Ngô Di Lân

Đối thoại Shangri-La 2024: Cạnh tranh chiến lược và sức mạnh công nghệ mới

Đối thoại Shangri-La 2024: Cạnh tranh chiến lược và sức mạnh công nghệ mới - 1

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân hội đàm song phương bên lề Đối thoại Shangri-La tại Singapore ngày 31/5 (Ảnh: Reuters).

Đối thoại Shangri-La 2024 diễn ra tại Singapore từ ngày 31/5 đến ngày 2/6 trong bối cảnh thế giới đang chứng kiến nhiều xung đột phức tạp và căng thẳng địa chính trị giữa các nước lớn ngày càng gia tăng. Các phát biểu và thảo luận xoay quanh nhiều chủ đề quan trọng, từ việc ngăn ngừa xung đột ở châu Á, quản trị cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung, cho đến tác động của các công nghệ mới như trí tuệ nhân tạo (AI) đối với an ninh toàn cầu. Tuy nhiên, trong rất nhiều ý kiến đã được chia sẻ tại Đối thoại, nổi lên một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, tầm quan trọng mang tính "sống còn" của việc ngăn ngừa xung đột ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Điều này được thể hiện đặc biệt rõ qua phần hỏi đáp với khán giả của Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos. Trả lời câu hỏi về một tình huống xung đột giả định với Trung Quốc ở Biển Đông, Tổng thống Marcos đã tuyên bố tương đối dứt khoát rằng nếu một thủy thủ hoặc công dân Philippines thiệt mạng do hành động chủ ý từ phía Trung Quốc, Manila sẽ coi đó "rất gần với một hành động gây chiến", khẳng định điều này vượt qua "lằn ranh đỏ" của Philippines.

Nếu xảy ra, một sự việc như vậy hoàn toàn có thể dẫn tới leo thang xung đột giữa Philippines và Trung Quốc, thậm chí kích hoạt hiệp ước phòng thủ chung Mỹ - Philippines. Mặc dù đây chỉ là một tình huống giả định, nhưng tuyên bố của Tổng thống Marcos Jr. là một lời cảnh báo rõ ràng về nguy cơ xung đột nghiêm trọng có thể bùng phát ở Biển Đông nếu các bên liên quan có những hành động gây hấn hoặc tính toán sai lầm.

Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen, trong bối cảnh khu vực vẫn tiếp tục chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề, phức tạp từ những xung đột ở châu Âu và Trung Đông, "cả châu Á và thế giới sẽ không thể chịu được một cú sốc địa chính trị thứ ba". Điều này phần nào phản ánh sự mong manh của trật tự hiện nay và niềm tin rằng cuộc chiến tiếp theo nổ ra ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ là một cuộc đại chiến mà trong đó không bên nào có thể giành chiến thắng. 

Để giảm thiểu nguy cơ leo thang ở các điểm nóng như Biển Đông, một số ý kiến cho rằng cần triển khai hiệu quả các biện pháp nhằm giảm thiểu khả năng xảy ra hiểu lầm và đối đầu không chủ ý giữa các lực lượng quân đội hoạt động gần nhau. Tuy nhiên, Bộ trưởng Ng Eng Hen cũng chỉ ra một khoảng trống quan trọng trong các khuôn khổ này là sự thiếu vắng của các lực lượng bán quân sự và thực thi pháp luật.

Với sự hiện diện và tần suất hoạt động ngày càng dày đặc của các lực lượng này, việc đưa họ vào các thỏa thuận là điều cần thiết để đảm bảo một cách tiếp cận toàn diện nhằm ngăn ngừa leo thang xung đột ngoài mong muốn.

Thứ hai, một số chỉ dấu cho thấy cạnh tranh chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc có thể bước vào một giai đoạn tuy căng thẳng nhưng phần nào ổn định hơn. Trong phát biểu tại Đối thoại Shangri-La, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã công nhận vai trò không thể thiếu của cả hai quốc gia trong nền kinh tế toàn cầu, nhấn mạnh rằng: "Mặc dù cạnh tranh, nhưng Mỹ và Trung Quốc đều là một phần không thể tách rời trong sự vận hành của nền kinh tế toàn cầu, mà sự thịnh vượng của tất cả chúng ta đều phụ thuộc vào đó". Sự công nhận này cho thấy sự cần thiết để cả hai bên quản lý mối quan hệ cạnh tranh một cách có trách nhiệm và tham gia vào đối thoại mang tính xây dựng để giải quyết các vấn đề gây tranh cãi.

Một hướng đi cho sự gắn kết này là việc nối lại Đối thoại Chiến lược và Kinh tế Mỹ - Trung, vốn bị đình chỉ từ năm 2018. Cơ chế đối thoại này có thể cung cấp một nền tảng thiết yếu để giải quyết một loạt vấn đề thương mại gai góc và thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau. Về vấn đề Đài Loan, ông Austin cho rằng "không độc lập và không thống nhất bằng vũ lực" là thỏa hiệp tốt nhất cho tất cả các bên liên quan ở thời điểm hiện tại, đồng thời cảnh báo nguy cơ từ những hành động vội vàng từ bất kỳ phía nào.

Tầm quan trọng của đối thoại giữa hai quân đội cũng liên tục được nhấn mạnh trong suốt Đối thoại Shangri-La. Các đại biểu nhấn mạnh rằng không có gì có thể thay thế được các kênh liên lạc trực tiếp giữa các lãnh đạo quân đội cấp cao nhằm giảm thiểu hiểu lầm và tính toán sai lầm.

