1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Estonia, Latvia rời nhóm thương mại 16 +1 do Trung Quốc thành lập

Thanh Thành

(Dân trí) - Estonia và Latvia ngày 11/8 thông báo rời khỏi nhóm thương mại 16+1 bao gồm Trung Quốc và các nước Trung - Đông Âu, sau khi Lithuania rời đi vào năm ngoái.

Estonia, Latvia rời nhóm thương mại 16 +1 do Trung Quốc thành lập - 1

Tổng thống các nước Estonia, Latvia, Lithuania và Ba Lan bày tỏ ủng hộ người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky (giữa) hồi tháng 4 (Ảnh: AFP).

Các tuyên bố gần giống nhau xuất hiện trên trang web của Bộ Ngoại giao Estonia và Latvia nói rằng, hai nước sẽ "tiếp tục vun vén cho các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế với Trung Quốc cả song phương, cũng như thông qua hợp tác EU - Trung Quốc dựa trên lợi ích chung, tôn trọng luật pháp quốc tế, nhân quyền và trật tự dựa trên luật lệ quốc tế ".

Mặc dù vậy, "Latvia đã quyết định ngừng tham gia vào khuôn khổ hợp tác của các nước Trung, Đông Âu và Trung Quốc", theo tuyên bố trên trang web của Bộ ngoại giao Latvia.

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Estonia lưu ý, mặc dù nước này gia nhập nhóm 16+1 kể từ khi diễn đàn hợp tác này được thành lập vào năm 2012, "Estonia đã không tham dự bất kỳ cuộc họp nào sau hội nghị thượng đỉnh vào tháng 2/2021".

Diễn đàn 16+1 là diễn đàn hợp tác giữa Trung Quốc với Trung, Đông Âu được Bắc Kinh khởi xướng vào năm 2012. Diễn đàn này sau đó trở thành 17+1 khi Hy Lạp tham gia vào năm 2019. Đây được xem là cơ chế để tăng cường thương mại và đầu tư giữa Trung Quốc với khu vực.

Tuy nhiên, diễn đàn gần đây đã mất đà với việc Lithuania rời nhóm vào năm ngoái, với lý do kết quả kinh tế không mấy khả quan. Quyết định Lithuania lúc đó đã làm bùng lên dự đoán rằng các nước láng giềng Baltic có thể làm theo.

Quan hệ giữa các nước trên với Bắc Kinh đã dấy lên nhiều hoài nghi, sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tuyên bố quan hệ hữu nghị "không có giới hạn" với Tổng thống Nga Vladimir Putin vào tháng 2.

"Cuộc xung đột Ukraine và căng thẳng gần đây ở eo biển Đài Loan sau chuyến thăm của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đến hòn đảo này đã khiến nhiều quốc gia như Latvia và Estonia "thiết lập mình vào các chiến lược cụ thể, giống như ở Chiến tranh Lạnh", Sarah Kreps, một giáo sư về chính phủ và luật tại Đại học Cornell (Mỹ), nói.

Trong nỗ lực cải thiện các mối quan hệ đã xấu đi sau khi xung đột Ukraine bùng nổ, Trung Quốc đã cử đặc phái viên khu vực đến thăm 8 quốc gia Trung, Đông Âu hồi tháng 4, chuyến thăm mà truyền thông nước này nói là nhằm xóa đi "những hiểu lầm" về lập trường của Bắc Kinh đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.

Tháng trước, Bắc Kinh cũng đã tổ chức một cuộc đối thoại với 11 quốc gia trong khu vực.

Căng thẳng Lithuania - Trung Quốc

Việc Trung Quốc phản ứng mạnh mẽ sau khi Lithuania đặt văn phòng Đài Loan có tên gây tranh cãi đã trở thành một mối lo ngại lớn đối với các nước 16+1.

Năm ngoái, Lithuania đã cho phép Đài Loan thành lập "Văn phòng Đại diện Đài Loan" cho các mục đích ngoại giao và thương mại tại thủ đô Vilnius.

Động thái này khiến Bắc Kinh nổi giận, đáp trả bằng cách kích hoạt cấm vận thương mại đối với Lithuania. Kết quả là EU đã khởi kiện Trung Quốc tại Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Vào tháng tới, Vilnius sẽ thành lập văn phòng thương mại đầu tiên tại Đài Bắc. Các quan chức Lithuania vẫn kín tiếng về tên gọi của văn phòng này, trong bối cảnh có những đồn đoán rằng, đây có thể là một thách thức mới trong quan hệ EU - Trung Quốc.

Phái đoàn Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) chưa có bình luận gì về vấn đề trên.

Trong khi đó, một số chuyên gia cho rằng, Bắc Kinh không nên lo lắng.

Ông Andrew Mertha, Giám đốc nghiên cứu về Trung Quốc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Cao cấp Johns Hopkins, nói rằng các quyết định của Latvia và Estonia cho thấy họ vẫn sẵn sàng mở cửa với Bắc Kinh ngay cả khi tuyên bố rằng họ chọn đứng phía nào về mặt địa chính trị.

Theo ông Mertha, thông qua việc tuyên bố tìm kiếm "các mối quan hệ mang tính xây dựng và thực tế" với Bắc Kinh, hai nước Baltic đang báo hiệu rằng họ hiểu rõ sự khác biệt giữa Bắc Kinh và Moscow liên quan đến "phạm vi ảnh hưởng" tương ứng mà qua đó, các nước Baltic này có thể "tận dụng và khai thác triệt để".

"Chúng ta không nên ngạc nhiên, nhưng Bắc Kinh cũng không nhất thiết phải quá lo lắng", ông Mertha nhấn mạnh.

Theo SCMP