1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

"Động thái của Trung Quốc đang thách thức chiến lược xoay trục của Mỹ"

(Dân trí) - Những động thái hung hăng và khiêu khích của Trung Quốc trên khu vực Biển Đông thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam được các chuyên gia nhận định là thách thức lớn, có thể khiến chiến lược “xoay trục” sang châu Á của Mỹ bị đe dọa.

Chỉ ít ngày sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama tới thăm một loạt đồng minh châu Á hồi tháng trước, để cam kết sẽ bảo vệ họ trước những động thái ngày càng hung hăng của Trung Quốc trong các tranh chấp lãnh thổ trên biển, Trung Quốc ngày 1/5 đã gây hấn trên Biển Đông, khi hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương-981 trên khu vực thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Động thái của Trung Quốc đang thách thức chiến lược xoay trục của Mỹ
Tàu Trung Quốc những ngày qua liên tục uy hiếp, tấn công các tàu thực thi công vụ trên vùng biển của Việt Nam

Nhiều đồng minh của Mỹ trong khu vực đang dõi theo tình hình và tự hỏi liệu người Mỹ đang ở đâu? Phải chăng chiến lược xoay trục sang châu Á mà Nhà Trắng công bố có thực sự được triển khai hay chỉ là những tuyên bố xáo rỗng?

Cho đến nay, Mỹ đã phản ứng với những tuyên bố cứng rắn hơn. Ngoại trưởng John Kerry hôm thứ Hai đã gọi điện cho người đồng cấp phía Trung Quốc, lên án quyết định hạ đặt giàn khoan Hải Dương-981 và điều các tàu quân sự, dân sự tới vùng biển của Việt Nam là “có tính khiêu khích”.

Nhưng theo một số chuyên gia châu Á, Washington vẫn đang đối mặt với một câu hỏi hóc búa cho dù đã lên tiếng về vụ việc, trong bối cảnh họ vẫn muốn tạo dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với các nước trong khu vực, nhưng lại e ngại sẽ khiến Trung Quốc giận dữ.

Các đồng minh dõi theo phản ứng của Washington

Đến nay, Mỹ vẫn không có hành động thực chất nào ngoài những tuyên bố có vẻ mạnh mẽ, một sự tương phản hoàn toàn so với những gì họ đã làm trong cuộc khủng hoảng tại Ukraine.

Mỹ vẫn từ chối đứng về một phía nào đó trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải, và thúc giục đối thoại. Washington cũng đã chủ động khước từ vai trò hòa giải.

Một số đồng minh châu Á của Mỹ trong khu vực đã tỏ ra thiếu kiên nhẫn trước cách tiếp cận dè dặt của Mỹ, đặc biệt sau khi Tổng thống Obama đã có chuyến công du 4 nước châu Á, khiến các đồng minh của họ thêm kỳ vọng về những nỗ lực mạnh mẽ hơn của Washington, để ngăn chặn Trung Quốc lấn át trong các tranh chấp chủ quyền lãnh hải.

“Chúng tôi đã hối thúc Mỹ thay đổi chính sách, và đứng về một bên trong các tranh chấp trong khu vực” một quan chức quân sự cấp cao của Philippines cho biết. “Tôi muốn thấy Mỹ hành động mạnh mẽ hơn, tương ứng với những gì Tổng thống Obama đã nói trong chuyến thăm gần đây tới Philippines”.

Abe Denmark, phó chủ tịch Cục nghiên cứu châu Á quốc gia của Mỹ cho biết, nếu căng thẳng còn kéo dài, các quốc gia châu Á khác như Philippines và Hàn Quốc, vốn cũng có tranh chấp lãnh hải với Trung Quốc, có thể trông chờ Mỹ can thiệp.

“Họ lo ngại về việc đảm bảo sự toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của mình, và họ xem Mỹ như quốc gia duy nhất có thể làm đối trọng với một Trung Quốc đang lên”, ông Denmark nói.

