Vấn đề nợ Hy Lạp: Chưa thấy “ánh sáng cuối đường hầm”
90 phút đàm phán về nợ của Hy Lạp tại Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) kết thúc hôm 18-6 mà không đạt kết quả đồng nghĩa với nguy cơ Athens bị phá sản ngày càng cận kề, trong bối cảnh các cuộc đàm phán nhằm cứu vãn tình hình đều liên tiếp thất bại.
“Bóng” đang ở trong chân Hy Lạp
Về phần mình, Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Yanis Varoufakis phàn nàn vì các đề xuất ông đưa ra tại hội nghị đã không nhận được bất kỳ “nhận xét nào” từ phía lãnh đạo Eurozone. Tại hội nghị, ông Varoufakis đã đưa ra các đề xuất mới, song cũng khẳng định Athens không thực hiện yêu cầu cải cách lương hưu và thuế. Hãng thông tấn TASS của Nga cho hay, ông Varoufakis đã đề xuất thành lập một hội đồng độc lập để giám sát ngân sách nước này.
Chưa ngã ngũ những bất đồng mấu chốt
Cả hai bên đều khẳng định những điểm bất đồng mấu chốt vẫn chưa được ngã ngũ và đều yêu cầu đối phương tỏ ra thực tế hơn. Các đối tác đàm phán của Hy Lạp đã chỉ ra hệ thống tiền trợ cấp của nước này không ổn định, hoạt động thu thuế còn nhiều bất cập. Bởi vậy Athens cần tiếp tục có các điều chỉnh tài chính để đáp ứng những mục tiêu giải quyết khủng hoảng và cải cách thị trường tài chính một cách linh hoạt hơn nhằm tăng tính cạnh tranh của nền kinh tế.
Ai thua thiệt hơn?
Trong bối cảnh đàm phán liên tiếp thất bại ngay cả khi đã cận kề thời hạn chót 30-6, giới phân tích dự đoán Hy Lạp sẽ tiếp tục duy trì lập trường cứng rắn trong đàm phán với hy vọng có thể nhận được thêm các nhượng bộ vào phút chót. Hơn nữa, họ cũng cho rằng, nếu Athens vỡ nợ thì các chủ nợ cũng sẽ chịu thiệt hại không hề nhỏ. Bộ trưởng Tài chính Hy Lạp Varoufakis cho biết, việc Hy Lạp rời khỏi Eurozone sẽ làm khu vực thiệt hại ít nhất 1 nghìn tỷ euro.
Tuy nhiên, các đảng đối lập tại Hy Lạp cùng các quan chức châu Âu cũng như các nhà phân tích thì cho rằng, Hy Lạp mới là bên tổn thất nặng nề hơn. Họ cho rằng việc bị vỡ nợ và phải rời khỏi Eurozone sẽ “ngốn” thêm 40% sức tiêu dùng của người dân nước này, kéo theo những bất ổn nghiêm trọng về chính trị, xã hội và tài chính mà khởi đầu sẽ là các biện pháp kiểm soát vốn ngặt nghèo.
Tuy nhiên, mọi tranh cãi ai thua thiệt hơn vào lúc này đều trở nên vô nghĩa khi mà thời hạn chót để đạt được thỏa thuận đang đến gần mà vẫn chưa có một tia hy vọng nào. Rõ ràng là sẽ chẳng bên nào được lợi trong cuộc giằng co tốn thời gian này vì nếu không, hai bên đã không nỗ lực đàm phán đến phút chót như hiện nay.
Giới phân tích cho rằng, một kịch bản nhiều khả năng xảy ra để tránh kết cục vỡ nợ cho Hy Lạp sẽ là hai bên ký một thỏa thuận tạm thời trong tháng 6 này và kéo dài gói cứu trợ thêm vài tháng để giúp Ahtens đáp ứng các nghĩa vụ tài chính trước mắt. Vì ngoài khoản thanh toán cho IMF lên tới 1,6 tỷ euro trong tháng 6, Athens còn đối mặt với 6,7 tỷ euro phải thanh toán cho Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) trong tháng 7 và tháng 8. Đổi lại, Hy Lạp sẽ thực hiện một số biện pháp tối thiểu và tiếp tục đàm phán về việc giảm nợ và cải cách mới trong năm 2015.