Đức lên dây cót cho chiến tranh, Nga dọa "phá hủy hoàn toàn" quan hệ
(Dân trí) - Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo việc cung cấp tên lửa của Đức cho Ukraine sẽ "phá hủy" hoàn toàn mối quan hệ của Berlin với Moscow.
"Khi những xe tăng đầu tiên do Đức sản xuất xuất hiện trên đất Ukraine, nó đã tạo ra một cú sốc về đạo đức ở Nga. Bởi vì lập trường đối với Cộng hòa Liên bang (Đức) trong xã hội Nga luôn rất tốt. Bây giờ, khi họ nói rằng một số loại tên lửa sẽ sớm xuất hiện và sẽ tấn công các mục tiêu trên lãnh thổ Nga, điều này tất nhiên sẽ phá hủy hoàn toàn mối quan hệ Nga - Đức", Tổng thống Putin nói trong bài phát biểu trước các hãng thông tấn bên lề Diễn đàn Kinh tế Quốc tế Saint Petersburg (SPIEF) lần thứ 27 hôm 5/6.
Nhà lãnh đạo Nga nói thêm rằng không ai trong giới lãnh đạo Đức bảo vệ lợi ích của công dân nước mình.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius tuyên bố Đức phải chuẩn bị cho chiến tranh vì mối đe dọa ngày càng tăng từ Nga.
"Chúng ta phải sẵn sàng cho chiến tranh vào năm 2029… Chúng ta không được tin rằng ông Putin sẽ dừng lại ở biên giới Ukraine khi ông ấy tiến xa đến vậy", ông Pistorius phát biểu tại quốc hội Đức.
Bình luận của Bộ trưởng Quốc phòng Đức được đưa ra trong bối cảnh các nước châu Âu, đặc biệt là các nước ở Đông Âu, ngày càng lo ngại về khả năng Nga mở rộng chiến dịch quân sự vượt ra ngoài Ukraine.
Trong những ngày gần đây, Tổng thanh tra quân đội Đức Carsten Breuer cho biết sẽ mất từ 5 đến 8 năm để Nga tái thiết lực lượng vũ trang sau cuộc chiến khốc liệt ở Ukraine. Điều này đồng nghĩa với việc, đến năm 2029, NATO phải chuẩn bị cho một cuộc chiến có thể xảy ra với Nga.
"Trong trường hợp khẩn cấp, chúng tôi cần những nam nữ thanh niên tham gia phòng thủ có thể bảo vệ đất nước", ông Pistorius nhấn mạnh.
Trong chuyến thăm gần đây tới thành phố Pabradė của Lithuania, nơi binh lính Đức tiến hành cuộc tập trận quân sự Quadriga cùng với quân đội Lithuania, Hà Lan và Pháp. Bộ trưởng Quốc phòng Đức cho biết "thế giới hiện nay đã khác so với trước ngày 24/2/2022", khi Nga đã mở chiến dịch quân sự tại Ukraine.
"Đối với chúng tôi, với tư cách là quân đội Đức, điều đó có nghĩa là nhiệm vụ đã thay đổi; trọng tâm là phòng thủ quốc gia và liên minh", Bộ trưởng Đức nhấn mạnh.
Sau Mỹ, chính phủ Đức đã cho phép Ukraine có thể sử dụng vũ khí do Berlin cung cấp để tấn công Nga tại các vị trí ngay sát biên giới chung giữa hai nước.
Ông Steffen Hebestreit, phát ngôn viên của Thủ tướng Đức Olaf Scholz, hôm 31/5 tuyên bố "Ukraine có quyền tự vệ theo luật quốc tế để đáp trả lại cuộc tấn công xuất phát từ bên trong lãnh thổ Nga".
Ông Hebestreit cho biết, Moscow những tuần gần đây đã gia tăng các cuộc tập kích Ukraine từ trong lãnh thổ Nga, đặc biệt là nhắm vào khu vực quanh Kharkov. Ông nhấn mạnh, Berlin cùng các đồng minh phương Tây đều ủng hộ Ukraine phòng vệ trước các đòn tấn công từ Nga.
Bộ Quốc phòng Đức hồi tháng 4 thông báo nước này sẽ ngay lập tức bàn giao thêm hệ thống phòng không Patriot cho Ukraine để đẩy lùi các cuộc không kích của Nga.