1. Dòng sự kiện:
  2. Iran phóng UAV, tên lửa vào Israel
  3. Chiến sự Nga - Ukraine
  4. Bầu cử tổng thống Mỹ 2024

Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào?

(Dân trí) - Được Tổng thống Pháp điều động tham gia chiến dịch không kích IS tại Syria, tàu sân bay hạt nhân Charles de Gaulle đã tiến hành những cuộc tấn công đầu tiên. Dù không đồ sộ như các tàu sân bay Mỹ, đây vẫn là chiến hạm uy lực nhất Tây Âu.

Xem máy bay Pháp cất cánh từ tàu sân bay hạt nhân

Chiến dịch quân sự của Charles de Gaulle tại Syria được triển khai 10 ngày sau loạt vụ tấn công khủng bố Paris, làm 130 người thiệt mạng và khoảng 360 người bị thương.

Charles de Gaulle là niềm tự hào của hải quân Pháp (Ảnh: AFP)
Charles de Gaulle là niềm tự hào của hải quân Pháp (Ảnh: AFP)

Theo hãng tin AFP, các cuộc không kích được 4 chiến đấu cơ Rafale thực hiện nhắm vào vị trí của IS tại thành phố Raqa. Ngoài ra đội tàu sân bay Pháp cũng đã tấn công cơ sở của IS tại thành phố Ramadi và Mosul của Iraq.

Tàu sân bay Charles de Gaulle là niềm tự hào và trái tim của Hải quân Pháp khi là tàu sân bay lớn nhất châu Âu. Đây cũng là tàu sân bay tấn công năng lượng hạt nhân duy nhất không thuộc các hạm đội Mỹ.

Trước khi được hạ thủy năm 2001, Charles de Gaulle đã trải qua giai đoạn thiết kế, đóng và thử nghiệm đầy chông gai. Dự án được triển khai lần đầu năm 1987, tuy nhiên do những khó khăn về ngân sách, quá trình này bị trì hoãn tới 4 lần, cho đến năm 1994.

Charles de Gaulle phải sửa chữa sau sự cố gãy chân vịt (trái) (Ảnh: AFP)
Charles de Gaulle phải sửa chữa sau sự cố gãy chân vịt (trái) (Ảnh: AFP)

Một trong những nguyên nhân gây trì hoãn đó là lớp bảo vệ phóng xạ phải được nâng cấp, sau khi nồng độ phóng xạ trên khoang bị phát hiện cao hơn mong muốn. Ngoài ra, các đường băng trên boong cũng phải được kéo dài thêm hơn 4m, để đón các máy bay Hawkeye. Trước đó Charles de Gaulle chỉ được thiết kế để mang các chiến đấu cơ Super Étendards Modernisé, Rafale và F/A-18C/D của Hải quân Mỹ.

Chưa dừng lại ở đó, trong quá trình chạy thử nghiệm trên biển tại khu vực tam giác Bermuda, tháng 11/2000, một phần của khối chân vịt nặng 19 tấn đã bị gãy. Công tác sửa chữa sau đó mất nhiều tháng, làm dấy lên chỉ trích rằng lần đầu tiên từ sau Thế chiến II, Pháp không có chiếc tàu sân bay nào sẵn sàng làm nhiệm vụ.

Charles de Gaulle có thể mang tối đa 40 máy bay và thủy thủ đoàn 1950 người (Ảnh: AFP)
Charles de Gaulle có thể mang tối đa 40 máy bay và thủy thủ đoàn 1950 người (Ảnh: AFP)

Nguyên nhân gãy chân vịt sau đó được phát hiện là do lỗi trong quá trình sản xuất, khi có những bong bóng khí trong quá trình đúc chân vịt từ hợp kim đồng – nhôm. Tình hình càng trở nên phức tạp khi bản vẽ của các chân vịt bị cháy trong một vụ hỏa hoạn. Điều này có nghĩa là các kỹ sư phải thiết kế lại chân vịt dựa trên một trong hai chân vịt còn lại. Dù vậy, sau khi sửa chữa, tốc độ của tàu bị giảm từ khoảng 27 hải lý/giờ xuống còn 24 hải lý/giờ.

Charles de Gaulle cuối cùng cũng trở lại với đợt triển khai tới Ấn Độ Dương năm 2001. Tàu được tháp tùng bởi một tàu ngầm hạt nhân và một tàu khu trục. Trong 6 tháng sau đó, hàng không mẫu hạm này đã hỗ trợ cho chiến dịch tấn công Taliban và Al Qaeda tại Afghanistan do Mỹ dẫn đầu.

So sánh kích thước và tầm hoạt động của Charles de Gaulle và một số tàu sân bay của Mỹ, Anh (Ảnh: EPA)
So sánh kích thước và tầm hoạt động của Charles de Gaulle và một số tàu sân bay của Mỹ, Anh (Ảnh: EPA)

Đến năm 2007, Charles De Gaulle được gắn hệ thống đẩy mới, trong lần cập cảng đầu tiên để nạp lại nhiên liệu, tờ National Interest của Mỹ đăng tải.

Ưu thế của Charles De Gaulle so với các tàu sân bay thông thường đó là không cần nhiều hỗ trợ hậu cần so với những người tiền nhiệm, do sử dụng năng lượng hạt nhân. Chỉ có điều, Pháp chọn sử dụng loại lò phản ứng đòi hỏi phải nạp lại nhiên liệu sau 7 năm, trong khi một tàu sân bay Mỹ chỉ phải nạp lại nhiên liệu một lần trong suốt vòng đời 30 năm.

Có chiều dài 261,5m, rộng 64,3m, lượng giãn nước toàn tải 42.500 tấn, Charles de Gaulle được xem là khá nhỏ so với các siêu tàu sân bay của Mỹ (các tàu sân bay lớp Nimitz dài hơn 330m, lượng giãn nước toàn tải 97.000 tấn). Thủy thủ đoàn của Charles de Gaulle gồm tối đa 1.950 người.

Pháp đang không kích mạnh mẽ IS để đáp trả hành động khủng bố tại Paris hôm 13/11 (Ảnh: AFP)
Pháp đang không kích mạnh mẽ IS để đáp trả hành động khủng bố tại Paris hôm 13/11 (Ảnh: AFP)

Trên boong, Charles de Gaulle được trang bị hai đường băng phục vụ cất cánh ở phía trước, và một đường băng để hạ cánh ở phía sau. Tàu có thể mang tối đa 40 chiến đấu cơ tấn công Dassault Rafale M, Super Étendards Modernisé và E-2C Hawkeyes cùng một số trực thăng. Mỗi ngày, các chiến đấu cơ có thể thực hiện 100 lượt xuất kích.

Dù vậy, đó là con số về lý thuyết. Trên thực tế, theo kênh RT của Nga, Charles de Gaulle mang theo 26 chiến đấu cơ trên boong khi tới Địa Trung Hải. Khi được triển khai cùng 12 chiến đấu cơ khác, gồm 6 chiếc Rafale và 6 chiếc Mirage 2000, Pháp đã điều tới UAE và Jordan, năng lực tiến hành không kích của Không quân Pháp đã tăng gấp ba lần.

Một số hình ảnh về uy lực của tàu sân bay Charles de Gaulle

Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 6
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 7
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 8
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 9
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 10
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 11
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 12
Tàu sân bay hạt nhân của Pháp mạnh cỡ nào? - 13

Thanh Tùng

Tổng hợp