1. Dòng sự kiện:
  2. Căng thẳng Campuchia - Thái Lan
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đồng minh lâu năm nêu khả năng rút khỏi liên minh do Nga dẫn đầu

Đức Hoàng

(Dân trí) - Armenia, quốc gia Liên Xô cũ và là đồng minh lâu năm của Nga, có khả năng sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Moscow dẫn đầu.

Đồng minh lâu năm nêu khả năng rút khỏi liên minh do Nga dẫn đầu - 1

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (Ảnh: Sputnik).

Thủ tướng Nikol Pashinyan cho biết, Armenia có thể sẽ rời khỏi CSTO trong thời gian tới.

Nga và Armenia là 2 trong số các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ sáng lập CSTO vào năm 1992; các thành viên khác bao gồm Belarus, Kazakhstan, Kyrgyzstan và Tajikistan.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Yerevan và khối đã trở nên xấu đi trong năm qua, khi Armenia cho rằng CSTO không ngăn cản nước láng giềng Azerbaijan giành lại quyền kiểm soát vùng Karabakh thông qua biện pháp quân sự.

Tháng 9/2023, Azerbaijan đã giành lại được quyền kiểm soát vùng đất mà cộng đồng quốc tế công nhận là lãnh thổ của họ. Tới tháng 2/2024, ông Pashinyan nói Armenia tạm dừng việc tham gia CSTO, cho rằng "trong trường hợp của Yerevan, hiệp ước đã không được áp dụng".

Nga lập luận rằng CSTO không thể coi chiến dịch quân sự của Azerbaijan tại khu vực này là hành động tấn công nhằm vào một thành viên của liên minh, bởi vì Armenia chưa bao giờ chính thức công nhận Karabakh là lãnh thổ của mình.

Trong cuộc họp báo ngày 16/7, ông Pashinyan phát biểu rằng: “Liên quan đến việc rời hay không rời CSTO, tôi cho rằng khả năng Armenia rút khỏi CSTO là cao hơn so với khả năng chúng tôi sẽ tái gia nhập hoạt động".

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov trước đó cho biết việc gia nhập liên minh là “quyết định có chủ quyền” của Yerevan.

“Tư cách thành viên CSTO mang lại những lợi ích nhất định cho Armenia... CSTO là một tổ chức đã nhiều lần chứng minh hiệu quả của mình”, ông nói.

Năm ngoái, ông Pashinyan tuyên bố đã tạm đình chỉ sự tham gia của mình vào Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) "ở mọi cấp độ", nhưng nhấn mạnh quyết định trên có thể thay đổi.

Mặt khác, quan hệ giữa Nga và đồng minh truyền thống Armenia cũng trở nên căng thẳng trong thời gian qua.

Armenia cho biết họ nhiều lần bị Moscow làm thất vọng và muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. Tuy nhiên, Armenia từng nhấn mạnh họ không có kế hoạch gia nhập NATO. 

Thêm vào đó, ông Pashinyan cũng tái khẳng định rằng “Armenia muốn trở thành thành viên của EU”, điều này phù hợp với một đạo luật được thông qua hồi đầu năm nay thể hiện mong muốn đó.

Tuy nhiên, ông thừa nhận đây sẽ là “một quá trình phức tạp” vì Armenia cần đáp ứng các tiêu chuẩn nhất định và phải được tất cả các nước thành viên EU phê chuẩn.

Theo RT