kết kinh tế giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương đã đạt đến cấp độ ấn tượng, điều không thể tưởng tượng được cách đây 40 năm. Các tuyến hàng hải trong khu vực này đã trở thành huyết mạch của thế giới: Mỗi ngày có 2.000 tàu vận chuyển hàng hóa qua Ấn Độ Dương và Biển Đông đến châu Âu và ngược lại.

Tuy nhiên, môi trường an ninh đang xấu đi. Những căng thẳng lớn đang gia tăng, từ Biển Đông, đến eo biển Đài Loan, bán đảo Triều Tiên và Biển Đỏ.

EU có ý định chống lại xu hướng này. Các giải pháp đa phương và các cách tiếp cận khu vực nằm trong ADN của chúng tôi và chúng tôi sẽ luôn bảo vệ luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS) và cơ chế không phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Để bảo vệ trật tự thế giới dựa trên luật lệ, chúng tôi muốn hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác cam kết theo đuổi chủ nghĩa đa phương ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.

EU duy trì đối thoại an ninh và quốc phòng thường xuyên với Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, Hàn Quốc và các quốc gia khác. Tuy vậy, sự hợp tác của chúng tôi ngày càng mở rộng ra ngoài đối thoại để tiến tới các hoạt động cụ thể và có thể triển khai.

Trong khuôn khổ quan hệ Đối tác Chiến lược của chúng tôi với ASEAN, hợp tác an ninh ngày càng trở thành thành tố quan trọng. Chúng tôi đang tham gia cùng các thành viên ASEAN trong các cuộc tập trận hải quân khu vực và các lực lượng hải quân của các đối tác châu Á đang hợp tác với chúng tôi trong Chiến dịch Atalanta, gần khu vực Sừng châu Phi. Đây là những ví dụ điển hình về những gì chúng ta có thể làm cùng nhau.

Để tiến xa hơn, chúng tôi đề xuất sử dụng năng lực tiên tiến của các quốc gia thành viên để trở thành một "người hỗ trợ an ninh thông minh", giúp xây dựng năng lực cho các đối tác của chúng tôi trong khu vực về an ninh hàng hải, an ninh mạng, chống khủng bố và thao túng, can thiệp thông tin từ nước ngoài.

Chúng ta cần đến nhau để giúp ổn định thế giới này. Những thách thức mà chúng ta đang phải đối mặt không cho phép có phương cách nào khác ngoài việc hợp tác chặt chẽ để tránh xung đột và đảm bảo tôn trọng luật pháp quốc tế.

Để bảo vệ quyền tự do hàng hải, các quốc gia thành viên EU đã tăng cường việc triển khai lực lượng giữa EU và khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Khu vực này có thể tin tưởng vào chúng tôi như một đối tác đáng tin cậy.

Về mặt kinh tế, xung đột giữa Nga và Ukraine đã cho chúng ta thấy cái giá đắt của việc EU phụ thuộc quá mức vào khí đốt của Nga. Do đó, chúng tôi đang tập trung vào việc cải thiện an ninh kinh tế của EU bằng cách giảm sự phụ thuộc quá mức này.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là đóng cửa biên giới của chúng tôi. Ngược lại, nó sẽ dẫn đến việc phát triển mối quan hệ kinh tế của chúng tôi với nhiều quốc gia trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm giảm thiểu rủi ro cho nền kinh tế và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Trong bối cảnh đó, EU gần đây đã ký hiệp định thương mại tự do với New Zealand và đang tiến hành đàm phán với Ấn Độ, Indonesia và Thái Lan. Chúng tôi cũng đang hợp tác với Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và Ấn Độ để đảm bảo các chuỗi cung ứng ổn định và đa dạng trong lĩnh vực công nghệ số, đồng thời đã đề xuất với các đối tác Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cùng hợp tác trong việc khai thác và chế biến một cách bền vững các nguyên liệu thô quan trọng, cần thiết cho quá trình chuyển đổi xanh và chuyển đổi số.

EU cũng mong muốn hợp tác tích cực hơn với các nước Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương hướng tới một tương lai xanh và bền vững. Liên minh Xanh lá - Xanh dương (Green - Blue Alliance) với các quốc đảo Thái Bình Dương đang giúp tăng cường khả năng ứng phó với khí hậu của họ.

Cùng với các đối tác G7, chúng tôi cũng đã nhất trí về các cơ chế Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng với Nam Phi, Indonesia và Việt Nam; và Ngân hàng Đầu tư châu Âu đã đầu tư 500 triệu euro để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi xanh của Việt Nam theo cách mang lại lợi ích cho cả người dân và cho hành tinh.

Nói tóm lại, chúng tôi nhận thức rõ tầm quan trọng cốt yếu về sự hợp tác của EU với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Chúng tôi đang thể hiện điều đó thông qua Ngày Thái Bình Dương tại Nghị viện châu Âu vào ngày 1/2, nêu bật sự hợp tác đang phát triển của chúng tôi với các đối tác quốc đảo Thái Bình Dương.

Một ngày sau đó, Diễn đàn cấp Bộ trưởng Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương lần thứ 3 của chúng tôi sẽ quy tụ các Bộ trưởng Ngoại giao trong khu vực và thuộc EU. Sau đó chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị cấp bộ trưởng EU - ASEAN diễn ra 2 năm một lần.

Trong thế giới đầy biến động về địa chính trị và sự cạnh tranh giữa các cường quốc, 3 hội nghị cấp cao này thể hiện mối quan tâm chung và mạnh mẽ rằng EU và các quốc gia Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cần phải hợp tác chặt chẽ hơn nữa để tăng cường an ninh, thịnh vượng và khả năng chống chịu.

Josep Borrell Fontelles - Đại diện cấp cao về chính sách đối ngoại và an ninh, Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm