1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối thủ duy nhất của tàu sân bay Mỹ

(Dân trí) - Mỹ hiện là nước sở hữu nhiều tàu sân bay nhất thế giới. Điều đáng nói đối thủ có thể cạnh tranh ngang ngửa với tàu sân bay Mỹ không phải của Anh, Nga hay Trung Quốc mà là tàu sân bay Pháp.


Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. (Ảnh: Getty)

Tàu sân bay Charles de Gaulle của Pháp. (Ảnh: Getty)

Tàu sân bay có thể coi là một vũ khí tiện dụng trong trường hợp xảy ra xung đột ở một nơi xa căn cứ quân sự. Đến nay, Mỹ vẫn được coi là cường quốc số 1 về tàu sân bay với 10 siêu tàu sân bay lớp Nimitz đóng ở nhiều khu vực trên thế giới. Tuy nhiên, New York Times cho rằng, tàu sân bay Mỹ vẫn có một đối thủ. Điều đáng nói đối thủ duy nhất này không phải của Anh, Nga hay Trung Quốc. Đó chính là tàu sân bay Charles de Gaulle của Hải quân Pháp.

Pháp đã vài lần điều tàu sân bay Charles de Gaulle tham gia chiến dịch chống tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở Syria và Libya. Tổng thống Pháp François Hollande hồi tháng 7 tuyên bố sẽ tái triển khai tàu sân bay này trở lại Trung Đông vào mùa thu năm nay.

Mặc dù là tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân nhưng Charles de Gaulle không phải là một siêu tàu sân bay, bởi nó ngắn hơn, nhẹ hơn. Tuy nhiên, nó cũng không phải dạng tàu hộ tống, tàu sân bay cỡ nhỏ giống như của hải quân nhiều nước trên thế giới, mà được coi là một tàu sân bay tầm trung.


Trên boong tàu sân bay Charles de Gaulle. (Ảnh: Reuters)

Trên boong tàu sân bay Charles de Gaulle. (Ảnh: Reuters)

Với lượng giãn nước lên tới 42.000 tấn, Charles de Gaulle được xem là tàu sân bay hạt nhân lớn thứ 2 thế giới hiện nay. Con tàu có chiều dài tổng thể 261,5m, chỗ rộng nhất 64,36m, mớn nước 9,43m. Con tàu có khả năng chở 28-40 máy bay các loại.

Trên boong tàu có 2 đường băng dài gắn 2 máy phóng thủy lực C13-3 - biến thể ngắn hơn của hệ thống phóng trên tàu sân bay lớp Nimitz Mỹ. Nhờ hệ thống phóng này, máy bay Pháp có thể cất cánh với đẩy đủ tải trọng vũ khí.

Charles de Gaulle được trang bị 2 lò phản ứng hạt nhân K15 công suất 30MW cung cấp năng lượng cho con tàu hoạt động liên tục 20-25 năm. Thủy thủ đoàn gồm gần 2.000 người (600 người thuộc không quân).

Với những đặc điểm này, Charles de Gaulle được xếp ngang ngửa với các tàu sân bay Mỹ, và thậm chí vượt trội hơn so với các quốc gia khác.

Nga sở hữu tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov nhưng tàu này lại thường gặp một số trục trặc về kĩ thuật và không thường xuyên xuất cảng. Một tàu đóng dở của Nga đã được bán cho Trung Quốc thì đến nay vẫn chưa hoàn thiện quá trình thử nghiệm.

Ấn Độ cũng mua lại một tàu sân bay của Nga, nhưng tàu này cũng hiếm khi ra khơi, trong khi tàu sân bay São Paulo mà Brazil mua lại của Pháp cũng đang trong quá trình đại tu.

Đội tàu sân bay của Hải quân Anh sau một thời gian “đắp chiếu” do chi phí đắt đỏ thì đến nay cũng đang hoạt động tích cực trở lại. Hải quân nước này dự kiến sẽ đưa vào biên chế một tàu sân bay mới lớn hơn Charles de Gaulle vào năm sau, và biên chế tiếp một tàu khác vài năm sau đó.

Minh Phương

Theo New York Times