Bộ trưởng Austin khẳng định "đối thoại không phải là phần thưởng mà là một sự thiết yếu" và "thời điểm thích hợp để các nhà lãnh đạo quốc phòng đối thoại là mọi lúc, mọi nơi." Trong bối cảnh căng thẳng đang thường trực ở mức cao, khả năng giao tiếp nhanh chóng, hiệu quả với các đối tác trong khu vực, đồng thời xây dựng được các cơ chế quản lý khủng hoảng đáng tin cậy là điều cần thiết để duy trì ổn định và ngăn chặn leo thang ngoài ý muốn.

Đối thoại Shangri-La 2024: Cạnh tranh chiến lược và sức mạnh công nghệ mới - 2

(Từ trái qua phải) Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha, Tiến sĩ Bastian Giegerich Tổng Giám đốc và Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Phó Thủ tướng Australia và Bộ trưởng Quốc phòng Richard Marles và người đứng đầu chính sách đối ngoại EU Josep Borrell chuẩn bị phát biểu tại Đối thoại Shangri-La ở Singapore ngày 1/6 (Ảnh: Reuters).

Thứ ba, nhiều đại biểu, bao gồm từ cả Trung Quốc và Mỹ, đều chia sẻ quan điểm rằng cần có một cấu trúc an ninh mới, và rộng hơn là đổi mới hệ thống quốc tế theo hướng công bằng và bình đẳng hơn. Dù vậy, có sự thừa nhận rộng rãi rằng, trước khi tìm được giải pháp tối ưu hơn vẫn cần phải duy trì hệ thống quốc tế hiện nay, bởi dù không hoàn hảo, nó vẫn là khuôn khổ tốt nhất hiện có để quản trị quan hệ giữa các quốc gia và giải quyết những thách thức chung.

Nhiều ý kiến từ các đại biểu phương Tây đã bày tỏ quan ngại về những nỗ lực làm suy yếu hoặc phá vỡ các chuẩn mực và thể chế quốc tế. Một số đại biểu cảnh báo về nguy cơ của chủ nghĩa đơn phương và việc sử dụng vũ lực ngoài khuôn khổ luật pháp quốc tế.

Một số khác nhấn mạnh sự cần thiết của một hệ thống quốc tế bao trùm và có tính đại diện hơn, tính đến lợi ích và quan điểm của mọi quốc gia lớn và nhỏ, không chỉ các cường quốc. Nhìn chung có sự ủng hộ rộng rãi đối với một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ, các nguyên tắc chủ quyền, bình đẳng và giải quyết hòa bình các tranh chấp, cho rằng các nhân tố này cấu thành nền tảng thiết yếu để duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.

Cuối cùng, sự phát triển của các công nghệ tiên tiến, đặc biệt là trí tuệ nhân tạo (AI), cũng là một chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm tại Đối thoại Shangri-La. Tuy các đại biểu có xu hướng thừa nhận tiềm năng của những công nghệ này trong việc giải quyết các vấn đề hóc búa và thúc đẩy tiến bộ chung, song cũng cảnh báo về những rủi ro liên quan đến việc lạm dụng hoặc phát triển công nghệ một cách có kiểm soát.

Có những lo ngại rằng AI và các công nghệ mới nổi khác có thể phá vỡ trật tự chính trị và xã hội hiện có, làm trầm trọng thêm bất bình đẳng, thậm chí góp phần gây ra xung đột. Nhìn chung các phát biểu cho thấy nhiều sắc thái bi quan nhiều hơn là lạc quan về tác động của AI đối với an ninh khu vực và toàn cầu.

Để giảm thiểu những rủi ro này, các đại biểu kêu gọi tăng cường hợp tác và đối thoại quốc tế về quản trị các công nghệ tiên tiến. Có sự đồng thuận cao rằng không một quốc gia hay thực thể nào có thể tự mình quản lý hiệu quả các thách thức do những công nghệ này đặt ra. Thay vào đó, một cách tiếp cận hợp tác, đa phương được coi là cần thiết để phát triển các chuẩn mực, tiêu chuẩn và khuôn khổ chung nhằm định hướng sự phát triển và triển khai có trách nhiệm của AI và các công nghệ mới nổi khác.

Là diễn đàn quy tụ được nhiều quan chức quốc phòng cấp cao và học giả uy tín trên toàn thế giới, Đối thoại Shangri-La 2024 đã một lần nữa khẳng định vai trò là nền tảng đối thoại hàng đầu để thảo luận về các vấn đề an ninh, địa chính trị toàn cầu.

Các ý kiến được chia sẻ cho thấy bức tranh tổng thể vừa có những điểm sáng như sự đồng thuận về tầm quan trọng của đối thoại giữa và hợp tác, nhưng vẫn tồn tại nhiều thách thức lớn như nguy cơ xung đột, sự cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn và các tác động khó lường của công nghệ.

Những vấn đề này đòi hỏi sự chung tay và nỗ lực từ cộng đồng quốc tế trong việc tăng cường tin cậy lẫn nhau, quản lý bất đồng một cách hòa bình, dựa trên luật pháp quốc tế, cũng như thúc đẩy một trật tự khu vực cởi mở, minh bạch và bao trùm. Chỉ có thông qua đối thoại và hợp tác chân thành, khu vực châu Á - Thái Bình Dương mới có thể tiếp tục duy trì ổn định và phát triển thịnh vượng cho nhiều thế hệ tương lai.

Tác giả: Ngô Di Lân là Tiến sĩ ngành Quan hệ Quốc tế (Đại học Brandeis, Mỹ). Các mối quan tâm nghiên cứu chính bao gồm: an ninh quốc tế, xung đột vũ trang, tác động của AI đối với quan hệ quốc tế và các ứng dụng của AI trong hoạch định chiến lược & chính sách an ninh quốc gia. Tác giả đã tham dự Đối thoại Shangri-La 2024 tại Singapore.