Dư âm cảm xúc Chiến thắng 30/4 trong lòng kiều bào tại Pháp
Chiến thắng 30/4/1975 đã đi vào lịch sử đất nước như một mốc son chói lọi, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Chiến công oanh liệt đó có sự góp sức của toàn dân tộc trong đó có cộng đồng người Việt Nam tại Pháp.
Diễu hành mừng chiến thắng trên đường phố Paris ngày 1/5/1975. (Ảnh: Lê Tấn Xuân/Vietnam+)
40 năm đã trôi qua, nhưng kỷ niệm về quá trình đấu tranh lâu dài và bền bỉ qua từng chặng đường cách mạng cùng những cảm xúc về ngày chiến thắng vẫn luôn tươi rói trong ký ức những người con nước Việt dù sống xa Tổ quốc hàng nghìn dặm.
Nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, Ban lãnh đạo Hội người Việt Nam tại Pháp (UGVF) đã tổ chức một buổi gặp mặt báo chí tại số nhà 16, phố Petit Musc, trung tâm Paris, thường được gọi một cách thân thương là “Hội quán”, nhằm ôn lại kỷ niệm về những ngày đấu tranh sôi nổi cùng niềm vui vỡ òa ngày chiến thắng 30/4/1975.
Mặc dù không trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường ác liệt, nhưng trong hàng chục năm trời, kiều bào tại Pháp tập hợp xung quanh Hội người Việt Nam tại Pháp (trước đây gọi là Hội Liên hiệp Việt kiều) đã song hành cùng cuộc kháng chiến của dân tộc thông qua các phong trào đấu tranh phản đối đế quốc Mỹ xâm lược Việt Nam đồng thời tham gia tích cực vào các hoạt động ủng hộ các phái đoàn Việt Nam tham dự đàm phán Hiệp định Paris từ 1968 đến tháng 1973.
Với nhiều thế hệ người Việt Nam tại Pháp và người Pháp yêu chuộng hòa bình, hình ảnh các cuộc biểu tình với hàng nghìn người tuần hành trên đường phố Paris, tay giương cao chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng hô vang khẩu hiệu “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” đã in đậm trong tâm trí và trở thành dấu ấn không phai nhạt.
Theo dòng ký ức
Ánh mắt rưng rưng, bác Nguyễn Thanh Tòng, nguyên Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp, kể lại cảm xúc ngày 30/4: “Đêm 29/4, qua theo dõi tình hình chiến sự, tôi biết là quân ta đã vào gần tới Sài Gòn. Tỉnh dậy vào 7 giờ sáng ngày 30/4, nghe radio nói rằng xe tăng đã vào tới Dinh Độc lập, lúc đó, tôi cứ tưởng là mình đang nằm mơ vì không ngờ mọi việc lại diễn biến nhanh đến như vậy. Tôi nhổm hẳn dậy và bật khóc. Khi đó, một người bạn gọi điện đến thông báo rằng sắp sửa có tuần hành mừng chiến thắng. Tôi ra ngoài, đi dọc phố Gobelins, nơi Bác Hồ từng sống trong thời gian hoạt động tại Pháp. Khi đến bên bờ sông Seine, tôi đứng đó và lặng lẽ khóc thật lâu. Nhưng bên trong tôi, tất cả đang như reo vui: 'Đất nước độc lập rồi, dân ta được tự do rồi.' Trên đường trở về nhà, tôi có cảm tưởng rằng tất cả mọi người đang cười với tôi, chia sẻ với tôi niềm hạnh phúc lớn lao là miền Nam đã được giải phóng.”
Còn đối với ông Đoàn Hữu Trung, một người đã định cư tại Pháp từ những năm 1950 thì chia sẻ: “Cách đây 40 năm, bối cảnh không giống bây giờ. Nhà tôi khi đó chưa có điện thoại và truyền hình. Mọi thông tin về đất nước khi đó đều chỉ được biết qua các buổi gặp mặt tại Hội quán. Tôi có may mắn là ở gần phái đoàn đại diện Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ngày 29/4, báo chí Pháp đưa tin 'Việt Cộng sắp tới cửa ngõ Sài Gòn.' Ngày 30/4, tôi dậy sớm, báo chí Pháp vẫn chưa có tin gì mới. Trên đường đi làm, tôi ghé thăm phái đoàn. Vừa gặp, các anh chị đã thông báo: 'Giải phóng rồi, mai mốt về Việt Nam được rồi.'. Cảm xúc đó, tôi không thể nói lên thành lời, nhưng trong tôi trào dâng niềm vui khôn tả."
