Đông Nam Á tăng cường đối phó vấn nạn ma túy
(Dân trí) - Các vụ bắt giữ ma túy đang gia tăng tại Đông Nam Á, buộc các chính phủ trong khu vực phải tính đến các biện pháp ứng phó kịp thời.
Ngày 27/10, cảnh sát tại tỉnh Bokeo, phía bắc Lào đã bắt giữ một xe tải chất đầy thùng bia của Công ty bia Lào, bên trong có chứa 55,6 triệu viên chất kích thích methamphetamine và hơn 1,5 tấn ma túy đá. Theo Liên Hợp Quốc, đây là vụ bắt giữ ma túy lớn nhất châu Á từ trước tới nay. Chỉ trước đó một tuần, cảnh sát Lào đã thu giữ 16 triệu viên chất gây nghiện amphetamine trong hai chiến dịch truy quét ở cùng một khu vực.
Lực lượng hành pháp tại Đông Nam Á đã quen với việc phá kỷ lục các vụ bắt giữ ma túy. Kể từ năm 2011 tới năm 2020, gần như năm nào các nhà chức trách trong khu vực cũng thu giữ lượng ma túy năm sau nhiều hơn năm trước.
Trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, Bắc Mỹ là khu vực duy nhất tập trung nhiều ma túy như Đông Á và Đông Nam Á, mặc dù số lượng ma túy chuyển qua châu Á có thể lớn hơn, Jeremy Douglas thuộc Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống Ma túy và Tội phạm (UNODC), cho biết. Số ma túy thu giữ được có lẽ chỉ chiếm một phần nhỏ so với con số thực tế.
Các phòng thí nghiệm ma túy đáp ứng nhu cầu tiêu thụ ở châu Á được tìm thấy tại bang Shan ở đông Myanmar. Thậm chí ngay trước cuộc đảo chính quân sự của Myanmar vào tháng 2, khu vực này đã là một trung tâm sản xuất ma túy lớn. Nhưng cuộc đảo chính khiến các nhà chức trách ngày càng xao lãng, khiến khu vực này càng trở thành nơi thu hút các băng đảng ma túy. Tại Lào, các vụ bắt giữ trong năm nay lại một lần nữa phá kỷ lục khi số ma túy được thu giữ tại Lào năm 2021 cao gấp 6 lần năm 2020.
Trong thập niên qua, giá ma túy đã giảm mạnh trong khu vực. Điều này cho thấy trong khi các băng đảng từng cố duy trì giá cả ở một mức nhất định, bây giờ chiến lược của chúng là phổ biến ma túy khắp khu vực và tăng doanh số bằng cách tăng số lượng sử dụng.
Theo số liệu của UNODC vào năm 2019, 0,61% người dân ở Đông Á và Đông Nam Á trong độ tuổi 15-64 sử dụng các chất giống như amphetamine, bao gồm cả ma túy, ít nhất một lần mỗi năm, so với mức trung bình toàn cầu là 0,54%. Con số này tương đương với khoảng 10 triệu người, biến khu vực này trở thành thị trường ma túy lớn nhất thế giới.
Theo Economist, cuộc chiến chống ma túy của các chính phủ Đông Nam Á chưa thực sự hiệu quả. Các nước thường phạt người sử dụng ma túy, nhốt họ lại hoặc đưa họ vào các trung tâm "điều trị bắt buộc", nơi biện pháp điều trị duy nhất là cai nghiện và lao động. Cách làm này "đơn giản là không hiệu quả" khi số người sử dụng ma túy gia tăng nhanh chóng, Ann Fordham thuộc Hiệp hội Chính sách Ma túy Quốc tế, một nhóm tư vấn có trụ sở tại London (Anh), cho biết.
Liên Hợp Quốc cho rằng, những người nghiện nên được đối xử như bệnh nhân thay vì bị coi là tội phạm. Nhiều chính phủ đang dần chấp nhận ý tưởng này.