1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

EU dành cho Anh "quy chế đặc biệt": Những toan tính lợi ích

(Dân trí) - Với thỏa thuận được với EU hôm 19/2, Anh sẽ hưởng quy chế đặc biệt: không phải tham gia sâu hơn vào EU, quyền thực hiện các biện pháp khẩn cấp để bảo vệ thành phố London, quyền trì hoãn thực thi những đạo luật Eurozone và dừng chi trả phúc lợi cho những lao động nhập cư.

Quốc kỳ Anh và cờ Liên minh Châu Âu (Ảnh: Telegraph)
Quốc kỳ Anh và cờ Liên minh Châu Âu (Ảnh: Telegraph)

Toan tính lợi ích

Theo giới tài chính Anh, việc rời khỏi EU sẽ không chỉ thiệt hại về kinh tế đối với Anh, mà còn đẩy hoạt động ngân hàng nước này đến những rào cản thương mại lớn hơn. Điều quan trọng là các ngân hàng mất đi những lao động chất lượng cao với sự dịch chuyển từ các thành viên khác. Bằng chứng là, những diễn biến trên thị trường tài chính Anh đã đón nhận nó với một thái độ tích cực, theo hướng nó có thể vẫn là vị trí trung tâm tài chính lớn nhất thế giới của London.

Một khảo sát trong khối doanh nghiệp cho thấy, 40% lãnh đạo muốn Anh ở lại EU bất chấp điều kiện là gì, 52% muốn ở lại trong một EU cải cách và chỉ có 8% cho rằng Anh nên ra khỏi EU sẽ có lợi hơn. Theo Công ty nghiên cứu Capital Economics, ra khỏi EU sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho nước Anh, nhưng là trong dài hạn. Còn trước mắt, trung tâm tài chính City sẽ bị ảnh hưởng, nhưng không đến mức thảm họa, và thậm chí sau đó còn có lợi, khi giao dịch thuận lợi hơn với các nền kinh tế mới nổi.

Tuy nhiên, nếu Anh ra khỏi EU thì từ nay đến năm 2030, nền kinh tế nước này sẽ mất đi cơ hội có thêm 58 tỷ bảng, và 790.000 lao động mỗi năm từ nhiều lĩnh vực đưa lại. Tờ Guardian lại cho rằng, Anh sẽ mất 11 tỷ bảng mỗi năm từ quan hệ thương mại với EU. Đây là số tiền từ những loại thuế mà hàng hoá của Anh có thể phải trả sau khi đã mất đi quy chế thương mại nội khối.

Theo Telegraph, việc ra đi hay ở lại là vấn đề quyết định sự sống còn của nông nghiệp Anh. Bởi vì, hiện nay 60% thu nhập của nông dân Anh đến từ những quy chế bảo hộ của EU. Liệu Anh có thể ra đi, trong khi London chưa có giải pháp nào được đề xuất thay thế? Ngoài ra, còn phải kể đến nhập khẩu lương thực, thực phẩm của Anh hiện đã là 30%, trong đó đa phần là từ các thành viên EU. Đây là bài toán vẫn chưa có lời giải trước khi trả lời câu hỏi ra đi hay ở lại.

Nhượng bộ lẫn nhau

Ngay sau khi kết thúc Hội nghị thượng đỉnh EU, Thủ tướng Anh Cameron thông báo cho người dân trên Twitter rằng: “Tôi vừa thảo luận về thoả thuận cho Anh vị thế đặc biệt trong EU. Tôi sẽ đề xuất với nội các vào ngày mai”. Trả lời báo giới, ông khẳng định: “Tôi tin rằng chúng ta sẽ mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn trong một EU được cải cách”, và “đó là lý do tôi sẽ vận động bằng tất cả trái tim và tâm huyết của mình để thuyết phục người Anh ở lại trong EU khi nó được cải cách, theo thoả thuận chúng ta đạt được hôm nay”.

Trong quá trình đàm phán, ông Cameron đề nghị EU cải cách trên 4 lĩnh vực chủ chốt: sự cạnh tranh kinh tế, quyền chủ quyền của các nước thành viên, chính sách an sinh xã hội, và dòng lao động dịch chuyển tự do. Các nước thành viên EU phía Đông Âu phản đối quyết liệt những đề xuất của Anh, nhất là việc hạn chế những lao động EU không phải là người Anh tiếp cận với phúc lợi xã hội của London.

Pháp đặc biệt quan ngại đối với ngành tài chính của Anh, vốn cạnh tranh với nước này sẽ ít bị điều chỉnh hơn so với trước đây. Còn Thủ tướng của quốc gia đầu tàu EU, bà Angela Merkel lại cho biết sự thoả hiệp có được là vì “chúng tôi muốn Anh ở lại”. Các cuộc thảo luận giữa lãnh đạo EU và Thủ tướng Cameron vấp phải một số đòi hỏi từ phía Anh, đặc biệt việc hạn chế trợ cấp xã hội cho công dân EU làm việc tại Anh, còn EU đề xuất cắt khoản hỗ trợ này trong vòng 4 năm và cuối cùng thỏa thuận là 7 năm.

