Tuyên bố của ông chủ Lầu Năm Góc cùng các động thái quân sự gần đây của cả Mỹ, NATO và Nga làm dấy lên nhiều quan ngại.
Phát biểu tại thủ đô Berlin (Đức), Bộ trưởng Carter tuyên bố thẳng thừng rằng, nỗ lực của Washington trong việc bố trí thiết bị quân sự hạng nặng ở Đông Âu là một động thái quan trọng nhằm hỗ trợ ngăn chặn bất kỳ mối đe dọa nào từ Nga. Bộ trưởng Carter cũng tuyên bố Mỹ sẽ đóng góp vũ khí, máy bay và nhân lực, trong đó có các biệt kích, cho lực lượng phản ứng nhanh của NATO nhằm giúp châu Âu đối phó với các mối đe dọa an ninh từ phía Đông và các phần tử cực đoan bạo lực từ phía Nam.
Mỹ từng cam kết sẽ hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm trên, song NATO vẫn đang lắng nghe cụ thể Mỹ sẽ sẵn sàng đóng góp những gì. Tuy nhiên, theo các quan chức Mỹ, hiện vẫn chưa có các quyết định cuối cùng về số lượng quân Mỹ có thể tham gia cũng như lực lượng này đến từ đâu.
Các quan chức tiết lộ có thể nhiều trong số các binh sĩ này sẽ được lấy từ lực lượng đã đồn trú ở châu Âu. Ngoài ra, trong chuyến công du này, người ta trông đợi khả năng ông chủ Lầu Năm Góc sẽ công bố thêm nhiều chi tiết về kế hoạch tái triển khai khí tài quân sự hạng nặng tới khu vực.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ A. Carter tới thăm lực lượng phản ứng nhanh của NATO triển khai tại Đức ngày 22-6. (Ảnh: AP)
Có thể nói, chuyến công du của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Carter diễn ra vào đúng thời điểm NATO đang triển khai những hành động quân sự mạnh mẽ nhất trong nhiều thập kỷ qua tại châu Âu.
Trong số các động thái quân sự của NATO diễn ra gần đây phải kể tới một loạt các cuộc tập trận quân sự cùng các hoạt động huấn luyện và diễn tập với cường độ cao ở khu vực, đặc biệt là việc NATO thành lập lực lượng phản ứng nhanh.
Phát biểu trước thềm Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng NATO (diễn ra từ 24 đến 25-6), Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg ngày 22-6 cho biết, trong tuần này, NATO sẽ thông qua các kế hoạch tăng gấp đôi quy mô của lực lượng phản ứng nhanh hiện có lên 30.000 đến 40.000 binh sĩ.
Ông Stoltenbergtiết lộ thêm, các binh lính này sẽ được điều đến 6 khu chỉ huy tại Bulgaria, Estonia, Latvia, Litva, Ba Lan và Rumani, cũng như bao gồm đầy đủ đơn vị quân đội từ lực lượng đặc nhiệm, đội phản ứng nhanh, lính bộ binh, lính thủy đánh bộ và lính hải quân.
Trong một diễn biến đáng chú ý cho thấy, Nga và NATO đang trong tình trạng đối đầu quân sự, Bộ trưởng Quốc phòng Litva cho biết, trong thời gian từ 16 đến 21-6, các máy bay chiến đấu của NATO đặt tại căn cứ không quân Zokniai của Litva đã phải xuất kích 10 lần để giám sát các máy bay quân sự của Nga, mặc dù các máy bay này không hề xâm phạm không phận Litva.
Trước các hành động tăng cường triển khai binh sĩ và khí tài quân sự tới châu Âu của Mỹ và NATO nhằm gia tăng sức ép lên Nga, Mátxcơva đã cáo buộc các hành động này là bước đi nguy hiểm, gây mất ổn định ở khu vực. Đáp lại các động thái quân sự của đối phương, Nga cũng đe dọa sẽ tăng cường kho vũ khí hạt nhân.
Tổng thống Nga V.Putin vừa thông báo Nga chuẩn bị bổ sung 40 tên lửa liên lục địa mới cho kho vũ khí hạt nhân của nước này trong năm 2015. Ông Putin cho biết việc này ngay trước khi NATO tiết lộ kế hoạch bất ngờ tăng quân số cho lực lượng phản ứng nhanh nói trên.
Theo trang mạng Sputnik, động thái này là một phần trong chương trình hiện đại hóa quân sự mở rộng của Nga, nhằm đáp trả lại việc Mỹ đề xuất gia tăng sự hiện diện của các đồng minh NATO tại vùng Đông Âu, trong đó có các quốc gia vùng Baltic.
Đặc biệt, Nga cũng có các động thái “điều binh khiển tướng” nhằm "trả lễ" Mỹ và NATO. Ngày 23-6, Quân khu miền Tây của Nga thông báo Nga sẽ triển khai các máy bay chiến đấu đa năng mới nhất ở miền Tây. Các máy bay này sẽ làm nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ vùng trời phía Tây và Tây Bắc của Nga.
Trong khi đó, các máy bay chiến đấu thuộc Hạm đội Thái Bình Dương của Nga tại căn cứ Yelizovo thuộc Quân khu miền Đông, ngày 22-6 đã diễn tập tác chiến trong khuôn khổ một đợt kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Tuần trước, Hạm đội Thái Bình Dương của Nga đã tiến hành một đợt kiểm tra khả năng sẵn sàng chiến đấu, với sự tham gia của 14.000 binh sĩ, 50 tàu và tàu chiến, cùng 40 máy bay và trực thăng. Bộ Quốc phòng Nga thông báo trong dịp này, Hải quân Nga cũng sẽ tiến hành tập trận trên Biển Nhật Bản, Biển Okhotsk và Vịnh Avacha.
Nói về khả năng xảy ra chiến tranh giữa Mỹ, NATO và Nga vào lúc này là quá sớm, nhưng người ta có thể cảm nhận rõ rệt thấy bầu không khí “nóng bỏng” cùng mối quan ngại gia tăng của các nước khu vực.
Trong một động thái chưa từng có tiền lệ, ngày 22-6, Tổng thống Ba Lan Bronislaw Komorowski đã bổ nhiệm Trung tướng Marek Tomaszycki làm Tư lệnh các lực lượng vũ trang của nước này trong trường hợp xảy ra chiến tranh. Tổng thống Ba Lan cho biết, việc bổ nhiệm này là một bước đi mang tính phòng ngừa trước những mối đe dọa đang gia tăng và sự bất ổn trong khu vực.
Theo Xuân Phong
Quân đội Nhân dân