Ông Võ Sĩ Đàn, Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Pháp thời kỳ 2006-2010 thì trầm ngâm: “Nói về cảm xúc 30/4 là phải nói về cả một quá trình. Ngày 30/4 là ngày kết thúc hai cuộc chiến tranh lâu dài ở trong nước với bao hy sinh mất mát. Đối với Việt kiều ở Pháp đây cũng là cột mốc kết thúc cả một giai đoạn dài với mấy chục năm hoạt động để hỗ trợ cuộc đấu tranh trong nước. Trong chiến thắng 30/4, kiều bào tại Pháp tự hào vì đã góp phần, dù nhỏ thôi, vào chiến thắng đó.”
Với nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, ngày 30/4 là sự kiện cực kỳ trọng đại, ngày cả dân tộc ca khúc khải hoàn. Theo ông, những ai đã sống những năm tháng đất nước bị chia cắt sẽ cảm nhận được đầy đủ ý nghĩa của thời khắc khi lá cờ giải phóng tung bay trên nóc Dinh Độc lập.
“Dù năm tháng trôi, Đại thắng mùa Xuân sẽ mãi là bản anh hùng ca cho mọi thế hệ người Việt Nam,” ông nói.
Đồng hành cùng đất nước
Cũng như bất kỳ mọi chiến thắng, để có được niềm vui ngày 30/4, cần phải có sự chuẩn bị lâu dài. Cộng đồng người Việt Nam tại Pháp đã trải qua hành trình từ mấy chục năm trước với phương châm “Đồng hành cùng đất nước” và “Song hành cùng với cách mạng Việt Nam,” được thể hiện qua các phong trào xuống đường phản đối chiến tranh, tuyên truyền vận động trong cộng đồng người Việt Nam tại Pháp, trong cộng đồng sinh viên nhằm đạt được sự ủng hộ rộng rãi đối với cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Hình thức tuyên truyền phổ biến nhất vẫn là phát báo, đặc biệt là tờ Đoàn kết do Hội ấn hành và thông qua các buổi nói chuyện giữa các nhóm sinh viên.
Ông Ngô Kim Hùng, Tổng Thư ký Hội người Việt Nam tại Pháp, tâm sự mặc dù còn lưu giữ rất nhiều kỷ niệm và cảm xúc nhưng thật không dễ để phác họa lại một quá trình đầy gian khó.
“Năm 1975, tôi còn là sinh viên. Trong thời gian đi học, tôi tranh thủ vận động bạn bè nhất là trong sinh viên Việt Nam để ủng hộ cuộc đấu tranh trong nước. Những năm 70, chính quyền Sài Gòn không cho sinh viên mình sang Pháp du học nữa, vì lúc đó, Hội mình hoạt động rất mạnh để thu hút sinh viên. Ngoài ra dư luận Pháp lúc đó cũng rất tiến bộ. Chính quyền Sài Gòn sợ là 'gửi sinh viên sang đây là đi theo Việt Cộng hết.' Mãi cho đến năm 1974, chính quyền Sài Gòn mới bắt đầu gửi lại sinh viên sang Pháp. Khi sinh viên mới sang, mình tích cực tiếp xúc và tuyên truyền chính nghĩa của cuộc đấu tranh chống đế quốc Mỹ.”
“Để tuyên truyền vận động trong cộng đồng, lúc bấy giờ chúng tôi cũng phải nỗ lực học tập, đọc tài liệu, chuẩn bị lập luận sao cho thuyết phục nhất. Khi đó, tôi thuộc phân hội của Liên hiệp sinh viên. Hàng ngày, vào buổi trưa khi đi ăn cơm tại căngtin, tôi tranh thủ phát báo. Có những sinh viên không đồng quan điểm, họ không lấy báo, có người lấy rồi bỏ đó. Không phải dễ dàng gì mà phát được một tờ báo và cũng không phải dễ mà tiếp nhận được một người vào Hội. Nhiều khi cũng xảy ra tranh cãi rất dữ với những người chưa tin tưởng vào cuộc kháng chiến.”
Nhắc lại thời điểm trước ngày 30/4, ông nói: “Tôi còn nhớ khi quân ta sắp sửa tấn công vào Sài Gòn, phía chính quyền Sài Gòn có đề nghị ngừng lại để thương lượng với nhau. Khi đó, bộ phận sinh viên ủng hộ chế độ Sài Gòn tại đây rất lo sợ, họ sợ là khi quân giải phóng vào sẽ diễn ra 'Biển máu.' Lúc đó, tôi cùng với bạn bè trong Hội tranh thủ đi giải thích cho các sinh viên có quan điểm khác với mình là sẽ không có chuyện 'Biển máu.'”
Ông cũng cho biết khi ông bắt đầu tham gia các hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp, chính quyền Sài Gòn cắt bỏ hết giấy tờ của ông, có nghĩa là nếu chế độ Sài Gòn còn thì ông không còn hy vọng về Việt Nam nữa. “Nhiều đêm nằm trằn trọc không ngủ được, rơi nước mắt khi nhớ tới cha mẹ và người thân. Chính vì vậy, khi nghe tin miền Nam được hoàn toàn giải phóng, điều làm tôi vui sướng nhất là từ nay, mình sẽ được về thăm gia đình.”
