Những vấn đề "làm nóng" Đối thoại Shangri-La 2024
(Dân trí) - Đối thoại Shangri-La năm nay dự kiến chứng kiến nhiều phiên thảo luận "nóng", trong bối cảnh khu vực và thế giới có nhiều biến động với diễn biến phức tạp, khó lường của các cuộc xung đột, cạnh tranh.
Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 sẽ khai mạc tại Singapore hôm nay, 31/5, và kéo dài đến ngày 2/6.
Đối thoại Shangri-La do Viện Nghiên cứu Chiến lược quốc tế (IISS) có trụ sở tại Anh tổ chức thường niên. Sự kiện dự kiến thu hút đại diện, quan chức an ninh quốc phòng của hơn 40 quốc gia trên thế giới và khu vực.
Đây là diễn đàn để các nhà lãnh đạo, nhà hoạch định chính sách về quốc phòng, an ninh, chuyên gia, học giả thảo luận về các vấn đề an ninh đang nổi lên của khu vực châu Á - Thái Bình Dương và lắng nghe, nghiên cứu, nắm bắt chiến lược của từng quốc gia.
Qua nhiều năm tổ chức, Đối thoại Shangri-La đã trở thành diễn đàn an ninh và quốc phòng hàng đầu châu Á.
Năm nay, trong 3 ngày họp, diễn đàn sẽ bao gồm nhiều phiên thảo luận về các chủ đề an ninh đang rất được quan tâm hiện nay như: Sự răn đe và trấn an ở châu Á-Thái Bình Dương; Hợp tác quốc phòng và an ninh quốc gia; các mối quan hệ đối tác chiến lược của Mỹ trong khu vực; tăng cường quản lý khủng hoảng khi cạnh tranh gia tăng; xây dựng an ninh hợp tác ở châu Á-Thái Bình Dương, các thách thức trật tự an ninh xuyên khu vực...
Các quan chức an ninh và quốc phòng cũng sẽ thảo luận về việc thực thi luật biển và xây dựng lòng tin; cách tiếp cận của Trung Quốc đối với an ninh toàn cầu; AI, an ninh mạng và xung đột tương lai; phối hợp tiến hành các hoạt động nhân đạo trên thế giới...
Năm ngoái, diễn đàn này đã chứng kiến hai nước lớn Trung Quốc và Mỹ bỏ lỡ cơ hội đối thoại quân sự cấp cao song phương. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc khi ấy là ông Lý Thượng Phúc chỉ bắt tay nhanh chóng người đồng cấp Mỹ Lloyd Austin mà không hề có cuộc tiếp xúc chính thức nào.
Trong bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La năm 2023, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Llyod Austin nhắc lại ủng hộ chính sách "Một Trung Quốc", nhưng không dè dặt chỉ trích lập trường cứng rắn của Bắc Kinh khi các cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và các quốc gia yêu sách khác ở Biển Đông tiếp tục nghiêm trọng.
Mối quan hệ với Mỹ - Trung tiếp tục căng thẳng sau khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hủy chuyến thăm Bắc Kinh do câu chuyện về khinh khí cầu của Trung Quốc bị Mỹ nghi ngờ là gián điệp.
Một năm qua, quan hệ Trung - Mỹ đã có những bước tiến mới. Tháng 11 năm 2023, diễn ra cuộc gặp giữa hai nguyên thủ quốc gia, hai bên thấy cần thiết nối lại các cuộc đối thoại về quân sự để tránh hiểu lầm, dẫn đến hậu quả đáng tiếc. Tháng 12 cùng năm, các vị lãnh đạo quân đội Đại tướng Mỹ Charles Q. Brown, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ và Thượng tướng Lưu Lập Quân, người đứng đầu Bộ Tham mưu Liên quân Quân ủy Trung ương Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đã trao đổi trực tuyến, đề cập đến "một số vấn đề an ninh khu vực và toàn cầu". Theo Lầu Năm Góc, liên lạc giữa quân đội hai nước là rất quan trọng để ngăn chặn tính toán sai lầm có thể dẫn đến xung đột.
Năm ngoái, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin cho biết: Washington không chỉ đầu tư vào các liên minh trong khu vực mà còn có ý định tăng cường hiện diện quân sự. Trên thực tế, Mỹ đã được Philippines đồng ý cho sử dụng thêm 4 căn cứ quân sự, nâng sự hiện diện quân sự của Mỹ lên 9 căn cứ. Trung Quốc đã lên tiếng phản đối.
Tiếp ngay sau Đối thoại Shangri La 2023, Indonesia đã mời được 49 quốc gia tham gia cuộc tập trận hải quân Komodo diễn ra ở eo biển Makassar, khu vực giữa đảo Borneo và đảo Sulawesi trong thời gian 5-8/6/2023 trên vùng biển Indonesia, với sự tham gia của nhiều quốc gia bao gồm Mỹ, Nga, Trung Quốc, Hàn Quốc, Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan... để diễn tập ứng phó với các thảm họa nhân đạo và cứu nạn trên biển. Việc tham gia cuộc tập trận chung Hải quân Komodo nói trên cho thấy hải quân Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác ngay cả khi quan hệ song phương vẫn căng thẳng.
Trong thập niên qua, Trung Quốc đã đưa ra một số sáng kiến quốc tế như Sáng kiến An ninh Toàn cầu, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu và gần đây nhất là Sáng kiến Văn minh Toàn cầu, thách thức trực tiếp phương thức hoạt động của phương Tây đối với an ninh khu vực.
Năm nay, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Trung Quốc Đổng Quân sẽ tham dự Đối thoại Shangri-La lần thứ 21 tại Singapore. Ông Đổng Quân sẽ có bài phát biểu về khái niệm an ninh toàn cầu của Trung Quốc, thăm nước chủ nhà Singapore và gặp gỡ các lãnh đạo phái đoàn các nước liên quan.
Bộ Quốc phòng Mỹ cũng thông báo, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc sẽ gặp nhau bên lề Đối thoại Shangri-la lần thứ 21. Đây sẽ cuộc gặp đầu tiên của ông Đổng Quân và ông Austin kể từ khi Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nhậm chức vào tháng 12/2023, đồng thời cũng sẽ là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa bộ trưởng quốc phòng hai nước Trung Quốc và Mỹ kể từ hội nghị trực tuyến vào tháng 4 năm nay.
Trung Quốc sẽ tận dụng Đối thoại Shangri-La để bày tỏ quan điểm của mình, trong đó chắc chắn sẽ có cam kết theo đuổi hòa bình và ổn định, cũng như giải thích nguyên nhân những căng thẳng hiện nay ở khu vực.
Từ lâu Trung Quốc đã tích cực tham gia vào Đối thoại Shangri-La, coi đây là một hội nghị đa phương quan trọng, tập trung vào các vấn đề quân sự và an ninh. Trung Quốc cũng tận dụng diễn đàn này để mở rộng hoạt động đối ngoại quân sự của mình, bác bỏ các cáo buộc về "mối đe dọa Trung Quốc".
Tại diễn đàn này, căng thẳng đang leo thang ở Biển Đông, vấn đề căng thẳng quanh eo biển Đài Loan chắc chắn sẽ trở thành chủ đề "tranh luận chéo" gay gắt.
Dư luận quốc tế và khu vực hy vọng Trung Quốc và Mỹ tiếp tục đà đối thoại, duy trì liên lạc giữa quân đội hai nước, để cạnh tranh không dẫn đến xung đột, hướng tới gìn giữ hòa bình, thúc đẩy phát triển phồn vinh trong khu vực và trên thế giới.