Dư luận thế giới tiếp tục lên án mạnh mẽ Trung Quốc
(Dân trí) - Chính phủ, các nhà chính trị và giới học giả nhiều nước đã đồng loạt lên án các hành động ngang ngược của Trung Quốc vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông.
Đây là làn sóng dư luận rộng rãi nhất nhằm vào Trung Quốc kể từ khi nước này thực thi chính sách trỗi dậy gây căng thẳng trong khu vực.
Trong phản ứng mới nhất, Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida đã bày tỏ quan ngại sâu sắc trước các hành động của Trung Quốc, đồng thời kêu gọi các bên tránh hành động đơn phương trong vấn đề Biển Đông.“Hành động (của Trung Quốc) làm gia tăng căng thẳng trong khu vực. Điều này khiến Nhật Bản không thể không quan ngại. (Các bên) cần tránh những hành động đơn phương (ở biển Đông)”, người đứng đầu ngành ngoại giao Nhật Bản nói trong buổi trả lời phỏng vấn của hãng tin Kyodo tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 7/5.
Đây là bình luận chính thức đầu tiên của chính phủ Nhật Bản liên quan đến căng thẳng giữa Việt Nam và Trung Quốc sau khi Tổng công ty dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC) hạ đặt giàn khoan siêu khủng HD-981 ở vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam, cũng như các vụ đụng độ sau đó gần khu vực này khi các tàu Trung Quốc hung hăng đâm tàu của Cảnh sát biển Việt Nam đang làm nhiệm vụ trong khu vực.
Tiếp đó, trong cuộc họp báo sáng nay ở thủ đô Tokyo, Chánh văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga cũng bày tỏ “quan ngại mạnh mẽ” trước vụ va chạm tàu giữa Việt Nam và Trung Quốc tại biển Đông.
"Nhật Bản quan ngại mạnh mẽ (trước vụ việc). Chúng tôi kêu gọi các bên hành xử kiềm chế", ông Suga cho biết tại cuộc họp báo.
Tại Mỹ, giới học giả nước này cũng bày tỏ bất bình trước các hành động của Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh đang vi phạm chủ quyền lãnh hải của Việt Nam.
"Việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan HD-981 ở vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam là sự vi phạm trắng trợn chủ quyền của Việt Nam theo Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982", học giả Andrew Billo chuyên nghiên cứu về Đông Nam Á thuộc Hiệp hội châu Á (Asia Society) có trụ sở tại thành phố New York (Mỹ) nói.
Theo ông Andrew, đây rõ ràng là thất bại của Trung Quốc trong việc tuân thủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) mà nước này đã ký với các nước thành viên Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN).
"Cũng như Việt Nam, Trung Quốc đã tham gia UNCLOS. Vì thế Trung Quốc cần tôn trọng quyền hợp pháp đã được khẳng định của Việt Nam đối với vùng biển này", học giả này khẳng định.
Những năm gần đây, Trung Quốc nhiều lần gây sức ép đối với các quốc gia láng giềng, yêu cầu họ phải tôn trọng và tuân thủ các tuyên bố chủ quyền phi lý của Bắc Kinh ở Biển Đông. Động thái này xuất phát từ thực tế rằng Trung Quốc ngày càng nhận thấy họ không nhận được sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế.
Theo ông Andrew, các hành động leo thang căng thẳng của Trung Quốc bất chấp luật pháp quốc tế và không tôn trọng chủ quyền đã được công nhận của các quốc gia láng giềng sẽ chỉ làm cho tình hình ngày càng phức tạp hơn. Ông kêu gọi chính quyền Mỹ tiếp tục lên án các hành động của Trung Quốc và tìm các biện pháp thúc đẩy đàm phán giữa các bên liên quan để thảo luận điều khoản giúp quản lý tốt hơn tình hình tại Biển Đông.
Tại Đức, một loạt các báo lớn như Die Welt (Thế giới), Die Zeit (Thời đại), Die Spiegel (Tấm gương), DW (Làn sóng Đức)... cũng đăng nhiều tin, ảnh nổi bật phản ánh rõ thái độ hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Với dòng tít "Trung Quốc dùng tàu chiến đâm vào tàu Việt Nam", báo Die Welt viết rằng các tàu chiến Trung Quốc đã đâm vào tàu Việt Nam khi bị các tàu này ngăn cản hành động hạ đặt giàn khoan ở vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam tại Biển Đông. Theo bài báo, việc Trung Quốc đặt giàn khoan là "một trong hàng loạt hành động khiêu khích của Trung Quốc". Tờ báo cũng dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu - Phó Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam - cho biết các tàu Trung Quốc đã đâm thẳng vào tàu Việt Nam và dùng vòi rồng phun vào các tàu Việt Nam khiến nhiều kiểm ngư Việt Nam bị thương, nhiều tàu bị hư hại.
Báo Die Welt bình luận đây là vụ đụng độ nghiêm trọng nhất giữa Trung Quốc và Việt Nam trong nhiều năm qua. Tờ báo cũng dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, từ đầu tuần Việt Nam đã kịch liệt phản đối việc Trung Quốc đặt giàn khoan trong vùng biển Việt Nam, cách bờ biển Việt Nam khoảng 120 km.
Các báo Die Zeit, Die Spiegel cũng đưa tin đậm nét về căng thẳng ở Biển Đông khiến nhiều kiểm ngư Việt Nam bị thương và nhiều tàu bị hư hại. Các báo dẫn lời ông Ngô Ngọc Thu cho biết lực lượng cảnh sát và kiểm ngư Việt Nam đã, đang và sẽ hết sức kiềm chế. Nhưng nếu các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục đâm vào tàu Việt Nam, phía Việt Nam sẽ buộc phải tự vệ bằng hành động tương tự. Báo WD cho rằng nếu Trung Quốc không dừng lại, căng thẳng ở Biển Đông sẽ có nguy cơ leo thang thành các cuộc đụng độ nghiêm trọng hơn.
Bên cạnh làn sóng chỉ trích của chính giới và truyền thông thế giới, đêm 7/5 theo giờ Việt Nam, nhiều người Việt ở Little Saigon, bang California của Mỹ, đã đến Tổng lãnh sự Trung Quốc ở thành phố Los Angeles tổ chức biểu tình phản đối. Họ dàn thành hàng ngang trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc, yêu cầu nước này chấm dứt các hành động gây hấn Việt Nam.
Vũ Anh