Ông Cameron đã nhận được sự ủng hộ từ người đồng cấp Đức Merkel, khi bà cho rằng điều cần thiết trong EU là tập trung vào tính cạnh tranh, sự minh bạch và chống quan liêu. Bà Merkel nhấn mạnh rằng mỗi quốc gia thành viên cần bảo vệ hệ thống xã hội của mình chống lại sự lạm dụng yêu cầu cắt giảm hỗ trợ xã hội.

Dưới sức ép của những người theo trường phái hoài nghi EU, Thủ tướng Cameron hứa sẽ tổ chức trưng cầu ý dân về việc Anh ra đi hay ở lại trong EU. Giới quan sát thì lo ngại, điều này có nguy cơ tạo ra một cuộc khủng hoảng mới với quy mô lớn trong lúc toàn bộ châu Âu đang bị lung lay bởi cuộc khủng hoảng nhập cư chưa từng thấy.

Kết quả vẫn phải chờ

Ngay sau khi thỏa thuận đạt được, người ủng hộ cho rằng đây là thỏa thuận lịch sử, mang lại lợi ích cho cả Anh và EU. Người hoài nghi lại cho rằng, Thủ tướng Anh đã đưa ra những yêu cầu quá đơn giản, và việc EU nhượng bộ, không có ý nghĩa gì nhiều cho nước Anh, cho nền kinh tế và thị trường tài chính London.

Nguyên thủ của nhiều quốc gia EU cũng đã thể hiện sự hoan nghênh quyết định này. Thủ tướng Ba Lan Beata Szydło cho rằng: “Thỏa thuận vừa đạt được là tin tức tốt lành cho EU.” Thủ tướng Ý Matteo Renzi bày tỏ hài lòng vì hội nghị đã kết thúc với một thỏa thuận, trong khi Thủ tướng Ireland Enda Kenny cho biết ông ủng hộ mạnh mẽ ý tưởng Anh nên ở lại EU, nhưng cũng thận trọng nói rằng: “Đây mới chỉ là bước khởi đầu của một tiến trình” và chặng đường vận động trước mắt ở Anh sẽ đầy thách thức.

Tuy nhiên, những người vận động Anh rời khỏi EU cho rằng, thỏa thuận trên chỉ “có những thay đổi rất nhỏ”. Thủ lĩnh Công Đảng Jeremy Corbyn cho rằng những thay đổi mà ông Cameron đã đàm phán được hầu như chẳng liên quan gì tới những vấn đề mà phần lớn người dân Anh đang gặp phải như: thúc đẩy việc làm, bảo vệ ngành sản xuất thép, chấm dứt tình trạng lương thấp. Còn ông Nigel Farage của Đảng Độc lập tuyên bố thỏa thuận với EU là không thỏa đáng. Ông này cho rằng nước Anh cần rời EU, kiểm soát chặt biên giới, tự điều hành đất nước và chấm dứt mỗi ngày phải đóng góp tới 55 triệu bảng cho EU.

Ngay sau khi đạt được thỏa thuận (20/2), nội các Anh đã bắt đầu cuộc họp khẩn nhằm tìm kiếm sự đồng thuận của tất cả các bộ trưởng. Trong khi một đồng minh thân cận của Thủ tướng Cameron là Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove tuyên bố sẽ vận động cử tri Anh bỏ phiếu ra khỏi EU. Bộ trưởng Tài Chính George Osborne và Bộ trưởng Nội vụ Theresa May khẳng định sẽ ủng hộ ông Cameron vì lý do an ninh, chống tội phạm và khủng bố.

Nội dung câu hỏi trưng cầu ý dân vào tháng 6 tới được dự kiến là: Nước Anh “sẽ an toàn hơn, mạnh hơn và thịnh vượng hơn trong một EU cải cách hay đứng ngoài một mình”. Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk tuyên bố, “Tôi tin là nước Anh cần EU và EU cũng cần nước Anh. Phá vỡ mối liên kết này sẽ là đi ngược lại hoàn toàn với lợi ích của các bên. Chúng tôi đã làm tất cả để điều đó không xảy ra, nhưng quyết định cuối cùng nằm trong tay của người dân Anh”.

Như vậy, trước ngưỡng cửa cuộc trưng cầu ý dân về việc Anh có ở lại EU hay không, các nhà lãnh đạo hai bên đã đạt được một thỏa thuận quan trọng, trên cơ sở lợi ích và sự nhượng bộ lẫn nhau. Tuy nhiên, người dân Anh mới là người ra quyết định cuối cùng vào ngày 23/6 tới.

Quang Huy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm