Đức không biết thủ phạm đầu độc cựu điệp viên Nga
(Dân trí) - Một đại diện của chính phủ Đức cho biết Anh cho đến nay vẫn chưa chứng minh được Nga đứng sau vụ cựu điệp viên nghi bị đầu độc và London đang chịu sức ép ngày càng tăng từ vấn đề này.
Trong cuộc phỏng vấn với kênh ARD của Đức, Điều phối viên về quan hệ với Nga của chính phủ Đức Gernot Erler cho biết London cần đưa ra bằng chứng cho thấy Nga đứng sau vụ cựu điệp viên Sergei Skripal và con gái nghi bị đầu độc tại Anh hồi tháng trước, đặc biệt sau khi phòng thí nghiệm quân sự Porton Down của Anh ngày 3/4 kết luận rằng họ không thể xác minh chất độc thần kinh nghi được sử dụng để tấn công cha con ông Skripal bắt nguồn từ Nga.
“Thông tin (từ phòng thí nghiệm Porton Down) trái ngược với những gì mà chúng tôi từng được nghe từ các chính trị gia Anh và chắc chắn sẽ gia tăng sức ép lên Anh, buộc họ phải cung cấp thêm các bằng chứng đáng tin cậy cho thấy Moscow đứng sau vụ việc này”, ông Erler nói.
Theo ông Erler, những tuyên bố mâu thuẫn từ Anh đã làm dấy lên nghi ngờ về độ tin cậy của những phát ngôn do Thủ tướng Anh Theresa May và chính phủ của bà đưa ra. Chính phủ Anh từng dẫn các báo cáo tình báo mật nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh tiến hành vụ tấn công nhằm vào cựu điệp viên hai mang và con gái ông này hôm 4/3 tại thành phố Salisbury, Anh.
“Những báo cáo này vẫn chưa được công bố và hiện (Anh) chịu sức ép về việc phải công khai thêm các thông tin, nếu không toàn bộ câu chuyện sẽ không còn minh bạch”, chính trị gia Đức nhấn mạnh.
Khi được hỏi ai phải chịu trách nhiệm về nghi vấn đầu độc cha con cựu điệp viên Nga, ông Erler chỉ nói: “Chúng tôi không biết”. Ông kêu gọi các nước phương Tây và Nga ngừng leo thang căng thẳng trong lúc chờ kết luận của cuộc điều tra do Tổ chức Cấm Vũ khí hóa học (OPCW) tiến hành, dự kiến được công bố vào tuần tới. Quan chức Đức cũng khẳng định cần duy trì các kênh đối thoại mở với Nga cho tới khi mọi vấn đề trở nên rõ ràng hơn.
Ông Erler là quan chức thứ hai của Đức trong tuần này công khai “phản pháo” chính phủ Anh trong việc giải quyết vụ cựu điệp viên Nga. Trước đó, ông Armin Laschet, thủ hiến bang North Rhine-Westphalia và là phó chủ tịch đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Angela Merkel, cũng bày tỏ quan điểm về vụ việc này.
“Nếu quý vị (Anh) ép gần như tất cả các nước thành viên NATO thể hiện sự đoàn kết, vậy tại sao quý vị không đưa ra những chứng cứ thuyết phục? Quý vị có thể nghĩ gì về Nga cũng được, nhưng tôi biết có một cách khác để giải quyết vấn đề với các quốc gia khác dựa trên việc nghiên cứu luật pháp quốc tế”, ông Laschet cho biết.
Theo RT, trong một nỗ lực nhằm thể hiện sự đoàn kết với Anh, Đức hồi tháng trước thông báo trục xuất 4 nhà ngoại giao Nga để đáp trả cáo buộc Moscow có liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên. Ngoài Đức, hơn 20 quốc gia thuộc EU, NATO và một số nước khác cũng đồng loạt trục xuất tập thể hơn 150 nhà ngoại giao Nga. Trong khi đó, Nga cho đến nay vẫn bác bỏ mọi cáo buộc và nhiều lần yêu cầu Anh tiến hành cuộc điều tra chung về vụ việc, song London vẫn phớt lờ đề nghị của Moscow.
Áo “ngược dòng”
Khác với một số quốc gia châu Âu, Áo ngay từ đầu đã thể hiện lập trường trung lập trong vụ cựu điệp viên Nga. Trong cuộc phỏng vấn hôm 4/4 với kênh Plus 4, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz khẳng định Vienna sẽ không đi theo trào lưu trục xuất các nhà ngoại giao Nga vì nước này vẫn muốn đóng vai trò là “cây cầu kết nối” giữa các nước. Theo ông Kurz, Áo nằm trong nhóm 1/3 quốc gia EU không có các động thái trả đũa Nga sau vụ cựu điệp viên.
“Chúng tôi hiện có mối quan hệ tốt đẹp với Nga. Chúng tôi là quốc gia trung lập và là nơi đặt trụ sở của nhiều tổ chức quốc tế như Liên Hợp Quốc (UN) hay Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE). Hàng trăm nhà ngoại giao vẫn đến đây (Áo) để hội đàm trên nền tảng trung lập. Đó là lý do chúng tôi có thể phát triển vai trò như một cây cầu kết nối các quốc gia”, Thủ tướng Kurz cho biết.
Mặc dù Áo cũng triệu tập Đại sứ của nước này tại Moscow để “tham vấn”, song không có bất kỳ biện pháp nào trả đũa Nga ở cấp độ nhà nước.
“Chúng tôi đáng lẽ có thể đưa ra một quyết định khác, có rất nhiều quan điểm khác nhau, nhưng tôi nghĩ chúng tôi đã có một quyết định đúng đắn”, ông Kurz cho biết thêm.
Giới chức Áo từng nhiều lần khẳng định nước này sẽ không đi theo lập trường của Anh, đồng thời cho biết Áo sẵn sàng nhận vai trò trung gian kết nối Nga và các nước phương Tây. Mặc dù phải chịu sức ép từ Anh, nhưng Áo vẫn giữ quan điểm của mình. Tuần trước, Ngoại trưởng Áo Karin Kneissl xác nhận Đại sứ Anh tại Áo từng nhiều lần bày tỏ “sự bất mãn” với lập trường của Áo và tìm cách buộc Vienna phải “có những biện pháp cụ thể” đối với Nga.
Trước đó, Thụy Sĩ ngày 27/3 cho biết nước này sẽ đợi cho tới khi có kết quả chính thức về cuộc điều tra để đưa ra quyết định cuối cùng. Trong khi đó, Cyprus cũng từ chối trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao nào của Nga khi chưa có bằng chứng cụ thể còn Slovakia cũng chưa vội vàng ngả theo số đông trong vụ việc này.
Thành Đạt
Theo RT