Nhân dân Pháp đoàn kết và ủng hộ Việt Nam
Theo ông Nguyễn Văn Bổn, nguyên Phó Chủ tịch UGVF, trong những năm chống Mỹ, Việt Nam luôn là tâm điểm chú ý của thế giới. Báo chí Pháp với truyền thống thiên tả đã lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ, mà họ gọi là “cuộc chiến tranh bẩn thỉu.” Thực tế là từ những năm 1964-1965, đặc biệt là từ 1968, không có ngày nào báo chí Pháp không có bài viết về chiến tranh Việt Nam. Đặc biệt là tờ báo quan trọng nhất của Pháp là tờ báo Le Monde.
Ông Ngô Kim Hùng cũng đánh giá cao sự khách quan của báo chí Pháp: “Phải nói là báo chí Pháp đóng góp rất nhiều đối với sinh viên và cộng đồng người Việt Nam tại Pháp trong nhận thức về cuộc chiến tranh của mình. Khi tôi đi nói chuyện với sinh viên, để vận động họ, tôi thường trích dẫn các tài liệu và báo chí Pháp. Đa số các bài viết trên báo Le Monde, đặc biệt là của Jean Lacouture, đều ủng hộ cuộc đấu tranh của Việt Nam. Báo chí Pháp đã giúp tôi rất nhiều. Đóng góp của nhân dân Pháp cũng vô cùng lớn.”
Quả đúng như vậy, sự đóng góp của nhân dân Pháp yêu chuộng hòa bình là vô cùng lớn. Đảng Cộng sản Pháp đã hỗ trợ chỗ lưu trú trong 5 năm (từ 1968 đến tháng 1/1973) cho phái đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trong quá trình đàm phán Hiệp định Paris yêu cầu Mỹ chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Đảng Cộng sản Pháp và Tổng Liên đoàn Lao động Pháp (CGT) đã kêu gọi người dân Pháp tham gia phản đối chính sách chiến tranh của Chính phủ Mỹ, ủng hộ Việt Nam.
Vào thời điểm cao trào của phong trào phản chiến đã diễn ra nhiều cuộc biểu tình khổng lồ tại Paris và nhiều thành phố trên toàn nước Pháp. Cuộc biểu tình đông nhất tập hợp 500.000 người Pháp được tổ chức trước cửa Trung tâm Kléber, nơi diễn ra các cuộc đàm phán Hiệp định Paris.
Theo nhạc sỹ Nguyễn Thiện Đạo, có thể nói đó là “cuộc biểu tình rực rỡ nhất, gây tiếng vang nhất và thành công nhất.”
Trong niềm hân hoan của ngày chiến thắng, Hội người Việt Nam tại Pháp đã tổ chức nhiều cuộc míttinh và tuần hành chào mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Hòa trong dòng người vẫy cờ hoa trên đường phố Paris ngày 6/5/1975 không chỉ có đông đảo kiều bào tại Pháp mà còn có cả những người bạn Pháp đã đi cùng Việt Nam suốt chiều dài cuộc chiến tranh, những chiến sỹ đấu tranh vì hòa bình như Madeleine Riffaud, Raymonde Dien, Henry Martin, Paul Laurent (Ủy viên Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Pháp lúc bấy giờ).
Hội cũng được vinh dự cùng với phái đoàn của Việt Nam đi tiếp quản các cơ sở của chính quyền Sài Gòn tại Pháp. Trong những năm tiếp theo, Hội tiếp tục hoạt động theo tinh thần hòa hợp và hòa giải dân tộc nhằm tranh thủ mọi tầng lớp người dân đồng thời phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc trong sự nghiệp xây dựng đất nước.
Vì những đóng góp to lớn vào sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, Hội người Việt Nam tại Pháp đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập Hạng Nhất.
Hội người Việt Nam tại Pháp có tiền thân là tổ chức “Nhóm người An Nam yêu nước,”được Bác Hồ lúc đó là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc thành lập vào tháng 6/1919.
Trong 96 năm tồn tại và phát triển của Hội, trải qua nhiều tên gọi khác nhau, song các thế hệ kiều bào tại Pháp vẫn kế tiếp nhau duy trì và phát triển các phong trào yêu nước, các hoạt động hướng về quê hương, xác định con đường duy nhất, đó là đồng hành cùng đất nước, cùng dân tộc trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
http://www.vietnamplus.vn/du-am-cam-xuc-chien-thang-304-trong-long-kieu-bao-tai-phap/319569.vnp