1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đưa vũ khí bí ẩn trấn giữ Syria khi Nga rút quân

Theo Military-informant ngày 14/3, ngay trước thời điểm Tổng thống Putin tuyên bố rút bớt lực lượng, Nga đã đưa hệ thống vũ khí bí ẩn đến Syria.

Con bài tẩy Iskander-M

Nguồn tin cho biết, vào đêm 14/3, hai máy bay vận tải quân sự đã âm thầm hạ cánh xuống căn cứ không quân Hmeymim ở Syria. Lập tức, thiết bị quân sự bao gồm các bộ phận tháo rời của tên lửa và các xe tải chuyên dụng loại MZKT được bốc dỡ từ 2 chiếc máy bay này.

Nga đã che chắn rất cẩn thận cho hai xe chiến đấu 6 bánh chủ động được phủ bạt kín cùng 3 xe tải chuyên dụng nhanh chóng rời khu vực sân bay. Hộ tống đoàn xe này là những chiếc xe bọc thép chiến đấu.

Theo phỏng đoán của Military-informant, nhiều khả năng đây chính là hệ thống tên lửa đạn đạo chiến thuật mới nhất của Nga là Iskander-M, bởi hệ thống tên lửa này thường được Nga bố trí trên xe tải MZKT-7930.

Tuy nhiên, Military-informant cũng nói thêm rằng, những vũ khí này cũng có thể là những thiết bị của tổ hợp tên lửa phòng thủ S-400 và của hệ thống phòng thủ tầm gần Pantsir-S1 hiện đang được Nga triển khai ở căn cứ không quân Hmeymim.

Nói về loại vũ khí bí mật này, phóng viên điều tra Mỹ Robert Parry của tạp chí National Interest cho biết, căn cứ từ nguồn tin thân cận với Tổng thống Nga Vladimir Putin hồi tháng 2/2016 cảnh cáo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật để bảo vệ lực lượng viễn chinh Nga trước cuộc tấn công của Thổ.

“Một nguồn tin thận cận với tổng thống Vladimir Putin đã nói với tôi rằng Nga đã cảnh báo Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan rằng Moscow sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân chiến thuật nếu cần thiết để giữ an toàn cho binh sĩ Nga trước một cuộc thảm sát của Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia. Kể từ khi Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên NATO, bất kỳ một cuộc xung đột nào như vậy đều có thể nhanh chóng leo thang thành một cuộc xung đột hạt nhân toàn diện”.

Tổ hợp tên lửa Iskander-M được nga ngụy trang rất cẩn thận.
Tổ hợp tên lửa Iskander-M được nga ngụy trang rất cẩn thận.

Trước thông tin này, Robert Parry khẳng định rằng vũ khí Nga chuyển đến Syria tối 14/3 không thể là S-400 hay Pantsir-S1 vì chúng là vũ khí phòng không. Và gần như chắc chắn rằng vũ khí bí mật này chính là những tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật Iskander-M.

Được biết, việc triển khai tên lửa bí mật đến Syria diễn ra ngay trước khi Tổng thống Nga Vladimir Putin thông báo rút bớt quân khỏi Syria vì đã hoàn thành các mục tiêu quan trọng tại đây, chỉ để lại một phần nhỏ lực lượng giám sát ngừng bắn và bảo vệ hai căn cứ của Nga ở Syria (cảng Tartus, căn cứ không quân Hmeymim) cả trên không, trên biển và trên đất liền.

Dù tuyên bố rút lực lượng nhưng Nga khẳng định những hệ thống tên lửa S-400 và Pantsir-S1 vẫn ở lại duy trì sự bảo vệ cho lực lượng Nga. Vì vậy, khi tăng cường Iskander-M đến Syria, Nga đang chứng tỏ thế áp đảo dù rút bớt quân.

Đòn chiến lược quen thuộc

Kể từ khi quan hệ Nga và phương Tây trở nên căng thẳng do những cáo buộc Moscow liên quan trực tiếp đến tình hình bất ổn tại Đông Ukraine và việc Nga sáp nhập bán đảo Crimea hồi đầu năm 2014, tên lửa Iskander-M luôn là con bài chiến lược để mặc cả của Moscow.

Theo trang Uatoday hồi cuối năm 2015, Nga đã triển khai tên lửa Iskander-M đến bán đảo Crimea. Việc vũ khí hạt nhân của Nga hiện diện tại Crimea không khiến phương Tây bất ngờ bởi ngay sau khi sáp nhập bán đảo này Moscow đã công khai kế hoạch triển khai loại vũ khí hạt nhân và quyền triển khai chúng.

Thông tin này được Vụ trưởng Vụ kiểm soát vũ khí thuộc Bộ Ngoại giao Nga Mikhail Ulyanovsk tuyên bố: "Rõ ràng, Nga có quyền triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ của mình, ở bất kỳ khu vực nào của Nga nếu Nga thấy điều đó là cần thiết. Về nguyên tắc chúng tôi có quyền đó, rõ ràng là như vậy”.

Cũng lý do này, phương Tây đã phát hiện Nga bắt đầu triển khai những tổ hợp Iskander-M đến tỉnh Kaliningrad - vùng lãnh thổ hải ngoại duy nhất của Nga từ năm 2013. Ngoài ra, hồi cuối năm 2015, Nga tuyên bố có kế hoạch tăng thêm số lượng vũ khí chiến thuật này đến Kaliningrad.

Phản ứng trước kế hoạch của Nga, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg thừa nhận, việc Moscow triển khai tổ hợp tên lửa Iskander-M có khả năng mang đầu đạn hạt nhân sát biên giới Ba Lan, sẽ làm “thay đổi căn bản cán cân an ninh ở châu Âu”.

Ông Stoltenberg còn cho rằng, những hành động này của Moscow “gây bất ổn và nguy hiểm”. Bên cạnh đó, Tổng thư ký NATO nhấn mạnh, rằng NATO không muốn gia tăng các cuộc đối đầu với Nga.

Iskander-M có thể tấn công mục tiêu với CEP chỉ 2 m và mang được cả đầu đạn thường và hạt nhân, tầm bắn lên tới gần 500km. Do vậy, Iskander-M được coi là vũ khí quan trọng nhất để Nga có thể mặc cả với Mỹ về hệ thống phòng thủ tên lửa ở Đông Âu.

Theo Tuấn Vũ

Đất Việt

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm