1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối thoại Shangri-La 2012 và tâm điểm Biển Đông

(Dân trí) - Từ 1-3/6, tại đảo quốc sư tử Singapore diễn ra Hội nghị cấp cao An ninh châu Á lần thứ 11, hay Đối thoại Shangri-La - cơ hội để các nước tìm hiểu định hướng chiến lược an ninh của nhau đối với châu lục này.

Đối thoại Shangri-La 2012: Nơi tìm kiếm cơ hội và giải pháp hợp tác quân sự

 Những diễn biến nóng tại Biển Đông sẽ tiếp tục là chủ đề chính tại Đối thoại Shangri-La 2012.

Diễn ra trong bối cảnh châu Á-Thái Bình Dương ngày càng nổi lên là trọng tâm trong chính sách ngoại giao của cả ba cường quốc trên thế giới, là Mỹ, Trung Quốc và Nga, Đối thoại Shangri-La lần thứ 11 đặc biệt thu hút sự quan tâm của các nước trong khu vực, nhất là khi châu Á – Thái Bình Dương đang chứng kiến nhiều diễn biến quân sự nóng ở các vùng biển đảo, cũng như sự cạnh tranh ảnh hưởng của các nước, thể hiện qua sự trỗi dậy mạnh mẽ của Trung Quốc, sự thay đổi chiến lược quân sự của một số Nhật Bản, Philippines, Hàn Quốc và chính sách can dự trở lại châu Á – Thái Bình Dương của Mỹ.

Đi đầu trong nỗ lực hướng về châu Á-Thái Bình Dương là Mỹ với hàng loạt động thái nhằm tái lập sức mạnh hải quân ở khu vực như tăng quân đồn trú tại Australia, Philippines, gửi tàu chiến và máy bay trinh sát biển đến Philippines, Thái Lan…

Nhân chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 5 của Thủ tướng Nhật Bản Noda, hai bên đã ra tuyên bố chung lần thứ ba mang tên "Chiến lược chung hướng tới tương lai".

“Đây là văn kiện xác định trật tự của khu vực châu Á-Thái Bình Dương trong vài thập kỷ tới. Mỹ cần phải giữ vai trò chủ đạo ở khu vực này", Tổng thống Mỹ Barack Obama đánh giá về văn kiện trên ngay sau khi hai nước ký kết.

Phương hướng đó càng được thể hiện rõ bằng sự hiện diện hùng hậu của bộ ba nhân vật quân sự tối cao của Mỹ gồm Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Martin Dempsey và Tư lệnh Bộ chỉ huy Thái Bình Dương Samuel Locklear tại Shangri-La 11.

"Một trong những kế hoạch trọng điểm mà thế hệ các bạn phải thực hiện là duy trì và tăng cường sức mạnh của Mỹ trong khu vực hàng hải rộng lớn ở châu Á-Thái Bình Dương". Bộ trưởng Panetta khẳng định tại lễ tốt nghiệp của các học viên Học viện Hải quân Mỹ ở Annapolis (Mỹ) ngay trước thềm chuyến đi Singapore.

Việc Mỹ tăng cường hiện diện ở châu Á - Thái Bình Dương đã khiến Trung Quốc quan ngại. Bắc Kinh đã chỉ trích sự phô diễn sức mạnh của Mỹ tại khu vực này, cho rằng nó có thể đe dọa hòa bình và ổn định trong khu vực.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng đang tìm cách gạt bỏ vai trò của Mỹ trong việc giải quyết các tranh chấp tại Biển Đông, đồng thời điều động hàng loạt tàu chiến cùng các loại vũ khí hiện đại đến Biển Hoa Đông và Biển Đông.

Rõ ràng chiến lược hướng về châu Á-Thái Bình Dương của Mỹ đang làm cho quan hệ  Mỹ-Trung nổi sóng, bất chấp các tuyên bố về hợp tác quân sự được đưa ra trong chuyến thăm Mỹ hồi đầu tháng 5 vừa qua của Bộ trưởng quốc phòng Trung Quốc Lương Quang Liệt .

Không đứng ngoài xu thế hướng về châu Á-Thái Bình Dương, Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng tuyên bố “80% lãnh thổ Nga nằm ở châu lục này”, và vì thế ông đã yêu cầu thành lập "Công ty khai thác Viễn Đông" có trụ sở đặt tại thành phố Vladivostok, hoạt động dưới sự chỉ đạo trực tiếp của tổng thống.

Với những diễn biến này, có thể nói châu Á - Thái Bình Dương đã trở thành mặt trận mới của nhóm tam cường Mỹ-Trung-Nga trong cuộc đua giành quyền ảnh hưởng tại châu lục được đánh giá năng động nhất thế giới hiện nay.

Nhưng không chỉ riêng nhóm tam cường, việc tăng cường hợp tác quân sự giữa các nước trong khu vực như Philippines, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc, … và sự thay đổi chiến lược quốc phòng của Nhật Bản từ phòng thủ sang tích cực can dự, đang chứng tỏ sự chuyển hướng mạnh mẽ của an ninh châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt trong bối cảnh các tranh chấp về chủ quyền hàng hải liên tục nổ ra tại đây.

Chỉ ít ngày trước khi Đối thoại Shangri-La khai mạc, Biển Đông đã trở thành tâm điểm của các hoạt động quân sự khi một loạt chiến hạm các nước Mỹ, Nga, Pháp, Nhật Bản và Ấn Độ đổ về khu vực để chuẩn bị cho các cuộc tập trận và tăng cường hợp tác hải quân.

Động thái này càng khiến giới phân tích tin tưởng Biển Đông trở thành chủ đề chính của diễn đàn an ninh cấp cao châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 11. Theo các nguồn thạo tin, trong phiên họp toàn thể ngày 2/6, chủ đề được thảo luận đầu tiên là kiềm chế các tranh chấp gần đây ở Biển Đông như diễn biến căng thẳng giữa Trung Quốc với Philippines về chủ quyền bãi đá cạn mà Manila gọi là Scarborough, còn Bắc Kinh gọi là Hoàng Nham, hay các lệnh cấm đánh bắt cá đơn phương của Trung Quốc tại Biển Đông.

Dư luận hy vọng Đối thoại Shangri-La 11 sẽ giúp hình dung rõ hơn về định hướng quân sự của các nước đối với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời là cơ hội để quan chức quốc phòng cấp cao các nước tìm hướng giải quyết các bất đồng liên quan đến chủ quyền hàng hải.

Vũ Dũng

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm