Động thái lạ của Nga gần cầu Crimea sau loạt cảnh báo tấn công
(Dân trí) - Nga được cho là đang tăng cường phòng thủ xung quanh cầu Crimea sau khi Ukraine cảnh báo sẽ tấn công công trình quan trọng này.
Kênh Telegram Crimean Wind ngày 27/9 đưa tin, các cấu trúc bằng kim loại đã được Nga đưa vào vị trí xung quanh cầu Crimea bằng sà lan và cần cẩu nổi trong tháng qua.
Một bức ảnh được đăng kèm với bài viết cho thấy một sà lan đang kéo vật thể giống như hàng rào bằng kim loại tới gần cầu Crimea.
Theo Kyiv Independent, đây có thể là công cụ được Nga sử dụng để bẫy các thiết bị không người lái dưới nước của Ukraine.
Thông tin trên được đưa ra một ngày sau khi người phát ngôn của Hải quân Ukraine Dmytro Pletenchuk cho biết lực lượng Nga đang xây dựng một cấu trúc mới gần cầu Crimea.
"Đó có thể là một công trình phòng thủ, có thể là một rào chắn khác, nhưng vẫn còn sớm để đưa ra kết luận", ông nói thêm.
Trước đó, Ukrainska Pravda dẫn thông tin từ tổ chức Trung tâm báo chí điều tra (Anh) cho biết, Nga đang lắp đặt hàng rào kim loại gần cầu Crimea để bảo vệ các trụ cầu bê tông khỏi các cuộc tấn công của xuồng tự sát và tàu lặn tự sát của Ukraine. Chiều dài của những hàng rào này ước tính khoảng 600m.
Ngoài ra, tổ chức trên cho hay Nga dường như đã triển khai các khối bê tông và các cấu trúc kim loại giống như răng rồng được hàn lại với nhau tại khu vực vùng biển gần cây cầu.
Nga đồng thời triển khai khoảng 10 trạm quan sát, súng máy và vị trí phòng không dọc theo bờ phía nam của cầu Crimea và chúng được phủ lưới ngụy trang.
Cuối tháng trước, trang tin Militarnyi dẫn các ảnh chụp vệ tinh cho thấy một kết cấu mới xuất hiện gần cầu Crimea. Các nhà thầu xây dựng được cho là bắt đầu đóng cọc thép cho công trình này từ đầu tháng 8.
Cầu Kerch hay cầu Crimea dài 19km, được xây dựng từ năm 2016 đến năm 2018 sau khi Nga sáp nhập bán đảo Crimea. Đây là tuyến đường bộ và đường sắt duy nhất nối bán đảo Crimea với đất liền Nga.
Kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra cách đây hơn 2 năm, cây cầu trở thành tuyến đường tiếp tế quan trọng cho lực lượng Moscow ở mặt trận phía nam. Đây cũng là lý do khiến cầu Crimea nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công của Ukraine nhằm cắt đứt tuyến đường tiếp tế huyết mạch của Moscow.
Cây cầu đã bị hư hại nặng nề do các cuộc tập kích của Ukraine vào tháng 10/2022 và tháng 7/2023, khiến Nga phải thực hiện các bước để bảo vệ công trình này chặt chẽ hơn.
Ukraine nhiều lần cảnh báo sẽ tấn công đánh sập cầu Crimea và tuyên bố đã lên kế hoạch cho mục tiêu này.
Giám đốc tình báo quân đội Ukraine Kyrylo Budanov từng tuyên bố một cuộc tấn công vào cây cầu bằng tên lửa ATACMS của Mỹ có thể phá hủy công trình này mãi mãi.
Bán đảo Crimea liên tục trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công bằng phương tiện không người lái và tên lửa của Ukraine kể từ khi Nga bắt đầu chiến dịch quân sự ở nước láng giềng. Thành phố cảng Sevastopol, nơi đóng quân của Hạm đội Biển Đen Nga ở Crimea, cũng bị tấn công bằng máy bay không người lái và xuồng cảm tử.
Phương Tây đến nay vẫn chưa sẵn sàng cho phép Ukraine sử dụng vũ khí viện trợ tầm xa để tấn công lãnh thổ Nga, song dường như ngầm "bật đèn xanh" cho các cuộc tập kích tầm xa vào bán đảo Crimea.