1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Hòa giải dân tộc, mong lắm thay!

Đây chính là tâm sự của ông Nguyễn Phương Hùng – Tổng biên tập KBCHN - một tờ báo điện tử tiếng Việt ở Mỹ với tinh thần làm sáng tỏ sự thật, đặc biệt nêu cao sự chính nghĩa qua những chuyến tác nghiệp thường xuyên tại Việt Nam suốt gần bốn năm qua.

Hòa giải dân tộc, mong lắm thay!
Ông Nguyễn Phương Hùng tác nghiệp trong cuộc gặp mặt giữa Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan với Đoàn kiều bào dự Xuân Quê hương 2015 tại Hà Nội
Đâu là lý do khiến KBCHN (chữ viết tắt của Khu Bưu Chính Hải Ngoại) trở thành “Kênh Báo Chí Hải Ngoại” ngày nay, thưa ông?

Khu Bưu Chính là danh số của các đơn vị quân đội Việt Nam Cộng hòa ngày trước. Với khả năng công nghệ thông tin, trước đây, tôi đã lập trang mạng với tinh thần làm sống lại những hình ảnh cũ kỷ niệm một thời của chế độ cũ cùng những bài viết phân tích sự tiêu cực của người Việt hải ngoại. Thế nhưng, từ ngày về Việt Nam nhìn thấy những thay đổi của đất nước, tôi rất khâm phục những gì lãnh đạo Việt Nam đã làm được. Do đó, tôi quyết định chuyển hướng từ KBC (Việt Nam Cộng hòa) thành “Kênh Báo Chí Hải Ngoại”.

Những gì mắt thấy tai nghe sau ngày thống nhất đất nước đã khiến ông có sự chuyển hướng mạnh mẽ như vậy?

Sự thật về đất nước tôi nhìn thấy: Việt Nam đã thống nhất đất nước sau hai mươi năm chiến tranh chống Mỹ. Trước đó, là một nghìn năm đô hộ bởi giặc phương Bắc, một trăm năm giặc Pháp nên cả hai miền Nam, Bắc đều bị cày xới bởi bom đạn cùng việc giải quyết những hậu quả nặng nề sau chiến tranh. Song song với những khó khăn, Việt Nam lại bị đòn thù của người Mỹ bằng sự phong tỏa kinh tế và cấm vận. Việc cấm vận cũng đã là một trở ngại lớn cho sự phục hồi. Do đó, tôi đánh giá Việt Nam chỉ có khoảng 15 năm kể từ năm 2000 mới bắt đầu ổn định ngoại giao để tái kiến thiết và phát triển đất nước.

Từ nhận định này, tôi rất ngạc nhiên với những sự thay đổi quá lớn và nhanh so với thời gian qua ngắn ngủi. Đúng là một bước tiến vượt bậc ngoài sự tưởng tượng dù lạc quan đến đâu tôi cũng không nghĩ được như vậy nếu không mắt thấy tai nghe. Ngày nay, gạo xuất cảng đứng đầu thế giới, cà phê có thể sắp sửa lên hạng, cao su và hải sản xuất cảng đều có những dấu hiệu tốt… Chính Liên hợp quốc phải công nhận Việt Nam đã đạt được thành tích xóa đói giảm nghèo trước thời hạn ấn định.

Công việc làm báo tiếng Việt tại Mỹ hẳn có rất nhiều khó khăn và đâu là niềm vui của ông?

Làm báo ở hải ngoại nói chung và tại Mỹ nói riêng quả là một sự khó khăn, nhất là tại quận Cam nơi có cộng đồng người Việt tập trung đông đảo nhất tại hải ngoại. Với một thành phần khá đông vẫn thủ cựu, thoái hóa và kiên trì với một thể chế Việt Nam Cộng hòa đã chấm dứt thì quả là một sự khó khăn nếu không “viết” và “lách” theo thị hiếu lề phải. Do đó, tôi phải cân nhắc và đắn đo khi quyết định làm một cuộc “cách mạng” truyền thông trong một cộng đồng cực đoan. Bước đầu tiên tôi treo cùng lúc lá cờ Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và lá cờ Việt Nam Cộng hòa. Tôi gặp ngay phản ứng cực kỳ mãnh liệt của những người chống Cộng cực đoan và tên KBCHN bị loại ra khỏi các buổi sinh hoạt cộng đồng. Đồng thời, một số quan chức Việt Nam và một số độc giả KBCHN trong nước cũng không muốn là “cờ chết” (Việt Nam Cộng hòa) đứng chung với lá cờ hiện hữu. Tôi đã quyết định rút cả hai lá cờ, nhưng cờ Việt Nam luôn được xuất hiện trong các bản tin có liên quan đến trong nước.

Mặc dù vậy, tôi nghĩ mình đã làm được một điều khá vui là đẩy mạnh hòa giải dân tộc, mong đồng bào trong và ngoài nước sẽ quên quá khứ cùng nhau nắm tay và hướng về tương lai. Cứ nghĩ đến điều này tự nhiên thấy vui và thấy mình có trách nhiệm phải vun xới.

Những năm gần đây, tờ báo của ông liên tục tổ chức những chuyến đi thực tế về Việt Nam.

Trong vòng gần bốn năm qua, tôi về Việt Nam chín lần và đã “ăn” năm cái Tết tại Việt Nam. Tôi đã xin được thăm Trường Sa để biết sự thật Trường Sa còn hay mất và lời thỉnh cầu của tôi được chấp thuận với chuyến tàu Trường Sa cho kiều bào đầu tiên ra khơi vào tháng 4/2012. Sau đó tôi đi làm phóng sự cột mốc Móng Cái, Bản Giốc, Lai Châu, Lào Cai, Sa Pa, Điện Biên...

Lần này, tôi sẽ tổ chức chuyến đi từ ngày 8-11/5 cùng với một số anh em cựu chiến binh từng chiến đấu ở Hà Giang. Tôi muốn cùng các anh em tưởng niệm các liệt sĩ và đồng bào đã hy sinh trong trận đánh bảo vệ biên giới tại Hà Giang tại nghĩa trang Vị Xuyên và Thanh Thủy, lên cột cờ Lũng Cú, cao nguyên đá Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, Mèo Vạc... Một chuyến đi vừa có ý nghĩa tâm linh vừa mang tinh thần hòa giải dân tộc. Tôi luôn nghĩ đến tiền nhân và những người đã nằm xuống để cho chúng ta có được mảnh đất thân yêu ngày hôm nay.

Đâu là kỷ niệm đáng nhớ trong những chuyến về thăm quê hương của ông?

Tôi đã có 36 năm không về Việt Nam nên khi trở về, kỷ niệm nào cũng đáng nhớ. Đó là lời khấn xin âm dương cho đất được hòa giải dân tộc tại Đền Hùng được Quốc Tổ nhận ngay lần “gieo tiền” lần đầu. Một kỷ niệm đáng nhớ khác là hải trình mười ngày từ Cát Lái đi Song Tử Tây xuôi Nam ghé thăm năm, sáu đảo chìm nổi và nhà giàn DK-1 về lại Vũng Tàu.

Dù là chưa tới nhưng chuyện tương lai vẫn là con đường “hòa giải dân tộc”. Tôi chỉ mong tất cả đồng bào hải ngoại hãy trở về để chứng kiến những sự thật ở quê hương và trở lại nước ngoài không mang theo thù hận. Tôi hy vọng sẽ nhìn thấy điều này trước khi tôi trở về lòng đất Mẹ. Mong lắm thay!

Ông Nguyễn Phương Hùng từng gia nhập Quân lực Việt Nam Cộng hòa khởi sự từ quân trường Bộ binh Thủ Đức năm 1967 rồi tình nguyện vào các binh chủng Lực lượng đặc biệt, Nhảy dù và Biệt động quân. Sau khi giải ngũ, ông hoạt động trong cơ quan ngoại vi cho tình báo Mỹ FEC (Federal Electronics Corporation)...

Định cư tại California từ tháng 5/1975, từ tháng 2/2009 ông nghỉ hưu và dành mọi sinh hoạt vào website, diễn đàn điện tử và sinh hoạt cộng đồng. Ông cũng là cộng tác viên thường xuyên mục Sinh hoạt cộng đồng của tuần báo Việt Star và những bài viết phân tích thời sự trên tuần báo Việt Weekly. Những tin tức và bài viết cuả ông thường biểu lộ tính khách quan và tôn trọng sự thật.

Theo Hải Thanh (thực hiện)
Thế giới và Việt Nam