1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Dự báo 10 xu hướng kinh tế và 14 ngành nghề trên thế giới trong năm 2024

Đức Hoàng

(Dân trí) - Báo Anh Economist đã đưa ra dự đoán về những xu hướng kinh tế trong năm 2024, cũng như cục diện của 14 năm ngành nghề quan trọng hàng đầu trên thế giới.

Năm 2024 được dự đoán sẽ là một năm thách thức cho thế giới với những diễn biến phức tạp khi tình hình chiến sự ở các khu vực chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, thách thức về năng lượng, kinh tế...

Báo Economist đã dự báo về các xu hướng kinh tế chính và phác họa bức tranh toàn cảnh về các ngành nghề trên thế giới.

10 xu hướng kinh tế toàn cầu

Dự báo 10 xu hướng kinh tế và 14 ngành nghề trên thế giới trong năm 2024 - 1

Mức sử dụng năng lượng tái tạo trên thế giới dự kiến sẽ gia tăng vào năm 2024 (Ảnh: Reuters).

Thứ nhất, Economist dự đoán các ngân hàng trung ương trên thế giới sẽ bắt đầu giảm lãi suất khi giá cả tăng chậm. Tuy nhiên, với lạm phát toàn cầu ở mức 5%, người tiêu dùng vẫn sẽ có xu hướng "thắt lưng buộc bụng".

Thứ 2, trong bối cảnh thế giới nỗ lực làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu, mức tiêu thụ năng lượng tái tạo dự đoán sẽ tăng lên mức cao mới. Tuy nhiên, nhiên liệu hóa thạch được dự đoán vẫn sẽ chiếm 4/5 nhu cầu năng lượng toàn cầu.

Thứ 3, chi tiêu cho lĩnh vực công nghệ thông tin dự đoán sẽ gia tăng 9%. Trí tuệ nhân tạo dù thu hút sự chú ý nhưng vẫn sẽ chưa tạo ra doanh thu lớn và sẽ bị giám sát chặt chẽ.

Thứ 4, về lĩnh vực cơ sở hạ tầng, khoảng cách giữa ngân sách cần để đáp ứng nhu cầu xây dựng và ngân sách thực chi dự kiến sẽ là 3.000 tỷ USD. Để nỗ lực tìm cách lấp lỗ hổng này, châu Á dự kiến sẽ gia tăng đầu tư cố định thêm 4%.

Thứ 5, doanh thu trong ngành quảng cáo dự kiến tăng 5% nhờ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ và các sự kiện thể thao lớn.

Thứ 6, ngành du lịch quốc tế được dự đoán tạo ra doanh thu kỷ lục 1.500 tỷ USD bất chấp bất ổn kinh tế và địa chính trị. Các yếu tố tác động tới con số trên bao gồm, giá cả tăng cao và sở thích đi du lịch hậu đại dịch Covid-19.

Thứ 7, thế giới sẽ chi nhiều hơn vào lĩnh vực y tế. Với khoảng 1/10 dân số trên 65 tuổi, ngành chăm sóc sức khỏe dự kiến chiếm 1/10 GDP toàn cầu.

Thứ 8, Mỹ chi 886 tỷ USD cho hoạt động quốc phòng, hỗ trợ Ukraine và đối phó Trung Quốc. Dự đoán, một số quốc gia châu Á như Nhật Bản, Philippines trong năm 2024 cũng sẽ tăng cường chi tiêu cho hoạt động phòng thủ.

Thứ 9, ngành công nghiệp sản xuất xe điện tăng tốc nhờ sự hỗ trợ mạnh mẽ của chính phủ. Dự kiến, cứ 4 chiếc ô tô mới sẽ có một chiếc là xe điện.

Thứ 10, với 60% công ty Mỹ cho phép nhân viên làm việc tại nhà, 1/5 văn phòng ở Mỹ dự kiến sẽ trở nên trống rỗng. Tại châu Âu, nơi các nhà tuyển dụng áp dụng quy định chặt chẽ hơn, tỷ lệ văn phòng bị bỏ trống có thể ở mức 8%.

