1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đức cảnh báo phương Tây không nên xem thường sức mạnh quân sự Nga

Thành Đạt

(Dân trí) - Đức cảnh báo phương Tây không nên đánh giá thấp sức mạnh quân sự của Nga trong bối cảnh cuộc xung đột tại Ukraine đã bước sang tháng thứ 7.

Đức cảnh báo phương Tây không nên xem thường sức mạnh quân sự Nga - 1

Quân đội Nga duyệt binh ở Moscow (Ảnh: Sputnik).

"Phần lớn lực lượng trên bộ Nga có thể đang chiến đấu ở Ukraine vào lúc này, mặc dù vậy, chúng ta cũng không nên đánh giá thấp tiềm năng của lực lượng trên bộ Nga trong việc mở cuộc chiến thứ hai", Tham mưu trưởng quân đội Đức Eberhard Zorn nói với Reuters trong một cuộc phỏng vấn hôm 31/8.

Ông Zorn cho biết ngoài lục quân, Nga còn có lực lượng hải quân và không quân.

"Phần lớn hải quân Nga vẫn chưa được triển khai trong cuộc chiến tại Ukraine, và lực lượng không quân Nga vẫn có tiềm năng đáng kể, điều này cũng gây ra mối đe dọa cho NATO", tướng Đức cảnh báo, đồng thời nhấn mạnh rằng Nga có nguồn quân dự bị đáng kể.

Đề cập đến tình hình quân sự ở Ukraine, tướng Zorn cho biết đà tiến công của Nga đã chậm lại nhưng Moscow vẫn kiên trì tiến lên phía trước.

"Với sự hỗ trợ lớn của hỏa lực pháo binh, Nga đang thúc đẩy đà tiến công, bất kể thương vong của dân thường Ukraine", ông Zorn nói thêm.

Tướng Đức cho rằng Nga sẽ không sớm cạn kiệt đạn dược.

"Nga có số lượng rất lớn đạn dược để sử dụng. Một phần số đạn dược này đã cũ và không còn khả năng tấn công chính xác, nhưng vẫn gây sức tàn phá lớn đối với cơ sở hạ tầng dân sự. Họ (Nga) bắn khoảng 40.000 đến 60.000 đạn pháo mỗi ngày", ông Zorn nhận định.

Tướng Đức cho biết các lực lượng Nga đang tập trung vào việc kiểm soát Donbass, vùng công nghiệp ở miền đông Ukraine và là nơi lực lượng ly khai do Moscow hậu thuẫn đã kiểm soát nhiều vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có giải pháp quân sự nào được đưa ra.

Hồi tháng 7, người đứng đầu cơ quan thanh tra Lục quân Đức Alfons Mais cũng cảnh báo, quân đội Nga đang mạnh hơn và Nga có nguồn lực quân sự "gần như vô tận".

Bộ trưởng Quốc phòng Đức Christine Lambrecht thừa nhận, Berlin vẫn sẵn sàng ủng hộ Ukraine trong tương lai, nhưng về vấn đề vũ khí, Đức "không thể chuyển thêm được nhiều nữa" cho Kiev.

Đức đã chuyển vũ khí cho Ukraine kể từ khi chiến sự bùng phát nhưng số lượng và tốc độ vẫn kém khá nhiều so với Mỹ và Anh - các bên tích cực viện trợ cho Kiev nhất.

Đức thừa nhận họ không thể viện trợ cho Ukraine với tốc độ nhanh như Mỹ vì nguồn lực có giới hạn. Đức cũng tuyên bố đã chuyển toàn bộ vũ khí có trong kho và cả vũ khí mới cho Ukraine.

Theo thống kê, kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, Berlin đã cung cấp cho các lực lượng vũ trang Ukraine 3.000 bệ phóng tên lửa chống tăng vác vai Panzerfaust 3, nhiều pháo phòng không tự hành Gepard, 14.900 mìn chống tăng, 500 tên lửa Stinger do Mỹ sản xuất và 2.700 tên lửa phòng không vác vai Strela.

Ngoài ra, 100 súng máy MG3, 50 hỏa tiễn xuyên phá boong-ke, 21,8 triệu đạn dược cho vũ khí hạng nhẹ, 100.000 lựu đạn cầm tay cùng nhiều vật tư chiến tranh khác đã được Đức viện trợ cho Ukraine. 

Thủ tướng Olaf Scholz ngày 29/8 khẳng định Đức sẽ có trách nhiệm cung cấp các hệ thống vũ khí tối tân cho quân đội Ukraine.

Theo Reuters

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm