1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đồng minh ông Trump phản đối "lật kèo" bầu cử

Thành Đạt

(Dân trí) - Thượng nghị sĩ Tom Cotton, một đồng minh của Tổng thống Donald Trump, từ chối tham gia nỗ lực lật ngược kết quả bầu cử năm nay.

Đồng minh ông Trump phản đối lật kèo bầu cử - 1

Tổng thống Donald Trump và thượng nghị sĩ Tom Cotton. (Ảnh: Getty)

Trong tuyên bố phát đi ngày 3/1, Tom Cotton, thượng nghị sĩ Cộng hòa tại bang Arkansas, cho biết ông sẽ không tham gia vào kế hoạch của các đồng nghiệp nhằm thách thức chiến thắng của tổng thống đắc cử Joe Biden, khi quốc hội Mỹ họp lưỡng viện vào ngày 6/1 để kiểm phiếu và chính thức xác nhận kết quả, công bố tổng thống đắc cử.

Ông Cotton cảnh báo những nỗ lực do các thượng nghị sĩ Cộng hòa gồm Josh Hawley và Ted Cruz dẫn đầu nhằm phản đối kết quả bầu cử tại các bang chiến địa, nơi bỏ phiếu cho ứng viên đảng Dân chủ Joe Biden, có thể "tạo thành những tiền lệ không khôn ngoan".

Ngày 2/1, 11 thượng nghị sĩ và thượng nghị sĩ đắc cử do ông Ted Cruz dẫn đầu cho biết họ có kế hoạch thách thức kết quả bỏ phiếu đại cử tri đoàn và đề nghị một ủy ban bầu cử tiền hành "thanh tra khẩn cấp trong 10 ngày" kết quả bầu cử ở những bang gây tranh cãi.

Trước đó, ngày 30/12, ông Josh Hawley trở thành thượng nghị sĩ đầu tiên tuyên bố tham gia kế hoạch lật ngược chiến thắng của ông Biden. Sau quyết định của ông Hawley, hàng loạt thượng nghị sĩ đã công khai cam kết thách thức kết quả bầu cử.

Theo thượng nghị sĩ Cotton, một đồng minh ủng hộ Tổng thống Trump, những nỗ lực nhằm đảo ngược phiếu bầu của đại cử tri đoàn sẽ vượt quá thẩm quyền của quốc hội theo hiến pháp Mỹ.

"Động thái này sẽ đặt dấu chấm hết cho các cuộc bầu cử tổng thống và giao quyền lực cho bất kỳ đảng nào kiểm soát quốc hội", ông Cotton cảnh báo.

Mặc dù Tom Cotton nói rằng ông lo ngại về cách thức tổ chức cuộc bầu cử tổng thống năm 2020, trong đó có những thay đổi về luật bầu cử như cho phép phiếu bầu qua thư được kiểm đếm sau ngày bầu cử 3/11, song ông vẫn cho rằng việc thực thi luật bầu cử là do các bang và các tòa án, chứ không phải quốc hội, tiến hành.

"Các nhà sáng lập đã giao quyền bầu cử cho các bang, chứ không phải quốc hội. Họ giao quyền bầu chọn tổng thống cho người dân, thông qua đại cử tri đoàn, chứ không phải quốc hội. Họ cũng giao quyền giải quyết các tranh chấp bầu cử cho tòa án, chứ không phải quốc hội", ông Cotton nói thêm.

Theo thượng nghị sĩ Cotton, hiến pháp và luật liên bang Mỹ quy định rằng thẩm quyền của quốc hội chỉ giới hạn ở việc xác nhận phiếu đại cử tri do các bang trình lên.

Ông Cotton cảnh báo nếu quốc hội phản đối phiếu bầu của đại cử tri tại các bang chiến địa, nơi Tổng thống Trump cáo buộc có gian lận bầu cử song không đưa ra bằng chứng, điều đó sẽ tước đi quyền được lựa chọn tổng thống của người dân Mỹ.

Thượng nghị sĩ Cotton nói rằng ông thất vọng với kết quả bầu cử năm nay và đánh giá cao những gì Tổng thống Trump đã đạt được trong 4 năm tại nhiệm. Tuy nhiên, ông Cotton cũng cho rằng "việc phản đối phiếu bầu của các đại cử tri cũng không thể trao cho Tổng thống Trump thêm nhiệm kỳ thứ 2, mà chỉ càng khuyến khích đảng Dân chủ tiếp tục làm xói mòn hệ thống chính phủ hợp hiến của chúng ta".

Trước đó, lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mitch McConnell và nhân vật quyền lực số hai của đảng Cộng hòa ở Thượng viện John Thune cũng cảnh báo các nghị sĩ Cộng hòa rằng việc phản đối phiếu bầu của đại cử tri sẽ là sai lầm về chính trị. Lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Chuck Schumer ngày 2/1 cũng khẳng định "ông Biden và bà Kamala Harris sẽ là tổng thống và phó tổng thống Mỹ trong 18 ngày nữa".

Lật ngược kết quả bầu cử tại phiên họp quốc hội ngày 6/1 được coi là nỗ lực cuối cùng của Tổng thống Trump và các đồng minh nhằm vô hiệu hóa chiến thắng của ông Biden. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng, nỗ lực này khó thành công và chỉ có thể làm trì hoãn việc xác nhận tổng thống đắc cử thêm vài giờ.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm