1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU muốn tăng mạnh chi quốc phòng vì chiến sự Ukraine

Quốc Đạt

(Dân trí) - Các quan chức EU vén màn sáng kiến đầy tham vọng nhằm tăng cường sản xuất và mua sắm vũ khí nội khối để giảm phụ thuộc vào vũ khí Mỹ và để phản ứng trước chiến dịch của Nga tại Ukraine.

EU muốn tăng mạnh chi quốc phòng vì chiến sự Ukraine - 1

Quan chức EU nói khối này đang phải đối mặt với một "mô hình an ninh mới", khi mà nước Nga đã chuyển sang nền kinh tế thời chiến (Ảnh: AFP).

"Để đối phó sự trở lại của giao tranh cường độ cao ở biên giới chúng tôi, chúng tôi đã quyết định tăng tốc", Ủy viên thị trường nội bộ EU Thierry Breton nói với các phóng viên khi công bố sáng kiến mới có tên Chiến lược Công nghiệp Quốc phòng châu Âu.

Về lâu dài, sáng kiến này nhằm khuyến khích các nhà sản xuất vũ khí của châu Âu đầu tư nhiều hơn, cải thiện độ linh hoạt trong quy trình sản xuất và cùng lập danh mục kho vũ khí của nhau.

Phó chủ tịch Ủy ban châu Âu Margrethe Vestager cho biết: "Chúng ta phải chịu trách nhiệm nhiều hơn về an ninh của chính mình, tất nhiên là trong khi vẫn duy trì đầy đủ cam kết với liên minh NATO".

"Chúng tôi cần đạt được thế cân bằng xuyên Đại Tây Dương, bất kể diễn biến bầu cử ở Mỹ", bà nói với các phóng viên, ngầm chỉ ông Donald Trump, ứng viên tổng thống Mỹ có thái độ hoài nghi NATO.

Vấn đề lấy nguồn tài chính ở đâu cho sáng kiến đầy tham vọng này đang là việc nan giải đối với châu Âu, vốn đã cắt giảm đầu tư quốc phòng trong nhiều thập kỷ sau khi Liên Xô tan rã.

Ông Breton cho biết, Liên minh châu Âu rốt cuộc sẽ cần khoảng 100 tỷ euro để sánh ngang Lầu Năm Góc và ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ.

Để khởi động dự án, Ủy ban châu Âu dự định trích 1,5 tỷ euro từ ngân sách hiện tại của EU kéo dài đến năm 2027. Bà Vestager thừa nhận số tiền này "không phải lớn" nếu xét đến quy mô của sáng kiến.

"Nhưng nó vẫn có thể đóng vai trò như động lực khuyến khích hoặc phần thưởng... vì ngân sách thực sự cho nền quốc phòng mạnh mẽ hơn đến từ các quốc gia thành viên và nguồn ngân sách đó sẽ tăng lên trong những năm tới", bà nói.

Một số quốc gia như Pháp ủng hộ ý tưởng sử dụng trái phiếu EU để lấy kinh phí xây dựng cơ sở sản xuất vũ khí cho châu Âu. Nhưng các quốc gia "tiết kiệm" như Đức phản đối vì lo ngại điều này sẽ tập trung quyền lực ngân sách vào Brussels và lấn át chủ quyền quốc gia trong các vấn đề quốc phòng.

Theo AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm