EU cảnh báo Trung Quốc đang "gia tăng can thiệp vào khu vực"
(Dân trí) - Các nghị sĩ châu Âu đã cảnh báo về những nỗ lực ngày càng tăng của Bắc Kinh nhằm can thiệp vào nền chính trị trong khối, đồng thời đề nghị thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm giám sát việc này.
Tại phiên điều trần ở Brussels (Bỉ) hôm 9/11, một Ủy ban đặc biệt chống sự can thiệp từ bên ngoài và thông tin sai lệch tại Nghị viện châu Âu đã thúc giục EU hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn mối đe dọa hiện hữu đồng thời đề nghị thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm "giám sát sự can thiệp của Trung Quốc".
Theo SCMP, khuyến nghị trên được đưa ra sau khi ủy ban cử một phái đoàn đến Đài Bắc vào tuần trước để "nghiên cứu kinh nghiệm của Đài Loan trong việc giải quyết các chiến dịch can thiệp và thao túng".
Trong một dấu hiệu cho thấy mối lo ngày càng gia tăng về các hành động can thiệp của Bắc Kinh, bản dự thảo báo cáo dài 33 trang của ủy ban trên đề cập đến 40 vấn đề liên quan đến Trung Quốc, nhiều gấp đôi so với Nga - quốc gia lâu nay vẫn luôn "thống trị" các cuộc tranh luận về sự can thiệp của nước ngoài và thông tin sai lệch của EU.
Bản dự thảo trên dự kiến sẽ được đưa ra bỏ phiếu để thông qua vào đầu năm 2022. Tác giả chính của báo cáo, cựu Ngoại trưởng Latvia Sandra Kalniete, cho rằng EU đã không theo kịp các đối thủ trong cuộc chiến công nghệ tinh vi. Bà thậm chí so sánh nỗ lực ngăn chặn thông tin sai lệch và can thiệp của EU như việc "dùng xe đua để đấu với tàu tên lửa".
Vì vậy, bà Kalniete kêu gọi EU cần có chính sách trừng phạt cụ thể liên quan đến "các chiến dịch can thiệp và sai lệch thông tin từ nước ngoài do các tổ chức nhà nước ở nước ngoài dàn dựng".
Trong đó, các Viện Khổng Tử tại các trường đại học châu Âu bị đặc biệt chú ý. Các nghị sĩ cho rằng, các cơ sở này là nơi để Bắc Kinh "kiểm soát chặt chẽ tất cả các chủ đề liên quan đến Trung Quốc trong lĩnh vực nghiên cứu và giảng dạy", cũng như cho phép nước này "đánh cắp kiến thức khoa học". Nhiều Viện Khổng Tử hiện đã bị cáo buộc là bị Trung Quốc sử dụng "như một công cụ can thiệp các vấn đề của EU".
Một phát ngôn viên của phái bộ Trung Quốc tại EU nói với SCMP rằng, Bắc Kinh "kiên quyết phản đối bất kỳ hình thức can thiệp nào vào công việc nội bộ của các nước khác".
"Tuy nhiên, có một số quốc gia vẫn luôn mong muốn xuất khẩu các giá trị của mình và cố tác động và làm thay đổi hệ thống chính trị và xã hội của các quốc gia khác", phát ngôn viên trên nói thêm.