1. Dòng sự kiện:
  2. Chính quyền Trump 2.0
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Tổng thống Hàn Quốc bị bắt

Donald Trump đang làm gia tăng vị thế Mỹ

Các phát ngôn và hành động gây tranh cãi của ông Trump liệu có phải là “chiến lược” của Tổng thống Mỹ để củng cố vị thế nước Mỹ?

Mỗi một vấn đề đều nên được nhìn nhận ở cả hai mặt nhưng dường như chính sách đối ngoại của Tổng thống Mỹ Donald Trump chịu nhiều chỉ trích hơn là được công nhận.

Bằng việc đánh giá quyền lực của Mỹ hiện nay và nhìn nhận vào sự tập trung của ông Trump với vấn đề an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ thực sự đang đạt được sự cải thiện nhất định trong các vấn đề kế thừa từ những người tiền nhiệm.


Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP

"Nước Mỹ trên hết” hóa ra không chỉ là một khẩu hiệu của ông Trump mà còn là một lộ trình định hình quan hệ của Mỹ với đồng minh và kẻ thù.

Lấy Trung Quốc làm minh chứng, dù truyền thông cáo buộc rằng Tổng thống Trump sẽ gây nên suy thoái kinh tế toàn cầu khi đánh thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nhưng những bài báo gần đây của Trung Quốc đều nhận định rằng Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đang đối mặt với sự chỉ trích gia tăng về cách giải quyết vấn đề với ông Trump.

Một số chuyên gia nhận định với tờ The New York Times và CNBC rằng các nhà lãnh đạo Trung Quốc nên linh động hơn trước các sức ép từ phía ông Trump để tạo nên một hệ thống thương mại công bằng hơn.

Thổ Nhĩ Kỳ cũng dường như đang làm “phép thử" ông Trump khi bắt giữ một mục sư người Mỹ là Andrew Brunson và từ chối thả người này. Thay vì nhượng bộ hoặc trả tiền chuộc, chính quyền ông Trump áp lệnh trừng phạt lên hai thành viên nội các Thổ Nhĩ Kỳ cũng như tăng gấp đôi thuế quan lên mặt hàng thép và nhôm, gây ra một cuộc khủng hoảng trong thị trường tiền tệ tại quốc gia này. Đồng lira của Thổ Nhĩ Kỳ giảm 13% so với đồng USD và mức lạm phát hiện ở mức 85%.

Đối với vấn đề Iran, Tổng thống Trump không chỉ rút khỏi Thỏa thuận Hạt nhân Iran 2015 mà còn tái áp đặt một loạt các lệnh trừng phạt lên chính phủ và một số ngành nhất định làm tăng sức ép về kinh tế lên quốc gia này.

Ông Trump đăng tải trên Twitter về các lệnh trừng phạt đối với Iran vốn đã được cựu Tổng thống Barack Obama dỡ bỏ và đây mới chỉ là bước đầu bởi một vòng trừng phạt lớn hơn sẽ bắt đầu vào tháng 11/2018. “Bất cứ ai làm ăn với Iran sẽ KHÔNG làm ăn với Mỹ. Tôi chỉ yêu cầu HÒA BÌNH THẾ GIỚI, không gì khác”, Tổng thống Trump tuyên bố.

Khẳng định này của ông Trump được xem như một lời đề nghị của Tổng thống Mỹ với các nhà lãnh đạo Iran về một thỏa thuận hạt nhân mới. Tính đến nay, phía Iran đã gửi đi những dấu hiệu khác nhau nhưng một số nhà quan sát tin rằng sức ép từ các lệnh trừng phạt của Mỹ có thể buộc Iran phải ngồi vào bàn đàm phán. Theo tạp chí The Atlantic, cách tiếp cận của ông Trump với Iran cũng tương tự như với Triều Tiên khi "đe dọa trước, gặp thượng đỉnh sau".

Bên cạnh đó, một số công ty châu Âu có quan hệ làm ăn với Iran sau khi thỏa thuận hạt nhân 2015 được ký kết cũng đang dần rút khỏi quốc gia này bởi họ e ngại sẽ bị cho vào "danh sách đen" của Bộ Tài chính Mỹ.

Vấn đề ngân sách NATO là một minh chứng tiêu biểu cho việc các hành động cứng rắn của ông Trump đã thu được kết quả.

Có một sự thật là chỉ có một vài trong số 28 thành viên NATO đáp ứng được mục tiêu đã cam kết là sẽ dành 2% GDP cho ngân sách quốc phòng của khối dưới thời Tổng thống Obama. Châu Âu yêu quý ông Obama nhưng lại lờ đi yêu cầu nghiêm túc của ông.