Dự đoán về các ngành nghề chính

Về môi trường kinh doanh, địa chính trị sẽ có vai trò tác động lớn trong năm 2024, khi cạnh tranh Mỹ - Trung vẫn "nóng" và các cuộc chiến ở Ukraine và Gaza chưa có hồi kết.

Dự kiến lạm phát sẽ giảm và lãi suất ổn định hơn; những nút thắt trong chuỗi cung ứng toàn cầu và giá cả hàng hóa sẽ giảm bớt. Tuy nhiên, GDP toàn cầu dự kiến sẽ chỉ tăng 2,2% trong bối cảnh các nước giàu tăng trưởng không cao.

Những nền kinh tế đang phát triển dự kiến sẽ có mức tăng trưởng cao hơn. Các công ty dự kiến sẽ phải đối mặt với các quy định mới về bảo vệ môi trường và có thể là mức thuế tối thiểu toàn cầu về lĩnh vực này.

Dự báo 10 xu hướng kinh tế và 14 ngành nghề trên thế giới trong năm 2024 - 2

Ngành sản xuất xe điện dự kiến tiếp tục phát triển trong năm sau (Ảnh: Reuters).

Về ngành sản xuất ô tô, ngành công nghiệp này dự kiến sẽ tăng trưởng ở mức không cao trong năm 2024. Doanh số bán hàng toàn cầu dự kiến sẽ chưa trở lại được mức trước đại dịch, với số lượng ô tô mới chỉ tăng thêm 3% và xe thương mại được bán ra nhiều hơn 1% so với năm 2023.

Như đã dự đoán ở trên, ngành xe điện sẽ gia tăng. Gần 25% số ô tô mới trên thế giới là xe điện, hơn một nửa được bán ở Trung Quốc. Sẽ có những cải tiến để pin xe điện có hiệu suất hoạt động tốt hơn.

Về ngành quốc phòng và hàng không vũ trụ, khi chiến sự ở Ukraine và Gaza vẫn diễn ra, cạnh tranh Mỹ - Trung dự kiến chưa hạ nhiệt, các cường quốc quân sự sẽ gia tăng ngân sách quốc phòng.

Khoảng 1/3 thành viên NATO dự kiến sẽ đạt được mục tiêu chi hơn 2% GDP cho quốc phòng.

Mỹ, nước chi tiêu quốc phòng lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ chi khoảng 886 tỷ USD. Căng thẳng tại châu Á sẽ khiến nhiều quốc gia tăng chi tiêu cho quân sự. Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản sẽ tăng tốc nỗ lực phát triển và đánh chặn tên lửa siêu vượt âm trong khi Nga triển khai vũ khí này rộng rãi hơn.

Về ngành năng lượng, dù mức sử dụng năng lượng tái tạo sẽ tăng 11% nhưng nhiên liệu hóa thạch sẽ đáp ứng khoảng 80% nhu cầu năng lượng vào năm 2024. Tiêu thụ dầu sẽ tăng 1% khi nền kinh tế phục hồi. Việc sử dụng than và khí đốt dự kiến sẽ tăng lên ở châu Á.

Mức tiêu thụ điện gió và điện mặt trời sẽ đạt gấp đôi mức của năm 2019, được thúc đẩy nhờ Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ và kế hoạch REPowerEU của châu Âu. Giá thành sản xuất năng lượng tái tạo sẽ giảm nhưng vẫn cao hơn mức năm 2020 từ 10-15%. Ít nhất 11 lò phản ứng hạt nhân mới sẽ được đưa vào sử dụng.

Về ngành tài chính, lãi suất sẽ chững lại vào năm 2024 và lợi nhuận của nhiều ngân hàng dự kiến sẽ sụt giảm. Số lượng chi nhánh ngân hàng và máy rút tiền sẽ tiếp tục giảm trong bối cảnh thế giới đang chuyển dịch sang sử dụng ngân hàng số. Thị trường chứng khoán toàn cầu dự kiến sẽ khởi sắc nhờ các thị trường mới nổi và cổ phiếu công nghệ.

