1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động thái gây chú ý của Nga sau khi hàng loạt tiêm kích bị bắn hạ

Thành Đạt

(Dân trí) - Lực lượng không quân Nga dường như đã giảm quy mô các chuyến bay sau khi Ukraine tuyên bố bắn hạ hàng loạt tiêm kích của Moscow.

Động thái gây chú ý của Nga sau khi hàng loạt tiêm kích bị bắn hạ - 1

Một máy bay ném bom Su-34 của Nga (Ảnh: Tass).

Các quan chức Ukraine cho biết lực lượng Kiev đã bắn hạ 15 máy bay chiến đấu và máy bay quân sự của Nga trong hai tuần, bao gồm Su-34 và Su-35.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW), một tổ chức tư vấn của Mỹ, cho biết "tổn thất không quân tương đối lớn của Nga dường như đang khiến hoạt động không quân của Nga ở miền Đông Ukraine giảm đáng kể".

Trung tướng Mykola O Meatchuk, chỉ huy lực lượng không quân Ukraine, xác nhận tất cả chuyến bay của Nga ở khu vực miền Đông đã bị tạm dừng sau vụ máy bay Su-34 của Nga bị bắn rơi mới nhất.

Đại tá Yuriy Ihnat, người phát ngôn của lực lượng không quân Ukraine, cho biết việc giảm số chuyến bay vẫn tiếp tục diễn ra vào cuối tuần qua.

Lực lượng không quân Nga trước đó đã tạm thời giảm số lần xuất kích máy bay ở Ukraine sau khi Kiev tuyên bố gây tổn thất cho máy bay chiến đấu của Nga.

Trong bản cập nhật tình hình chiến sự tháng 12, ISW cho biết Nga đang thu hẹp hoạt động không quân sau khi Ukraine tuyên bố bắn hạ 3 máy bay chiến đấu của Kiev.

ISW cho biết hiện chưa rõ đợt giảm hoạt động không quân mới nhất của Nga sẽ kéo dài bao lâu.

"Các lực lượng Nga dường như đã chấp nhận tỷ lệ tổn thất không quân ngày càng tăng trong những tuần gần đây để tiến hành các cuộc tấn công bằng bom lượn nhằm hỗ trợ các hoạt động tấn công đang diễn ra của Nga ở miền Đông Ukraine và trong tương lai, bộ chỉ huy Nga có thể quyết định chấp nhận rủi ro về tổn thất không quân để tiếp tục theo đuổi những bước tiến chiến thuật hơn nữa", ISW nhận định.

Bom lượn có hệ thống điều khiển cho phép máy bay tấn công thả chúng ở khoảng cách xa mục tiêu.

Các nhà phân tích tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế cho biết máy bay Nga dường như mang theo bom lượn nhiều hơn "để tạo khoảng cách xa hơn nhằm tránh tổn thất thêm". Tuy nhiên, đây cũng là lỗ hổng khiến Ukraine bắn hạ nhiều máy bay chiến đấu của Nga.

"Để những quả bom lượn có thể di chuyển đủ xa từ một khoảng cách nhất định đòi hỏi máy bay phải bay cao và tốc độ rất lớn", Justin Bronk, chuyên gia về Nga và tác chiến trên không tại Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI) nói. Điều này có nghĩa là máy bay Nga phải bay cao hơn, từ đó giúp Ukraine có thêm thời gian để phát hiện và nhắm mục tiêu vào chúng.

Ukraine đã sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau trong cuộc xung đột để ngăn chặn lực lượng không quân lớn hơn đáng kể của Nga giành được quyền kiểm soát toàn bộ bầu trời, bao gồm các hệ thống phòng không do các đồng minh phương Tây cung cấp và việc sử dụng hiệu quả phi đội máy bay chiến đấu của Kiev.

Tuy nhiên trên thực địa, lực lượng Ukraine đang phải đối mặt với tình trạng thiếu đạn dược nghiêm trọng khi đảng Cộng hòa tại Quốc hội Mỹ chặn khoản viện trợ trị giá 60 tỷ USD. Nga đang tìm cách lợi dụng tình hình bế tắc này bằng cách tăng cường các cuộc tấn công trên khắp mặt trận.

Theo Business Insider