Tuy nhiên, đến thời ông Trump, thay vì tìm kiếm sự yêu quý hay ủng hộ, ông đòi hỏi phải được đáp ứng về vấn đề tiền bạc. Tổng thống Mỹ chỉ trích gay gắt việc NATO được ký kết để bảo vệ châu Âu nhưng thật không công bằng khi Mỹ phải trả phần lớn chi phí. Hầu hết truyền thông đều tập trung vào các phát ngôn gây chia rẽ trong liên minh của ông Trump khi chỉ trích EU đã dành hàng tỷ USD để mua năng lượng từ Nga mà bỏ qua sự thật rằng những lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ đang thu được kết quả thực tế.

Liên minh Châu Âu hiện đã đồng ý mua nhiều năng lượng hơn từ Mỹ và Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg tin rằng Tổng thống Mỹ đã truyền đi một "thông điệp rõ ràng" rằng các thành viên cần đẩy nhanh việc tăng ngân sách quốc phòng. Ông nhận định những nỗ lực của ông Trump sẽ làm tăng ngân sách quốc phòng năm 2018 dù không xác nhận cụ thể về con số 33 tỷ USD mà Tổng thống Mỹ đưa ra.

Tuy tại Mỹ, phong cách lãnh đạo của ông Trump không được lòng nhiều người nhưng một số nhà lãnh đạo nước ngoài đánh giá cao sự rõ ràng trong cách làm việc của ông. Một đại sứ giấu danh tính của EU nhận định với tờ The Sun rằng đàm phán với ông Trump dễ dàng hơn với Thủ tướng Anh Theresa May bởi Tổng thống Mỹ luôn tập trung thảo luận vào những điều ông muốn. Trong khi đó, vị này cho rằng sự không rõ ràng và thiếu quyết đoán của bà May khiến tiến trình đàm phán Brexit trở nên tồi tệ hơn.

Bên cạnh đó, các mối quan hệ giữa Mỹ và Mexico cũng đang được cải thiện. Tổng thống Mexico mới đắc cử Andrés Manuel López Obrador đã gửi lời cảm ơn về "thái độ tôn trọng" của Tổng thống Mỹ và khẳng định ông muốn đạt được sự thấu hiểu đôi bên về NAFTA và các vấn đề khác. "Chúng tôi nhận thức được sự cần thiết trong việc duy trì quan hệ tốt đẹp với Mỹ", ông López Obrador cho biết.

Ngoài ra, việc ông Trump nhanh chóng đính chính sự cố lỡ lời ở Hội nghị Thượng đỉnh Helsinki về việc Nga can thiệp bầu cử Tổng thống Mỹ cũng như áp đặt các lệnh trừng phạt lên Nga vào tuần trước khi cáo buộc Nga sử dụng chất độc thần kinh với cựu điệp viên hai mang Skripal và con gái ông đã cho thấy Mỹ coi Nga là một đối thủ chứ không phải một người bạn. Ông Trump đã thể hiện một quan điểm cứng rắn rằng sự yếu đuối không giúp cải thiện được các mối quan hệ. Chỉ có sức mạnh mới làm được điều ấy.

Thực tế thì các lệnh trừng phạt của Mỹ đã gây nên một "cú sốc" với thị trường chứng khoán và tiền tệ của Moscow. Các nhà lãnh đạo Nga phản ứng bằng thái độ giận dữ còn Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev gọi các lệnh trừng phạt và sự đe dọa về vòng trừng phạt thứ hai của Mỹ là một "cuộc chiến tranh kinh tế".

Những bước đi lớn trong chính sách đối ngoại của ông Trump hiện mới ở giai đoạn đầu và vẫn chưa hoàn thành trong khi chính quyền Tổng thống Mỹ cũng đang phải giải quyết nhiều vấn đề phức tạp. Vì thế, thời gian, sự kiên trì và thời cơ chính là các yếu tố cần để đạt được thành công.

Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ vào tháng 11 tới, nếu Đảng Cộng hòa thua tại Quốc Hội, quyền lực của ông Trump sẽ suy giảm trong hai năm cuối nhiệm kỳ. Tuy nhiên, nếu Đảng Cộng hòa chiếm đa số thì quyền lực của Tổng thống Mỹ sẽ được củng cố và thậm chí có thể ông sẽ nhận được nhiều sự chú ý hơn nữa trên trường quốc tế.

Theo Kiều Anh

VOV