Đức có thể phải đóng cửa hàng loạt bệnh viện vì khủng hoảng năng lượng
(Dân trí) - Giới chức Đức bày tỏ lo ngại về nguy cơ hàng loạt bệnh viện ở nước này có thể bị phá sản, phải đóng cửa trước tình hình chi phí năng lượng và lạm phát tăng cao.
Chia sẻ với đài truyền hình ARD hôm 16/10, Bộ trưởng Y tế Đức Karl Lauterbach xác nhận thực tế là một số lượng đáng kể các bệnh viện ở Đức có thể phải đóng cửa trong thời gian tới nếu chính phủ không phản ứng quyết liệt.
"Các bệnh viện đang ở trong một tình huống rất khác thường. Nếu chúng ta không phản ứng nhanh chóng và quyết liệt, họ có thể phải đóng cửa", Bộ trưởng Karl Lauterbach nói.
Bộ trưởng Lauterbach cho biết sẽ thảo luận về số tiền và hình thức hỗ trợ cho các bệnh viện với Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner vào ngày 18/10.
Tuy nhiên, chính phủ Đức không có kế hoạch lập ra một loại quỹ đặc biệt cho các bệnh viện, tương tự nguồn quỹ của quân đội.
Tuần trước, Liên đoàn Bệnh viện Đức dự tính cần hỗ trợ khoảng 15 tỷ euro trong năm 2022-2023 nhằm tránh kịch bản bị phá sản, song Bộ trưởng Lauterbach đã bác bỏ thống kê đó với lý do không thể tính trước giá điện của năm sau.
Liên đoàn này cho biết chi phí năng lượng phụ trội chiếm khoảng 1/3 tổng số tiền hỗ trợ, trong khi phần còn lại là chi phí vật liệu gia tăng do lạm phát tăng vọt.
Các nước phương Tây đã gia tăng áp lực trừng phạt đối với Nga kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào ngày 24/2.
Gián đoạn chuỗi cung ứng đã dẫn đến tình trạng giá nhiên liệu và thực phẩm trên khắp Liên minh châu Âu và Mỹ tăng cao, khiến lạm phát leo thang lên mức kỷ lục và chi phí sinh hoạt cũng tăng chóng mặt.