Emmanuel Macron - "làn gió mới" trên chính trường Pháp
(Dân trí) - Ông Emmanuel Macron chỉ mất 3 năm để thăng tiến từ vị trí cố vấn chính phủ ít người biết đến tới chủ nhân tương lai của Điện Elysee. Ở tuổi 39, ông sẽ là tổng thống trẻ nhất trong lịch sử Pháp kể từ thời Napoleon.
Các kết quả kiểm phiếu sơ bộ cho thấy ông Emmanuel Macron, lãnh đạo đảng Tiến lên, đã đánh bại đối thủ Marine Le Pen của đảng Mặt trận dân tộc trong vòng 2 của cuộc bầu cử tổng thống Pháp ngày 7/5 với tỷ lệ phiếu bầu tỷ lệ 65,5%/34,5%.
Chiến thắng của ông Macron cho thấy một sự thay đổi thế hệ được mong đợi từ lâu trong nền chính trị Pháp, nơi những gương mặt cũ đã thống trị trong nhiều năm qua.
Ông Macron sẽ trở thành nhà lãnh đạo trẻ nhất trong số các nguyên thủ G7 hiện nay và đã gây ra những so sánh với các nhà lãnh đạo trẻ cả hiện tại lẫn trong quá khứ, từ Thủ tướng Canada Justin Trudeau và cựu Thủ tướng Anh Tony Blair và thậm chí cố Tổng thống John F. Kennedy tại Mỹ.
Học hành bài bản
Ông Macron sinh tại thành phố Amiens ở miền bắc nước Pháp, có cha mẹ đều là bác sĩ. Trong cuốn sách tranh cử có tựa đề "Revolution", ông đã miêu tả về một tuổi thơ êm đềm với niềm đam mê đọc sách.
Ông Macron chủ yếu học tại trường Jésuites de la Providence ở Amiens trước khi cha mẹ chuyển ông tới ngôi trường danh tiếng Lycée Henri-IV tại thủ đô Paris để thúc năm cuối trung học. Lý do chuyển trường là Macron đã nảy sinh tìm cảm với cô giáo Brigitte Auzière, người đã kết hôn và có 3 con vào thời điểm đó, và cha mẹ ông lo lắng về điều này.
Ông Maron sau đó tốt nghiệp tại 2 ngôi trường đại học danh tiếng nước Pháp là Sciences-Po and the Ecole Nationale d'Administration (ENA) tại Paris. Thời đi học, Macron cũng làm trợ lý nghiên cứu cho nhà triết học Paul Ricoeur.
“Ông ấy luôn làm nhiều thứ cùng lúc”, bạn học Marc Ferracci tại trường Sciences-Po nhớ lại.
Sau khi tốt nghiệp đại học với xếp hạng cao, Macron làm việc tại Bộ Kinh tế Pháp từ năm 2004-2008 trước khi đầu quân cho ngân hàng đầu tư Rothschild. Ông Macron từng đóng vai trò thương thuyết trong các thương vụ sáp nhập lớn liên quan tới tờ Le Monde, tập đoàn Nestle hay tập đoàn Plitfer.
Sau Rothschild, vào năm 2012, ông Macron tham chính phủ của Tổng thống Francois Hollande. Từ năm 2012-2014, ông Macron là phó tổng thư ký của Điện Elysee, một vị trí cấp cao trong đội ngũ trợ lý của Tổng thống. Ông Macron được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Pháp vào tháng 8/2014.
Ông Macron đã ấp ủ các tham vọng chính trị của riêng mình sau khi có những mâu thuẫn về chính sách kinh tế với Tổng thống Hollande. Ông Macron từng là thành viên đảng Xã hội nhưng đã rời khỏi đảng này để thành lập phong trào Tiến lên vào tháng 4/2016. Ông Macron từ chức Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính vào tháng 8 năm ngoái để chuẩn bị cho cuộc tranh cử tổng thống.
Thông điệp lạc quan
Ở giai đoạn đầu của chiến dịch tranh cử, ông Macron không được xem là ứng viên triển vọng nhất cho ghế tổng thống Pháp. Nhưng khi đảng Xã hội cầm quyền vướng xáo trộn và ứng viên sáng giá của đảng Cộng hòa - cựu Thủ tướng Francois Fillon - vướng phải vụ bê bối tài chính, ông Macron đã nổi lên là nhân vật nhiều triển vọng.
Ông Macron, người ngủ rất ít và thường xuyên có mặt trên mạng vào lúc 2 giờ sáng, cho hay tham vọng chính trị của ông là hàn gắn những chia rẽ tả - hữu vốn thống trị nền chính trị Pháp nhiều năm qua.
Ông Macron đã khiến các đối thủ và các chuyên gia bất ngờ khi gây dựng được sự ủng mạnh mẽ từ người dân và giành được sự ủng hộ từ các chính trị gia trung tả và trung hữu.
Trong cương lĩnh tranh cử, ông Macron đã đưa ra các kế hoạch nhằm vực dậy nền kinh tế trì trệ của Pháp và giảm tỷ lệ thất nghiệp. Ông cũng ủng hộ tự do thương mại, chủ trương đưa nước này hội nhập hơn nữa vào Liên minh châu Âu, mở cửa cho người nhập cư. Trong bối cảnh thế giới lo ngại về chủ nghĩa bảo hộ thương mại sau khi tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống Mỹ và những xáo trộn tại châu Âu hậu Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu), các kế hoạch tích cực mà ông Macron đưa ra đã nhận được sự ủng hộ của cử tri Pháp.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Macron đã tránh các nỗ lực nhằm xem ông một Francois Hollande thứ 2, và tạo những dấu ấn riêng, gây ấn tượng đối với những người đang khát khao điều gì mới mẻ.
“Có một tâm lý rất bi quan tại Pháp và ông ấy mang đến một thông điệp tích cực, rất lạc quan”, chuyên gia Marc-Olivier Padis, từ tổ chức nghiên cứu Terra Nova tại Paris, nói.
“Ông ấy trẻ trung, tràn đầy năng lượng, và ông ấy không nói nhiều về những điều sẽ làm cho nước Pháp nhưng chú trọng về việc làm thế nào để mọi người có được cơ hội. Ông ấy là người duy nhất mang tới thông điệp như vậy”, chuyên gia Padis nói thêm.
An Bình
Tổng hợp