1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đồng minh lâu năm của Nga cân nhắc xin gia nhập EU

Đức Hoàng

(Dân trí) - Quốc gia Liên Xô cũ Armenia, đồng minh lâu năm của Nga, thông qua dự luật nhằm khởi động trưng cầu dân ý để nước này xin gia nhập EU.

Đồng minh lâu năm của Nga cân nhắc xin gia nhập EU - 1

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan (Ảnh: AFP).

Chính phủ Armenia đã thông qua một dự luật nhằm khởi động một cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU), truyền thông địa phương đưa tin hôm 9/1.

Dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Nikol Pashinyan, Armenia đã có xu hướng xích lại gần phương Tây.

Phương Tây cam kết hỗ trợ an ninh cho quốc gia vốn là đồng minh lâu năm của Nga.

Yerevan đã phát tín hiệu trong nhiều tháng rằng họ có thể chính thức nộp đơn xin gia nhập EU trong tương lai gần. Vào tháng 9 năm ngoái, một bản kiến nghị nhằm khởi động cuộc trưng cầu dân ý về việc gia nhập EU đã được phát động và nhận được 60.000 chữ ký từ cử tri Armenia vào cuối tháng 10. Ủy ban Bầu cử Trung ương đã công nhận tính khả thi của sáng kiến này vào tháng 12/2024.

Thủ tướng Pashinyan cho biết hôm 9/1 rằng Yerevan sẽ thảo luận với Brussels về một lộ trình gia nhập EU trước khi tổ chức cuộc bỏ phiếu toàn quốc.

Trong quá khứ, các ứng viên EU thành công thường phải trải qua các cải cách kinh tế và chính trị sâu rộng trước khi được cấp quy chế ứng cử viên. Armenia và EU đã hợp tác trong khuôn khổ Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Nâng cao (CEPA), có hiệu lực từ năm 2021.

Bình luận về động thái của Yerevan, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết: "Mong muốn gia nhập Liên minh châu Âu của Armenia là quyền chủ quyền của quốc gia này. Tuy nhiên, chúng tôi chắc chắn rằng tư cách thành viên của Armenia trong EAEU (Liên minh kinh tế Á - Âu) đang mang lại cho họ rất nhiều lợi ích", ông Peskov cho biết.

Người phát ngôn nhấn mạnh rằng tư cách thành viên trong EAEU không chỉ mang lại lợi ích cho chính phủ Armenia mà còn cho người dân nước này vì tốc độ tăng trưởng kinh tế của Armenia do tham gia vào hiệp hội này đang tăng.

Mặt khác, ông Peskov cho rằng, Armenia khó có thể là thành viên của cả Liên minh châu Âu và Liên minh kinh tế Á - Âu.

"Về mặt lý thuyết, Armenia khó có thể là thành viên của hai tổ chức riêng biệt. Ở đây (EAEU), có một quy chuẩn hải quan cụ thể, một khu vực tự do lưu thông hàng hóa và dịch vụ, con người và tiền bạc, trong khi ở đó, các tiêu chuẩn lại khác nhau", quan chức Điện Kremlin cho biết.

Quan hệ giữa Nga và đồng minh truyền thống Armenia trở nên căng thẳng trong những năm qua.

Armenia tỏ ra không hài lòng với Nga vì cho rằng Moscow chưa có các động thái đủ mạnh mẽ hỗ trợ đồng minh thuộc Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) trong cuộc xung đột với Azerbaijan ở Karabakh. Đây là khu vực được cộng đồng quốc tế công nhận là thuộc về Azerbaijan nhưng từng có phần lớn người dân là người gốc Armenia sinh sống.

Armenia cho biết họ nhiều lần bị Moscow làm thất vọng và muốn xây dựng quan hệ gần gũi hơn với phương Tây. 

Moscow từng cảnh báo người dân Armenia không nên tin tưởng vào các ý định của phương Tây, cho rằng Mỹ và các đồng minh không đặt lợi ích của Armenia lên hàng đầu.

Năm ngoái, Armenia thông báo đóng băng tư cách thành viên CSTO, liên minh quân sự do Moscow dẫn đầu.

Theo RT, Tass