1. Dòng sự kiện:
  2. Phe nổi dậy lật đổ chính quyền Syria
  3. Chiến sự Nga - Ukraine

Đối phó Mỹ, Trung Quốc hy sinh lợi ích của tầng lớp trung lưu?

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy Bắc Kinh đứng trước khả năng phải “hy sinh” lợi ích...


Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang thúc đẩy Bắc Kinh đứng trước khả năng phải “hy sinh” lợi ích của tầng lớp trung lưu, vốn ủng hộ thị trường tự do và chủ nghĩa cá nhân, để bảo vệ mô hình chính trị Trung Quốc và nền kinh tế do Nhà nước kiểm soát.

Hy sinh lợi ích vì mục tiêu chính trị?

Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi Sáng (SCMP) ngày 12/9 dẫn ý kiến bình luận của chuyên gia kinh tế chính trị Zhang Lin cho rằng, tầng lớp trung lưu Trung Quốc đang nằm trong tầm ngắm, dễ bị ảnh hưởng nhiều nhất về mặt lợi ích trong cuộc chiến thương mại ngày càng leo thang giữa Washington và Bắc Kinh.

Theo ông Zhang, tầng lớp trung lưu của Trung Quốc bao gồm chủ các doanh nghiệp tư nhân vừa và nhỏ, thường sở hữu khá nhiều bất động sản và tài sản khác. Vì vậy, họ coi trọng quyền sở hữu tư nhân và nền kinh tế thị trường.

Họ là những người phàn nàn nhiều nhất về chính sách của chính quyền trung ương trên các tài khoản mạng xã hội Weibo, đặc biệt là những phản ánh này được gửi tới trang mạng Weibo của Đại sứ quán Mỹ liên quan đến khả năng sự sụp đổ của thị trường chứng khoán Trung Quốc và vấn nạn ô nhiễm không khí.

Sự ủng hộ của tầng lớp trung lưu mới nổi về thị trường tự do và chủ nghĩa cá nhân gần gũi với các giá trị cốt lõi của Mỹ hơn là chủ nghĩa tập thể và chủ nghĩa dân tộc mà Trung Quốc luôn đề xướng trong các thông điệp tuyên truyền - kêu gọi mọi người từ bỏ quyền lợi và lợi ích cá nhân vì lợi ích của một quốc gia hùng mạnh.

Trên thực tế, nhiều người thuộc tầng lớp này còn hoan nghênh cuộc chiến thương mại như là một áp lực bên ngoài cần thiết để thay đổi cách tiếp cận nặng nề của chính phủ Trung Quốc đối với quản lý và kiểm soát nền kinh tế. Tuy nhiên, hy vọng này không mấy khả quan.

Trung Quốc đánh thuế mạnh vào thương mại điện tử

Ông Zhang cũng chỉ ra rằng, Trung Quốc đang tích cực hơn trong việc thu thuế và theo đuổi một mô hình “chính phủ lớn”, trái ngược với việc cắt giảm thuế của chính phủ ông Donald Trump và cách tiếp cận “chính phủ nhỏ”.

Ví dụ điển hình là việc Trung Quốc vừa thông qua một đạo luật thương mại điện tử mới trong tuần này, mở đường cho các cơ quan chức năng tiến hành thu thuế và áp dụng các yêu cầu hành chính đối với các cửa hàng trực tuyến, giống với các cửa hàng thông thường.

Trong một thay đổi khác, đóng góp phúc lợi xã hội bắt buộc của Trung Quốc từ đầu năm 2019 sẽ được các cơ quan thuế quản lý thay vì các cơ quan an sinh xã hội như trước đây. Điều này ​​sẽ khiến chi phí kinh doanh tăng mạnh, ảnh hưởng nặng nề tới các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Mặc khác, những khoản tăng thêm này được đưa ra vào thời điểm khu vực kinh tế tư nhân Trung Quốc đang phải vật lộn với suy thoái tài chính và sức tiêu dùng giảm sút.

Chuyên gia kinh tế từ Bắc Kinh cho rằng, Trung Quốc cần phải làm như vậy để thúc đẩy các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư cho các doanh nghiệp Nhà nước - một chiến lược để đối trọng với các tác động của cuộc chiến thương mại.

Những phân tích trên cho thấy, Trung Quốc phản ứng với cuộc chiến thương mại bằng cách mở rộng vai trò của Nhà nước trong nền kinh tế. Theo đó, lợi ích của tầng lớp trung lưu sẽ không được ưu tiên mà mục tiêu quan trọng nhất là bảo vệ mô hình chính trị của Trung Quốc và nền kinh tế do Nhà nước kiểm soát.

Chính phủ Bắc Kinh tin rằng, kiểm soát Nhà nước chặt chẽ hơn về thông tin và các hoạt động kinh tế sẽ giúp họ quản lý các tác động từ cuộc chiến thương mại, đồng thời cũng có thể giúp ngăn chặn các khiếu nại trong nước.

Và trên một góc nhìn thiếu lạc quan, cuộc chiến thương mại thậm chí có thể tạo cơ hội cho những quan chức cứng rắn trong Chính phủ Trung Quốc “dọn sạch” những tư tưởng cải cách, cởi mở đã trở nên phổ biến hơn trong tầng lớp trung lưu những năm gần đây.

Theo Thùy Dương

Báo Giao thông