1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

ECOWAS họp khẩn cấp về tình hình Mali

(Dân trí) - Cộng đồng kinh tế các quốc gia Tây Phi (ECOWAS) mở cuộc họp khẩn trong ngày hôm nay để tìm lối thoát cho cuộc binh biến đang diễn biến rất nhanh ở Mali trong 10 ngày qua và đang có nguy cơ lan ra toàn vùng Sahel.

ECOWAS họp khẩn cấp về tình hình Mali
Binh sĩ đứng gác tại trụ sở chính ở Kati, bên ngoài thủ đô Bamako của Mali.

Chủ tịch ECOWAS, Tổng thống Côte d’Ivoire Alassane Ouattara, cho biết hội nghị được tổ chức tại thủ đô Dakar của Senegan với sự tham gia của lãnh đạo các nước thành viên cùng đại diện các tổ chức khu vực và quốc tế.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh nhóm phiến quân nổi dậy Tuareg ở miền Bắc tiếp tục đẩy mạnh các cuộc giao tranh với quân đội Mali, lực lượng đang nắm quyền điều hành đất nước sau khi lật đổ chính phủ của Tổng thống dân cử Amadou Toure hôm 22/3.

Theo thông tin mới nhất, nhóm phiến quân Tuareg đã chiếm nốt quyền kiểm soát Timbuktu, thành phố lớn cuối cùng ở miền Bắc, sau khi đã chiếm được hai thành phố quan trọng khác là Kidal và Gao. Đây là các vụ tấn công mới nhất của phiến quân Tuareg trong nỗ lực đẩy nhanh mục tiêu thành lập quốc gia độc lập ở Bắc Mali.

Phong trào Giải phóng quốc gia Azawad (MNLA) - lực lượng lãnh đạo các tay súng Tuareg - cho biết sẽ thành lập thể chế và hiến pháp riêng ở những thành phố chiếm giữ được từ quân đội và chính quyền Mali.

Từ hơn chục năm qua, dưới sự hỗ trợ của mạng lưới khủng bố al-Qaeda nhánh Bắc Phi, phong trào MNLA thường xuyên tiến hành các hoạt động chống phá chính quyền trung ương hòng đòi thành lập nhà nước riêng.

Các hoạt động này càng được đẩy mạnh trong thời gian gần đây khi xuất hiện rạn nứt nghiêm trọng giữa quân đội và chính phủ, mà đỉnh điểm là vụ quân đội đảo chính lật đổ chính quyền dân sự của Tổng thống Toure vì cho rằng ông không đủ năng lực điều hành đất nước cũng như cố tình dung túng cho những người Tuareg.

Trước tình hình bất ổn xấu đi nhanh chóng ở Mali và có nguy cơ lan ra toàn vùng Sahel, cộng đồng quốc tế đã lên tiếng phản đối đảo chính, đồng thời yêu cầu các bên lập lại trật tự.

Trong tuyên bố ngày 1/4, lãnh đạo cuộc đảo chính, Đại úy Amadou Sanogo, cho biết sẽ khôi phục hiến pháp năm 1992, tái lập các thể chế  nhà nước và chuyển giao quyền lực cho chính quyền dân cử. Đại úy Sanogo cũng cam kết sẽ tham vấn các lực lượng chính trị trong nước về việc tổ chức một cuộc bầu cử hoà bình, tự do và dân chủ, nhưng không có sự tham gia của quân đội. Tuy nhiên, thời điểm bầu cử chưa được ấn định.

Lo ngại nguy cơ xung đột lan ra toàn vùng Sahel

Mali từng được coi là một trong những nước ổn định nhất ở Tây Phi, nhưng nay lại là nước đầu tiên chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng ở Libya. Vì vậy, nhiều nhà phân tích lo ngại cuộc nổi dậy của người Touareg ở Mali có thể sẽ lan sang những người Touareg ở Niger và mở rộng ra toàn bộ khu vực Sahel rộng lớn.

“Khu vực Sahel vốn là điểm yếu của châu Phi từ nhiều năm nay. Khu vực này đã bị biến thành thành trì và hậu cứ của al-Qaeda tại Bắc Phi, đồng thời cũng là cứ địa của các nhóm buôn lậu và tổ chức tội phạm lớn. Cuộc đảo chính quân sự và nổi dậy của người Touareg ở Mali chắc chắn sẽ tác động tiêu cực đến tình hình an ninh ở Sahel cũng như mối quan hệ giữa Mali với các nước trong khu vực”, nhà phân tích Fouad Harit của tạp chí "Afrik" khẳng định.

Nhiều nhà quan sát khác trong khu vực cũng cho rằng vùng Sahel rất có thể sẽ trở thành "Afganistan của châu Phi", vì xu hướng chiến lược chủ đạo trong vùng đã bị thay đổi sau sự ra đi của Tổng thống Toure.

“Nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn vùng Sahel là có thực, đặc biệt ở Niger. Người Touareg ở Niger sống ở vùng giáp giới với Libya. Do vậy, miền Bắc Niger rất có thể sẽ trở thành hậu cứ của MNLA, từ đó khơi dậy các mối quan hệ liên minh giữa người Touareg với lực lượng trung thành với cố Tổng thống Libya Moammer Gaddafi”, nhà phân tích Assanatou Balde nhận định.

Xét về mặt địa chiến lược, Sahel là không gian chung của các nước trong khu vực. Vì vậy, những gì diễn ra ở Mali có thể sẽ là bước khởi đầu cho một làn sóng nghiêm trọng hơn lan tỏa ở khu vực trong tương lai. Nói theo lời của nhà phân tích Philippe Perdrix, cuộc nội chiến ở Mali sẽ châm ngòi cho một cuộc xung đột trong toàn vùng và gây ra thảm họa lương thực trầm trọng tại đây.

Vũ Anh
Theo Reuters, AFP

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm