1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Động thái bất thường của tàu chiến Nga ở quân cảng giữa lúc Syria thất thủ

Thành Đạt

(Dân trí) - Hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu chiến của Nga đã rời khỏi căn cứ ở Syria sau khi phe nổi dậy lật đổ chính quyền Tổng thống Bashar Assad.

Động thái bất thường của tàu chiến Nga ở quân cảng giữa lúc Syria thất thủ - 1
Động thái bất thường của tàu chiến Nga ở quân cảng giữa lúc Syria thất thủ - 2

Ảnh chụp ngày 1/12 cho thấy một số tàu chiến của Nga cập cảng Tartus, nhưng "biến mất" vào ngày 3/12 (Ảnh: Planet Labs).

Các bức ảnh vệ tinh do Planet Labs chụp vào đầu tháng này cho thấy, một số tàu chiến neo đậu tại cơ sở hải quân của Nga ở Tartus, một thành phố cảng trên biển Địa Trung Hải. Tuy nhiên, trong bức ảnh chụp vào ngày 9/12, tất cả tàu chiến này đều đã "biến mất".

Hiện không rõ liệu các tàu chiến của Nga có rời đi lâu dài hay không.

Một bức ảnh chụp ngày 1/12 cho thấy một số tàu chiến đã neo đậu tại Tartus, nhưng chỉ 2 ngày sau, các tàu này cũng không còn ở đó. Đến ngày 6/12, một số tàu chiến, bao gồm 2 tàu nổi và một tàu ngầm, đã quay trở lại. Nhưng 3 ngày sau, chúng lại "biến mất" một lần nữa.

Bộ Quốc phòng Nga chưa xác nhận bất kỳ thay đổi lớn nào về lực lượng ở Syria, nhưng cơ quan tình báo quân sự Ukraine hôm 9/12 cho biết Nga đã rút tàu chiến khỏi căn cứ Tartus và đang vận chuyển vũ khí bằng đường hàng không từ căn cứ Khmeimim gần đó.

Động thái bất thường của tàu chiến Nga ở quân cảng giữa lúc Syria thất thủ - 3
Động thái bất thường của tàu chiến Nga ở quân cảng giữa lúc Syria thất thủ - 4

Các tàu chiến Nga trở lại vào ngày 6/12 và rời đi vào ngày 9/12 (Ảnh: Planet Labs)

Các nguồn tin tình báo mở đã chỉ ra hoạt động hải quân bất thường, chia sẻ hình ảnh cho thấy tàu chiến Nga đang ở ngoài khơi bờ biển Syria.

Động thái bất thường này đặt ra câu hỏi về sự hiện diện quân sự của Nga tại Syria sau khi chính quyền Tổng thống Bashar Assad sụp đổ. 

Tartus là căn cứ hải quân chính của Nga ở nước ngoài và cung cấp cho Moscow quyền tiếp cận một cảng nước ấm. Trong khi đó, Nga sử dụng căn cứ Khmeimim gần đó để tiếp nhận lực lượng quân sự vào và ra khỏi Châu Phi. Nếu để mất cả 2 cơ sở này, đây sẽ là một đòn giáng mạnh vào quân đội Nga.

Viện Nghiên cứu Chiến tranh (ISW) có trụ sở tại Mỹ cho biết, căn cứ hải quân của Nga tại Tartus đã hỗ trợ hậu cần cho các hoạt động của Điện Kremlin trên lục địa châu Phi.

Các nhà phân tích tại ISW nhận định, trường hợp căn cứ này phải chấm dứt hoạt động, sẽ làm gián đoạn việc luân chuyển nhân sự, tiếp tế và khả năng của Nga trong việc triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, đặc biệt là ở Libya và châu Phi cận Sahara, nơi Moscow đang tìm cách duy trì ảnh hưởng của mình.

Trong trường hợp xấu nhất xảy ra, để bù đắp tổn thất, Điện Kremlin có thể tăng cường sự hiện diện ở Libya hoặc Sudan, nhưng việc thiếu các thỏa thuận chính thức với các quốc gia này và cơ sở hạ tầng yếu kém khiến các kế hoạch đó trở nên khó khăn.

"Nga đã sử dụng Syria làm bàn đạp để duy trì sự hiện diện ở châu Phi. Việc mất thành trì này sẽ có tác động mạnh mẽ đến các hoạt động của nước này ở Libya và khu vực Sahel", báo cáo của ISW nêu rõ.

Động thái bất thường của tàu chiến Nga ở quân cảng giữa lúc Syria thất thủ - 5

Vị trí các căn cứ quân sự của Nga ở Syria (Ảnh: BBC).

Moscow đã hỗ trợ chính quyền của Tổng thống Assad từ năm 2015, giúp các lực lượng chính phủ đánh bại một số nhóm nổi dậy. Nga cũng duy trì sự hiện diện quân sự đáng kể ở Syria và có các căn cứ ở Khmeimim và Tartus.

Tuy nhiên, các blogger chiến tranh nổi tiếng của Nga, trong đó có nhiều người có mối quan hệ mật thiết với Bộ Quốc phòng Nga, đã cảnh báo mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện nay ở Syria.

Theo đó, các cơ sở quân sự của Nga tại Syria đang đối mặt với nguy cơ bị đánh chiếm hoặc phong tỏa, đe dọa khả năng duy trì hiện diện của Moscow tại Trung Đông.

Các nhà phân tích cho rằng sự sụp đổ của chính phủ Syria do Tổng thống Bashar al-Assad lãnh đạo sẽ đặt ra thêm thách thức cho chiến lược của Nga.

Theo BI, Reuters