1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đưa đề xuất mới, Hy Lạp vượt "cửa tử" vào phút chót?

Chính phủ Hy Lạp đã đưa ra đề xuất mới ngay trước thềm các cuộc gặp quan trọng bàn về cuộc khủng nợ của Athens, mở ra khả năng đạt thỏa thuận vào phút chót.

Thời điểm quyết định

Đề xuất mới được đưa ra thảo luận trong ngày hôm nay (22/6) tại một loạt các cuộc thảo luận cấp cao ở Brussels (Bỉ), trong đó có cuộc gặp thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone). Cuối giờ sáng (giờ địa phương), Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras đã có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde, Chủ tịch Ngân hàng châu Âu (ECB) Mario Draghi và Chủ tịch nhóm các bộ trưởng tài chính eurozone (Eurogroup) Jeroen Dijsselbloem.
 
Đầu giờ chiều là cuộc gặp của các Bộ trưởng tài chính eurozone, bàn về đề xuất của Hy Lạp, nhằm đệ trình hướng xử lý lên các nhà lãnh đạo của khối. Buổi tối, 19 lãnh đạo thuộc eurozone sẽ có cuộc họp thượng đỉnh, nhằm tìm kiếm một thỏa thuận với Athens về chương trình cải cách, mở đường cho Hy Lạp nhận khoản cứu trợ tài chính trị giá 7,2 tỉ euro.
 
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (giữa) có cuộc gặp quan trọng với giới chức EU. (Ảnh:
Thủ tướng Hy Lạp Alexis Tsipras (giữa) có cuộc gặp quan trọng với giới chức EU. (Ảnh: Euobserver)

Trước đó, hôm 21/6, chính phủ Hy Lạp đã có phiên thảo luận kéo dài tới 11 giờ đồng hồ, nhằm tìm ra một đề xuất mới trước các chủ nợ, để tiến đến “một thỏa thuận mang lại lợi ích cho cả hai phía, tiến đến một giải pháp cuối cùng giúp giải quyết khủng hoảng”. Đề xuất này về cơ bản tập trung vào những vấn đề gai góc nhất vốn là nguyên nhân gây bế tắc trong các cuộc đàm phán kéo dài nhiều tháng qua.

Dư luận Hy Lạp cho thấy sự chia rẽ rõ rệt. Nhiều cuộc tuần hành lên đến hàng nghìn người đã diễn ra ở Athens, người biểu tình giơ cao biểu ngữ “không thể tống tiền một dân tộc”, “đất nước này không phải để bán”… nhằmphản đối yêu sách “thắt lưng buộc bụng” mà các chủ nợ đưa ra. Giới kinh doanh thì lo ngại kịch bản xấu nếu Hy Lạp vỡ nợ. Giới quản lý ngân hàng bày tỏ, tình hình rất khó khăn, nếu không đạt thỏa thuận thì “chưa biết điều gì sẽ diễn ra ngay ngày hôm sau”. Trong tuần, người dân Hy Lạp cũng đua nhau rút tiền, với khoảng 4,2 tỉ euro “chạy” khỏi hệ thống ngân hàng. Con số này được dự báo sẽ còn tăng mạnh một khi Athens vỡ nợ do đàm phán thất bại.

Tin hiệu tích cực

Tối muộn ngày 21/6, Thủ tướng Tsipras đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Fracois Hollande và ông Junker, thông báo về đề xuất mới. EU lập tức đã có phản ứng tích cực trước bước đi này của Athens. Ủy viên Hội đồng tài chính EU Pierre Moscovici bình luận Hy Lạp “đang đi đúng hướng”. Người đứng đầu Văn phòng EC Martin Selmayr thì nói rằng, đề xuất này là nền tảng tốt để đạt được thỏa thuận tại phiên họp thượng đỉnh EU bàn về khủng hoảng nợ Hy Lạp.

Giới chức Hy Lạp không tiết lộ thông tin chi tiết về đề xuất mới. Nhưng các nguồn tin rò rỉ cho thấy, Athens đã có sự “điều chỉnh”  quan điểm trên hai vấn đề khúc mắc lớn nhất là cải cách về thuế và chế độ lương hưu. Các điểm được coi là “nhượng bộ” bao gồm: Hy Lạp sẽ cho áp dụng một số loại thế mới, tăng mức thuế đối với một số ngành nghề kinh doanh, áp thuế thu nhập đối với các doanh nghiệp có tổng doanh thu từ 500.000 euro trở lên, cắt bỏ các khoản trợ cấp liên quan đến nghỉ hưu sớm, duy trì thặng dư ngân sách ở mức 1% GDP.

Đáp lại thiện chí trên, ECB trong ngày 22/6 cũng có phiên họp để thảo luận về quy mô gói hỗ trợ thanh khoản khẩn cấp cho các ngân hàng Hy Lạp, khi hệ thống ngân hàng của nước này đang phải chịu nhiều sức ép từ việc người dân rút tiền ồ ạt. Một số chuyên gia tài chính nhận định, EU và các chủ nợ cuối cùng cũng nhần ra một điểm, cần phải đưa ra giải pháp mang tính dài hạn mà không đẩy nền kinh tế Hy Lạp lún sâu hơn vào suy thoái.

Giới đầu tư cho thấy sự lạc quan trước “tin tốt” đến từ Hy Lạp, với việc các thị trường tài chính EU có phản ứng mang tính đi trước đón đầu.  Chỉ số chứng khoán trên thị trường Athens chốt phiên buổi sang tăng 7,1%, lấy lại gần như toàn bộ điểm số đã mất đi hồi tuần trước. Chỉ số Stoxx Europe 600 tăng 1,8%, chỉ số chứng khoán DAX (Đức) tăng 3,2% chứng khoán Pháp (CAC 40) tăng 3,1%, trái phiếu chính phủ của Italy, Tây Ban Nhà cũng duy trì tỉ lệ tăng vững.
Theo Hoài Thanh/Bloomberg, Euobserver