1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Đồng minh Washington “tiến thoái lưỡng nan” trong cuộc chiến Mỹ-Trung về Huawei

(Dân trí) - Trong khi Mỹ gửi “tối hậu thư” cảnh báo những hậu quả nếu các đồng minh Australia, New Zealad hợp tác với tập đoàn Huawei Trung Quốc trong dự án xây dựng mạng 5G thì Trung Quốc được cho là sắp gia tăng áp lực kinh tế lên 2 quốc gia trên.

Đồng minh Washington “tiến thoái lưỡng nan” trong cuộc chiến Mỹ-Trung về Huawei - 1

Huawei là tập đoàn viễn thông lớn nhất Trung Quốc. (Ảnh: Reuters)

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ngày 21/2 đã đưa ra lời cảnh báo cứng rắn tới các đồng minh của Washington nếu họ sử dụng thiết bị của tập đoàn viễn thông hàng đầu Trung Quốc, Huawei trong các dự án mạng 5G. Theo đó, Mỹ sẽ không hợp tác, ngừng chia sẻ dữ liệu và tài nguyên với các nước trên nếu Washington nhận ra mối đe dọa khi các đồng minh dùng thiết bị Huawei.

Theo Nikkei Asian Review, Trung Quốc dường như đang gia tăng áp lực lên New Zealand và Australia nhằm lôi kéo họ khỏi chiến dịch "tẩy chay" Huawei khỏi dự án mạng 5G trên toàn cầu. Động thái này đẩy 2 quốc gia ở Thái Bình Dương vào thế khó khi phải lựa chọn giữa đồng minh an ninh lâu năm và đối tác thương mại lớn nhất.

Ngày 21/2, truyền thông đưa tin, Trung Quốc đã chặn than của Australia chuyển tới các cảng ở phía đông bắc, như Đại Liên. Cả hai phía đều cố gắng xoa dịu tình hình. Trong khi, Australia cho biết chưa thể đưa ra kết luận về động thái của Bắc Kinh, thì Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết họ đang siết chặt khâu kiểm duyệt về môi trường và an toàn.

Là một thành viên trong liên minh tình báo “Ngũ Nhãn”, Australia là một trong những quốc gia đầu tiên ủng hộ Mỹ trong chiến dịch chống lại Huawei và cấm hãng này tham gia vào dự án mạng 5G. Tuy nhiên, Trung Quốc lại là đối tác thương mại lớn nhất của Canberra với các mặt hàng tài nguyên thiên nhiên như than và quặng sát.

New Zealand cũng là thành viên của “Ngũ Nhãn” và cũng xếp Trung Quốc vào nhóm đối tác kinh doanh hàng đầu. Wellington cũng đã tuyên bố sẽ không sử dụng thiết bị Huawei trong dự án 5G hồi tháng 11 năm ngoái. Hiện thời, các kiện hàng cá hồi xuất khẩu của nước này đang đối mặt với tình trạng không thể chuyển vào Trung Quốc từ cuối tháng 1.

“Chúng tôi gần đây đã đối diện với các vấn đề thủ tục hành chính liên quan tới mặt hàng cá hồi xuất sang Trung Quốc”, ông Andre Gargiulo, giám đốc khách hàng tại công ty xuất khẩu hải sản Sanford nói ngày 15/2.

Trong khi Australia và New Zealand chia sẻ mối quan ngại với các rủi an ninh về thiết bị Huawei, sự liên quan về mặt thương mại của 2 quốc gia này khiến họ rơi vào thế khó. Trong quá khứ, Trung Quốc được cho là thường dùng thương mại để gây áp lực trong đàm phán.

Giới chuyên gia Australia cho rằng việc Trung Quốc tạm dừng nhập than của Canberra có liên quan tới Huawei.

Ngay cả nội bộ liên minh “Ngũ Nhãn” dường như đang có những quan điểm khác nhau về Huawei. Trong khi tình báo Anh nói rằng những rủi ro an ninh liên quan tới thiết bị Huawei có thể kiểm soát được, thì Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern nói rằng họ vẫn đang cân nhắc những quyết định liên quan tới việc sử dụng thiết bị của tập đoàn Trung Quốc.

Đức Hoàng

Theo Nikkei Asian Review