1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối thoại Shangri-La: Thủ tướng Thái Lan kêu gọi hợp tác thay vì đối đầu ở Biển Đông

(Dân trí) - Trong bài phát biểu khai mạc Đối thoại Shangri-La vào tối nay tại Singapore, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha đã kêu gọi các nước có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông tìm cách hợp tác thay vì đối đầu để giảm căng thẳng trong khu vực.


Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha (Ảnh: Reuters)

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha (Ảnh: Reuters)

“Tất cả các quốc gia có tuyên bố chủ quyền nên tham gia vào các hành động chung, mang tính xây dựng... để các tuyên bố chủ quyền không trở thành rào cản”, ông Prayut nói.

Thủ tướng Thái Lan hối thúc các quốc gia có tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông hãy nhìn rộng ra ngoài các tranh chấp biên giới và tìm cách cách thức hợp tác để giảm căng thẳng trong khu vực thay vì đối đầu.

Đối thoại Shangri-La năm nay quy tụ bộ trưởng quốc phòng cũng như các tướng lĩnh quân đội của hơn 30 quốc gia trong khu vực, trong đó có Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter; Đô đốc Tôn Kiến Quốc - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân giải phóng Trung Quốc; Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min Koo; Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le Drian; Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar, Bộ trưởng Quốc phòng New Zealand Gerry Brownlee...

“Các nước trong khu vực nên nghĩ về vấn đề chủ quyền theo các giới hạn bớt truyền thống hơn để ủng hộ an ninh tập thể về lâu dài. Nếu chúng ta nhìn mọi thứ từ góc độ xung đột, chúng ta sẽ không bao giờ có thể tìm được lối thoát”, ông Prayut nhấn mạnh.

Trong bài phát biểu, Thủ tướng Thái Lan cũng cho rằng các nước ASEAN cần đoàn kết để giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông, vì điều đó có lợi cho tất cả các bên. Ông cũng nhắc tới tầm quan trọng của việc tuân thủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên trên Biển Đông (DOC) vì như vậy sẽ tạo điều kiện cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC).

Đối thoại Shangri-La là một hội nghị thượng đỉnh an ninh hàng đầu khu vực được Viện nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại London và chính phủ Singapore tổ chức thường niên.

Mỗi năm, một nhà lãnh đạo trong khu vực được mời phát biểu khai mạc diễn đàn và năm nay Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha được mời phát biểu tại Đối thoại Shangri-La lần thứ 15. Ông Prayut cho hay thành công của các cuộc thảo luận và trao đổi ý tưởng tại diễn đàn trong 15 năm qua đã cho thấy vai trò của Đối thoại Shangri-La trong việc thúc đẩy an ninh và hợp tác trong khu vực.

Tranh chấp Biển Đông dự kiến sẽ là một trọng tâm của các cuộc thảo luận, giữa lúc Trung Quốc gia tăng các hành động bành trướng trong khu vực. Ngoài ra, chủ đề các hành động quân sự của Triều Tiên và chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan trong khu vực dự kiến cũng sẽ được các đại biểu thảo luận.

“Một thế giới, một vận mệnh”

Trong bài phát biểu tối nay, Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-o-cha cũng nhấn mạnh tới việc an ninh của tất cả các quốc gia và khu vực trên thế giới đều có liên hệ chặt chẽ với nhau, do đó các nước cần hợp tác với nhau để giải quyết các vấn đề nảy sinh.

Theo ông Prayuth, tình hình an ninh khu vực ngày càng phức tạp và gây ra nhiều thách thức.

“Chúng ta sống trong một thế giới toàn cầu hóa không biên giới vì sự phát triển về phương tiện giao thông và công nghệ, vốn có thể kết nối chúng ta chỉ trong vài giây và điều này có thể mang đến cơ hội nhưng cũng có thể gây ra các cuộc khủng hoảng. Những thách thức mà chúng ta phải đối mặt ngày càng trở nên xuyên biên giới, và từ bây giờ chúng ta phải thực sự chia sẻ hạnh phúc cũng như khổ đau”..

“Và vì vậy, cộng đồng thế giới đang dần chuyển từ một ý niệm “một đất nước, một vận mệnh” sang “một thế giới, một vận mệnh”. Do đó, tất cả các quốc gia nên hợp tác với nhau để cân nhắc cách thức giải quyết các vấn đề và thách thức dựa trên cơ sở cùng có lợi, nhằm thúc đẩy niềm tin chung”, ông Prayuth nhấn mạnh.

Thủ tướng Thái Lan cũng nói rằng cấu trúc khu vực “thiếu sự cân bằng thích hợp”. Ông nhấn mạnh tới tầm quan trọng của ASEAN trong việc xây dựng một sự cân bằng mới trong khu vực, cũng như giá trị của các thỏa thuận thương mại tự do như Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP).

“Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản vẫn đóng vai trò quan trọng, nhưng Ấn Độ, Nga, Hàn Quốc và ASEAN cũng trở nên quan trọng hơn”, ông nói.

Đối thoại Shangri-La sẽ bước vào ngày thảo luận chính vào ngày mai 4/6. Ngoài chương trình chính thức, các cuộc gặp của giới chức quốc phòng các nước bên lề diễn đàn cũng rất được chú ý.

An Bình

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm