1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Anh đạt được thỏa thuận với EU để tiếp tục ở lại

(Dân trí) - Thủ tướng Anh David Cameron tối 19/2 đã đạt được thỏa thuận với EU về “vị thế đặc biệt” cho nước Anh, mở đường cho chiến dịch vận động người dân xứ sương mù bỏ phiếu ủng hộ việc ở lại EU trong cuộc trưng cầu dân ý sắp tới.

Ông David Cameron tin tưởng thỏa thuận vừa đạt được sẽ thuyết phục được cử tri Anh. (Ảnh: AFP)
Ông David Cameron tin tưởng thỏa thuận vừa đạt được sẽ thuyết phục được cử tri Anh. (Ảnh: AFP)

Thỏa thuận đạt được sau 2 ngày đàm phán căng thẳng, thậm chí kéo dài xuyên đêm tại Brussels, cho dù các lãnh đạo châu Âu đã tranh cãi quyết liệt về những đề xuất cải tổ mà ông Cameron đưa ra.

Trong ngày thứ Bảy theo giờ địa phương, ông Cameron sẽ có một cuộc họp khẩn nội các, để thảo luận tiến trình khó khăn tiếp theo là thuyết phục người dân Anh chấp thuận những nội dung đàm phán đã đạt được với EU. Dự kiến ngày 23/6 tới, nước Anh sẽ tổ chức trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục là thành viên EU hay không.

“Tôi đã thương thảo một thỏa thuận trao cho Anh vị thế đặc biệt tại Liên minh châu Âu”, ông Cameron khẳng định với báo giới. “Tôi sẽ vận động, với tất cả trái tim và tâm hồn, để thuyết phục người Anh ở lại với một EU đã được cải tổ như chúng ta đã nhất trí hôm nay”.

Ông Cameron cho biết thỏa thuận bao gồm một “biện pháp dừng khẩn cấp” trong 7 năm việc chi trả phúc lợi cho người di cư EU, và điều đó có nghĩa là nước Anh sẽ “về lâu dài đứng ngoài việc tham gia sâu hơn vào liên minh”.

Cắt phúc lợi người nhập cư, ngừng tham gia sâu hơn vào EU

Cụ thể, theo BBC, thỏa thuận mới bao gồm cắt giảm phúc lợi cho con của những người di cư EU đang sống ở nước ngoài, có hiệu lực ngay lập tức đối với những người di cư mới đến Anh, và từ năm 2020 sẽ áp dụng với 34.000 người xin tị nạn hiện tại.

Thỏa thuận cũng bao gồm điều khoản sửa đổi các hiệp ước của EU, để khẳng định rõ ràng rằng yêu cầu các thành viên phải tham gia sâu hơn vào liên minh “không áp dụng đối với vương quốc Anh”.

Về đề xuất “dừng khẩn cấp” việc chi trả phúc lợi cho những lao động nhập cư đang làm việc, ban đầu ông Cameron đề nghị nước Anh được dừng chi trả trong 13 năm đối với những lao động mới đến Anh từ các nước EU khác. Tuy nhiên lãnh đạo các quốc gia khác đã phản đối và chỉ chấp thuận thời hạn 5 năm. Cuối cùng các bên chốt lại thời hạn là 7 năm.

Điểm then chốt cuối cùng trong thỏa thuận đó là cho phép nước Anh thực hiện các biện pháp bảo vệ khẩn cấp để bảo vệ thành phố London.

Ông Cameron muốn bất kỳ quốc gia bên ngoài Eurozone nào cũng có thể ngăn chặn những quy định mới áp dụng cho khu vực này, bằng cách buộc các nhà lãnh đạo EU phải bàn thảo sâu hơn về các đề xuất.

Và trong một chiến thắng bất ngờ cho ông Cameron, các nhà lãnh đạo EU đã chấp thuận cho phép một quốc gia bên ngoài Eurozone được phép buộc các nhà lãnh đạo EU phải thảo luận về “vấn đề” luật của eurozone. Trên thực tế, điều này có nghĩa Anh cũng như bất kỳ quốc gia nào khác không có quyền phủ quyết một đạo luật của khu vực Eurozone. Thay vào đó, chiến thuận này chỉ có thể trì hoãn việc thực thi.

Chủ tịch EU Donald Tusk khẳng định thỏa thuận vừa đạt được “củng cố vị thế đặc biệt của Anh tại EU”, và “có giá trị ràng buộc pháp lý và không thể đảo ngược”.

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì gọi thỏa thuận là một “sự nhượng bộ công bằng”. “Tôi không nghĩ rằng chúng tôi đã nhượng bộ nước Anh quá nhiều”, bà Merkel nói.

Tổng thống Pháp Francois Hollande thì khẳng định thỏa thuận với Anh bao gồm quy định “không có ngoại lệ” đối với luật của EU.

Theo AFP, kịch tính mới chỉ bắt đầu với ông Cameron bởi tiếp sau đây ông sẽ phải tranh luận với các thành viên có tư tưởng hoài nghi về châu Âu trong nội bộ đảng Bảo thủ, cùng những kêu gọi mạnh mẽ trên các tờ báo tại Anh về việc rời khỏi EU.

Kết quả khảo sát cho thấy công chúng Anh khá cân bằng trong việc liệu có ủng hộ nước Anh rời EU hay không.

Thanh Tùng

Theo Guardian, BBC, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm