1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đục nước béo cò

Việc Trung Đông chìm trong khói lửa của đủ loại xung đột cũng cơ hội làm ăn cho các nhà sản xuất vũ khí Mỹ, nhất là giữa lúc Lầu Năm Góc vẫn phải thắt lưng buộc bụng.

Sau khi chi hơn 80 tỉ USD mua vũ khí trong năm 2014, Ả Rập Saudi vừa đặt mua tổ hợp tên lửa phòng không Patriot của hãng Raytheon (Mỹ). Số tiền mà Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) đổ vào vũ khí năm ngoái là 23 tỉ USD, cao hơn 3 lần so với năm 2006. Cũng năm qua, Qatar ký với Lầu Năm Góc thỏa thuận 11 tỉ USD mua trực thăng tấn công Apache, tổ hợp Patriot và hệ thống phòng thủ tên lửa Javelin.

Nhiều người lo ngại đây chỉ là khởi đầu cho một cuộc đua vũ trang mới nguy hiểm tại khu vực mà bản đồ các liên minh đã được vẽ lại trong lúc cán cân quyền lực liên tục thay đổi. Giới phân tích dự báo hỗn loạn kéo dài cộng với quyết tâm tranh ngôi bá chủ khu vực với Iran (theo dòng Shiite) của các nước Sunni giàu có sẽ càng bồi đắp số lượng đơn đặt hàng vũ khí tối tân của Mỹ thời gian tới.

 

Ả Rập Saudi sử dụng chiến đấu cơ F-15 mua của hãng Boeing để không kích Yemen. (Ảnh:

Ả Rập Saudi sử dụng chiến đấu cơ F-15 mua của hãng Boeing để không kích Yemen. (Ảnh: AIRFORCESREVIEW.COM)

Giới chức quốc phòng Mỹ gần đây tiết lộ các đồng minh Ả Rập đang tham gia cuộc chiến chống nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sẽ sớm mua tên lửa, bom và những vũ khí khác của Mỹ để lấp đầy kho vũ khí hao hụt. Trong số này, UAE sắp hoàn tất thỏa thuận mua một đội máy bay không người lái Predator của hãng General Atomics để do thám các khu vực lân cận. Qatar có thể mua thêm một lượng lớn máy bay chiến đấu F-15 của tập đoàn Boeing.

Đã vậy, Mỹ còn đổ dầu vào lửa khi thay đổi cái nhìn đối với chuyện xuất khẩu vũ khí đến Trung Đông. Washington lâu nay vẫn hạn chế bán một số loại “đồ chơi” cho các đối tác Ả Rập để giúp đồng minh thân cận Israel duy trì lợi thế quân sự trước “một số kẻ thù truyền thống”.

Nhưng hiện nay, Israel và các nước Ả Rập trên thực tế đang cùng chiến tuyến đối đầu với Iran. Do đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama không còn quá cứng nhắc. “Sự tính toán chiến lược của Israel không có gì quá khó hiểu. Các nước vùng Vịnh không còn là mối đe dọa lớn với Israel, thay vào đó đã trở thành đối trọng nặng ký của Iran” - ông Anthony H.Cordesman, chuyên gia của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (Mỹ), nói với báo The New York Times.

Cụ thể, Mỹ nhiều khả năng chào bán chiến đấu cơ tàng hình F-35, được coi là “viên ngọc quý” trong kho vũ khí tương lai của mình, cho các đồng minh Ả Rập sau khi Nga dỡ bỏ lệnh cấm chuyển giao hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 cho Iran. “Cuộc nội chiến giữa hai dòng Hồi giáo Sunni và Shiite cộng với việc Nga bán S-300 cho Iran có thể mở đường cho F-35 đến tay các nước vùng Vịnh” - ông Richard L.Aboulafia, nhà phân tích quốc phòng của tổ chức Teal Group (Mỹ), dự báo.

Một số chuyên gia chỉ ra rằng việc trao cho các nước vùng Vịnh khả năng không kích Iran thoải mái là cái đích cuối cùng mà Mỹ nhắm tới. Dù vậy, đã xuất hiện chất vấn về cách sử dụng vũ khí Mỹ tại Trung Đông. “Trong số vũ khí đang được Ả Rập Saudi sử dụng (để tấn công phiến quân Houthi) ở Yemen, không ít vũ khí gây ra chết chóc cho dân thường” - ông Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ khí tại Washington (Mỹ), khẳng định.
Theo Hoàng Phương
Người Lao động