1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đông Nam Á đẩy mạnh hải quân, nguy cơ xung đột trên Biển Đông gia tăng

(Dân trí) - Các quốc gia Đông Nam Á đang ưu tiên nâng cao năng lực hải quân trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang gia tăng. Tuy nhiên, khi năng lực hải quân của các nước càng mạnh, càng khó để kiềm chế khả năng nổ ra một cuộc xung đột trên các vùng biển tranh chấp.

Các nước Đông Nam Á tăng cường hải quân trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng. (Ảnh:

Các nước Đông Nam Á tăng cường hải quân trong bối cảnh Biển Đông đang dậy sóng. (Ảnh: AFP)

Chi tiêu quốc phòng của các nước Đông Nam Á trong năm nay ước tính đạt 42 tỷ USD, dự kiến sẽ chạm tới mức 52 tỷ USD trong năm 2020, theo báo cáo của tờ IHS Janes Defence.

Báo cáo trên cho hay, đến năm 2025, mức chi tiêu cho quân sự của 10 quốc gia Đông Nam Á dự kiến sẽ còn tăng lên tới mốc 58 tỷ USD, với một phần lớn dành cho quá trình hiện đại hóa hải quân.

Phần lớn các vũ khí, khí tài được bổ sung cho hải quân này sẽ được sử dụng gần, hay ngay trên Biển Đông, nơi Bắc Kinh đang ráo riết tiến hành các hoạt động xây đắp đảo trái phép, khiến các quốc gia Đông Nam Á và cả Mỹ phản đối mạnh mẽ. Trung Quốc đã tuyên bố yêu sách chủ quyền với phần lớn Biển Đông, nơi hơn 5.000 tỷ USD hàng hóa đi qua mỗi năm. 

“Nếu năng lực hải quân của các nước được mở rộng, có nghĩa là phạm vi và khả năng tấn công của quân đội các nước Đông Nam Á sẽ đều được gia tăng”, Giám đốc Viện nghiên cứu chiến lược châu Á Tim Huxley (IISSA) nhận định.

“Khi đó, nếu có một cuộc đối đầu xảy ra và tiếp tục leo thang,  có thể sẽ có một cuộc xung đột mang tính sát thương cao hơn”, ông Huxley nhận định.

Một dấu hiệu rõ ràng cho thấy quá trình tích lũy hải quân đang được các nước Đông Nam Á tiến hành mạnh mẽ đó là Triển lãm hàng hải IMDEX tại Singapore hồi tuần trước. Tại đây, bên cạnh các chỉ huy hải quân, còn có các quan chức phụ trách mua bán trang thiết bị cùng các nhà sản xuất vũ khí lớn đến từ Mỹ, châu Âu, Israel và các vùng của châu Á.

Mô hình của các loại tàu ngầm tối tân cùng các tàu chiến, tàu cảnh sát biển, tàu tấn công đổ bộ cùng nhiều máy bay trinh thám cũng như các thiết bị không người lái với các công nghệ ưu việt nhất trước trưng bày rộng rãi tại triển lãm IMDEX.

“Tôi không có thời gian rảnh. Một số sỹ quan bước vào gian hàng của chúng tôi và nghiên cứu kỹ càng các sản phẩm của chúng tôi”, giám đốc của một công ty vũ khí lớn tại châu Âu chia sẻ.

Nhu cầu lớn trong khi ngân sách quốc phòng eo hẹp

Bên cạnh nguyên nhân địa chính trị về Biển Đông, các quốc gia trong khu vực cũng lo ngại nạn cướp biển, buôn lậu hàng hóa và thậm chí là buôn người. Tuy nhiên, dù cần nhiều vũ khí, phương tiện cho hải quân, ngân sách của các nước Đông Nam Á nhìn chung vẫn khá eo hẹp và gặp nhiều khó khăn, trừ Singapore.

“Các sỹ quan quân sự được lệnh phải sửa chữa và tiếp tục sử dụng các loại vũ khí mà lẽ ra nên thay thế từ nhiều thập niên trước”, một nguồn tin quân sự khu vực cho biết bên thềm triển lãm IMDEX.

Một sỹ quan quân sự Indonesia cho hay chính phủ mới của Tổng thống Joko Widodo cũng đặt trọng tâm vào nâng cao năng lực hải quân, nhưng quá trình này cần thời gian.

Các nguồn tin chính phủ cho biết các nước Đông Nam Á đang cân nhắc mua các phương tiện, vũ khí giúp triển khai hải quân hiệu quả hơn tại các bờ biển.

Ngoài ra, các tàu ngầm cũng được xem là phương tiện thường được tính đến. Singapore, hiện có 4 tàu ngầm cũ, đã đặt mua thêm 2 chiếc từ công ty Hệ thống hàng hải ThyssenKrupp của Đức. Indonesia cũng vừa đặt mua 3 chiếc từ hãng đóng tàu Daewoo của Hàn Quốc.

Việt Nam mới đây đã nhận 3 tàu ngầm tấn công Kilo do Nga sản xuất và đang đặt hàng thêm. Giới chuyên gia quốc tế đánh giá đây là một động thái rõ ràng cho thấy quyết tâm của Hà Nội nhằm đối phó những động thái hung hăng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Nhà phân tích vũ khí của IHSS Janes Rukmani Gupta cho hay: "Việc phát triển lực lượng tàu ngầm cho thấy các lực lượng hải quân đang cẩn trọng cân nhắc khả năng triển khai sức mạnh hải quân".

Bên cạnh đó, các nước trong khu vực Đông Nam Á cũng rất quan tâm đến tàu đổ bộ tấn công, có khả năng chở xe tăng, trực thăng, binh lính, đồng thời tiến hành các công tác tìm kiếm và cứu hộ thảm họa.

“Những con tàu đa năng này phù hợp với nhiều sứ mệnh. Chúng rất lí tưởng đối với hải quân các nước Đông Nam Á bởi các quốc gia này ngân sách có hạn mà lại cần rất nhiều vũ khí, phương tiện.

Hiện Philippines đang mong đợi nhận được 10 tàu bảo vệ bờ biển đầu tiên do Nhật Bản chuyển giao vào cuối năm nay. Tolyo cũng sẽ cung cấp các tàu tuần tra cho hải quân Việt Nam.

Gần đây, các nước Đông Nam Á cũng dành nhiều sự quan tâm cho các chiến đấu cơ, trực thăng và các thiết bị không người  lái (UAV) nâng cao khả năng tuần tra cho hải quân.

Hồi đầu năm nay, tại một triển lãm của Malaysia, hãng máy bay Boeing đã quảng bá máy bay tuần tra hàng hải của hãng, với hệ thống radar và cảm biến tương tự như trên các phi cơ P-8 Poseidon nổi danh của Hải quân Mỹ nhưng còn thua kém ở khả năng chống ngầm.

“Khi các nước Đông Nam Á bổ sung năng lực hải quân, chuẩn bị cho một cuộc chiến trực diện, mọi xung đột trong khu vực sẽ leo thang nhanh hơn, quyết liệt hơn, có tính sát thương lớn hơn và do đó sẽ đe dọa hủy diệt nhiều hơn”, chuyên gia Huxley nhận định.

Thoa Phạm 
Theo IHS Janes Defence