Về ngành lương thực và nông nghiệp, Economist Intelligence nhận định rằng giá nhiên liệu và phân bón sẽ giảm trong năm 2024. Chỉ số giá nông nghiệp toàn cầu dự đoán sẽ giảm, nhưng vẫn còn nhiều biến số khó lường.

Chiến sự và thời tiết xấu có thể khiến 345 triệu người đối mặt với nạn đói. Tại vành đai lương thực Biển Đen, chiến sự Nga - Ukraine vẫn có thể gây ra rủi ro cho nguồn cung toàn cầu. Hiện tượng El Niño có thể gây ra các hình thái thời tiết bất thường khiến nền kinh tế thế giới thiệt hại 3.000 tỷ USD. El Niño có nguy cơ làm giảm năng suất cây trồng ở Châu Phi, Châu Á và Trung Mỹ.

Các chính phủ sẽ giải quyết những vấn đề trên bằng các khoản trợ cấp và biện pháp kiểm soát giá cả.

Về ngành chăm sóc sức khỏe, chi tiêu cho y tế dự kiến vẫn sẽ gia tăng hậu đại dịch và tình hình lạm phát. Các nước phát triển với dân số già sẽ thiếu hụt nhân viên y tế. Áp lực trong ngành y dự kiến gia tăng, có thể kéo theo một số nhân sự trong ngành bỏ nghề.

Các chính phủ sẽ cố gắng lấp đầy những khoảng trống. Gần 80% chi tiêu cho y tế sẽ đến từ các nguồn công như thuế hoặc bảo hiểm bắt buộc, tăng từ mức 75% trước đại dịch.

Doanh số bán dược phẩm toàn cầu sẽ vượt 1,6 nghìn tỷ USD, trong đó Mỹ chiếm hơn 1/3 và Trung Quốc chiếm 1/10.

Về cơ sở hạ tầng, vẫn có sự chênh lệch giữa khoản thực chi để xây dựng hệ thống các công trình với ngân sách theo nhu cầu của các nước. Ví dụ, ở Mỹ, khoảng cách này là 260 tỷ USD mỗi năm. Tại châu Á, khoảng cách này lớn hơn, vào khoảng 459 tỷ USD.

Indonesia dự kiến chi 28 tỷ USD để đầu tư cố định cho cơ sở hạ tầng, tập trung vào xây dựng thủ đô mới. Trung Quốc sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số và xử lý chất thải. Đức sẽ dẫn đầu mức tăng trưởng đầu tư 1% của EU, rót 61 tỷ USD vào cơ sở hạ tầng xanh.

Đầu tư vào năng lượng mặt trời và gió dự kiến sẽ lập kỷ lục toàn cầu. Tesla và các nhà sản xuất ô tô khác sẽ xây dựng mạng lưới sạc điện.

Dự báo 10 xu hướng kinh tế và 14 ngành nghề trên thế giới trong năm 2024 - 3

Các doanh nghiệp dự kiến ứng dụng đến trí tuệ nhân tạo để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí (Ảnh: Reuters).

Về ngành công nghệ thông tin, chi tiêu cho lĩnh vực này trên toàn cầu sẽ tăng vào năm 2024, tăng gần 9%. Chi tiêu cho phần cứng sẽ tăng trở lại. Các doanh nghiệp sẽ tìm đến trí tuệ nhân tạo và các công nghệ mới khác để nâng cao năng suất, cắt giảm chi phí và quản lý rủi ro. Nhưng AI sẽ không tạo ra nhiều doanh thu như những người ủng hộ hy vọng và cũng sẽ đối mặt với sự quản lý chặt chẽ hơn.

Về ngành truyền thông và giải trí, doanh thu quảng cáo toàn cầu dự báo sẽ tăng trưởng gần 5% vào năm 2024, lên 762,5 tỷ USD, nhờ cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, Thế vận hội Paris và giải bóng đá Euro 2024. Quảng cáo kỹ thuật số sẽ chiếm gần một nửa chi tiêu này.