Trong khi đó Bắc Kinh xem cái gọi là “tái cân bằng” lực lượng sang châu Á của Washington là mối đe dọa tiềm tàng với mình, và mục tiêu của Mỹ là khuyến khích các quốc gia láng giềng nhỏ hơn của Trung Quốc đối đầu với nước này, Denmark nhận định.

Một trong những vị tướng hàng đầu của Trung Quốc, ông Phòng Phong Huy - Tổng tham mưu trưởng quân đội - đã cáo buộc Mỹ đang làm việc này ngay trong chuyến thăm Lầu Năm Góc hôm thứ Năm. Ông Phòng tuyên bố Mỹ “đã khuấy động một số vấn đề mà thực chất khiến Biển Đông và biển Hoa Đông không còn yên ả như trước”.

Khi lời nói chưa đi đôi với hành động

Bất kể dù lớn hay nhỏ, tất cả các quốc gia trong khu vực nhìn nhận chiến lược “tái cân bằng” trên cơ sở có lợi cho lợi ích của mình, Michael Auslin, một chuyên gia châu Á tại Viện doanh nghiệp Mỹ nhận định. “Mỗi quốc gia đều hiểu “tái cân bằng” theo một cách nào đó mà họ mong muốn”.

Mỹ cần có thái độ quyết đoán hơn với Trung Quốc
Mỹ cần có thái độ quyết đoán hơn với Trung Quốc

Việc chính quyền của Obama chỉ giới hạn những phản ứng ở tuyên bố trên giấy hay các cuộc điện đàm cho phép họ chứng tỏ mình không phải người giữ hòa bình thường trực cho khu vực, Auslin nói. Nhưng đồng thời, nó cũng khiến Trung Quốc có quá nhiều lí do để hành động nguy hiểm.

“Công việc của chúng ta không phải là điều Hạm đội 7 vào mỗi khi một quốc gia, bao gồm cả những nước có hiệp ước đồng minh, có một dạng bất đồng hoặc căng thẳng bùng phát với Trung Quốc. Mặt khác, những gì chúng ta đang thấy là một sự vi phạm liên tục và ngày một tăng đối với luật pháp và các chuẩn mực quốc tế”, Auslin khẳng định.

Auslin cho biết ông ủng hộ Mỹ đưa tàu tới xung quanh khu vực tranh chấp, bởi thực tế hiện các tàu này đã thường xuyên di chuyển trong vùng này.

Bonnie Glaser, một chuyên gia châu Á của Trung tâm chiến lược quốc tế cho rằng việc giữ cho tình hình không leo thang là quan trọng. “Các nước muốn thấy sự khác biệt được giải quyết một cách hòa bình thông qua đối thoại. Đó sẽ là một kết quả tốt cho Mỹ”.

Một số nhà quan khác thì cho rằng việc Mỹ có hành động cương quyết hơn là cần thiết.

“Mỹ cần chuẩn bị để đề nghị hỗ trợ Việt Nam thông qua sự hiện diện hải quân lớn hơn”, các chuyên gia Elizabeth Economy và Michael Levi của Hội đồng quan hệ đối ngoại, một tổ chức nghiên cứu danh tiếng tại Mỹ viết. “Điều đó sẽ cho Washington khả năng đánh giá năng lực của Trung Quốc và giúp hạ nhiệt tình hình”.

Một lựa chọn khác, theo các chuyên gia này, đó là hạn chế các hoạt động tại Mỹ của Tập đoàn dầu khí hải dương Trung Quốc (CNOOC), chủ sở hữu giàn khoan Hải Dương 981 đang được đặt trái phép trên vùng biển thuộc thềm lục địa của Việt Nam.

“Nếu Mỹ có thể hành động đi đôi với lời nói, những lời hứa của họ trong việc đảm bảo hòa bình và ổn định trong khu vực sẽ thực sự được ghi nhận”.

Thanh Tùng
Tổng hợp