Về ngành khai mỏ và kim loại, giá hầu hết kim loại dự kiến đắt hơn trong năm 2024. Kim loại đồng sẽ trở thành tâm điểm khi hoạt động đầu tư xanh và nền kinh tế kỹ thuật số thúc đẩy nhu cầu về dây cáp điện và pin.

Giá nhôm sẽ tăng nhờ công ty xây dựng và sản xuất ô tô châu Á. Giá thép cũng sẽ tăng nhưng vẫn thấp hơn 36% so với mức đỉnh vào năm 2021. Vàng và bạch kim sẽ vẫn được các nhà đầu tư coi là kênh tích trữ an toàn.

Trong khi đó, Niken và kẽm sẽ giảm giá cho Indonesia và Trung Quốc gia tăng sản xuất. Chì cũng có thể sẽ hạ nhiệt khi người dùng bắt đầu giảm sử dụng phương tiện chạy bằng xăng và dầu diesel.

Thị trường lithium có thể đạt thặng dư khi các nước có trữ lượng lớn tăng sản lượng khai thác. Giá than sẽ giảm khi cuộc khủng hoảng năng lượng hạ nhiệt. Các nhà sản xuất thép và nhôm sẽ phải đối mặt với các khoản phí mới theo cơ chế điều chỉnh biên giới carbon của EU.

Châu Âu và Mỹ sẽ cố gắng kìm chân Trung Quốc giành ưu thế trong ngành chế biến các khoáng sản cần thiết cho năng lượng sạch.

Về ngành bất động sản, các nhà đầu tư vào bất động sản thương mại phải đối mặt với nguy cơ vào năm 2024 khi lãi suất cao, hợp đồng thuê hết hạn và mô hình làm việc thay đổi, dẫn đến làm giảm nhu cầu.

Thị trường bất động sản Trung Quốc dự kiến vẫn sẽ khó khăn, bất chấp sự hỗ trợ của chính phủ. Phần còn lại của châu Á sẽ chứng kiến sự phục hồi không đồng đều.

Nhìn chung, lãi suất thế chấp cao và nhà ở mới khan hiếm sẽ khiến việc mua bất động sản trở nên khó khăn trong năm tới.

Dự báo 10 xu hướng kinh tế và 14 ngành nghề trên thế giới trong năm 2024 - 4

Ngành bán lẻ sẽ có xu hướng dịch chuyển sang Đông Nam Á trong năm sau (Ảnh minh họa: Reuters).

Về ngành bán lẻ, lạm phát giảm dần dự kiến sẽ khiến doanh số bán lẻ tăng 2% theo giá trị thực vào năm 2024, nhanh gấp đôi so với năm 2023. Nhưng người tiêu dùng vẫn sẽ khá cẩn trọng và tiết kiệm do lãi suất cao, tiết kiệm hộ gia đình giảm và nguy cơ vỡ nợ thẻ tín dụng.

Theo Economist, các nhà bán lẻ mong muốn có thêm người tiêu dùng châu Á sẽ tìm đến Đông Nam Á, nơi Malaysia, Thái Lan và Việt Nam sẽ nằm trong số những quốc gia có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất.

Kèm theo đó, các nước đang phát triển sẽ tiếp tục ghi nhận sự gia tăng mạnh mẽ của ngành thương mại điện tử.

Về ngành viễn thông, trong năm 2024, 5G dự kiến sẽ vượt qua 4G để trở thành công nghệ di động thống trị ở Trung Quốc. Nhưng tầm bao phủ của 5G trên toàn cầu dự kiến sẽ chỉ chiếm 20%.

Ericsson, công ty xây dựng cơ sở hạ tầng viễn thông, dự đoán 1/4 dân số thế giới vẫn chưa có đủ khả năng truy cập băng thông rộng di động vào năm 2024.

Về ngành du lịch, lượng khách du lịch quốc tế dự kiến sẽ tăng gần như trở lại mức của năm 2019 trong bối cảnh địa chính trị phức tạp và kinh tế suy thoái ở nhiều nơi trên thế giới. Cùng với các chuyến bay nội địa, du lịch hàng không được cho sẽ đạt đến mức trước đại dịch.