1. Dòng sự kiện:
  2. Chiến sự Nga - Ukraine
  3. Xung đột leo thang tại Trung Đông

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận

(Dân trí) - Những cuộc khẩu chiến và đòn trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại cũng như trên các mặt trận chiến lược khác khiến giới phân tích lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thậm chí một số ý kiến còn cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

ĐỐI ĐẦU MỸ - TRUNG: TỪ ĐẠI BÁC CHÀO MỪNG TỚI ĐÒN GIÁNG TRÊN MỌI MẶT TRẬN


Những cuộc "khẩu chiến" và đòn trả đũa lẫn nhau giữa Mỹ và Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại cũng như trên các mặt trận chiến lược khác khiến giới phân tích lo ngại về nguy cơ xảy ra cuộc Chiến tranh Lạnh mới. Thậm chí một số ý kiến còn cảnh báo về nguy cơ leo thang xung đột giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 1
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 2
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 3
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 4
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 5

Các chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình tới Mỹ và Tổng thống Donald Trump tới Trung Quốc trong năm 2017. (Ảnh: Reuters, AFP, Bloomberg)

Trung Quốc bắn đại bác đón Tổng thống Trump tại Bắc Kinh

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence tuần trước đã có bài phát biểu được xem là "điềm báo" nguy hiểm cho mối quan hệ ngày càng xấu đi giữa Mỹ và Trung Quốc. "Phó tướng" của Tổng thống Donald Trump dồn dập "tấn công" Trung Quốc, cáo buộc Bắc Kinh tấn công mạng, can thiệp bầu cử, âm mưu do thám, đánh cắp bí mật công nghệ của Mỹ, thực thi các chính sách thương mại bất bình đẳng, theo đuổi chiến lược ngoại giao "bắt nạt" ở nước ngoài trong khi gây sức ép với các nhóm tôn giáo và thiểu số trong nước.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 6.

Ông Pence thẳng thừng tuyên bố Nhà Trắng hiện nay coi Trung Quốc là đối thủ trong kỷ nguyên "cạnh tranh siêu cường". Lập trường này của chính quyền Trump khác hoàn toàn với các chính quyền tiền nhiệm khi Mỹ từng hy vọng có thể thích nghi với một Trung Quốc trỗi dậy với tư cách là quốc gia "có trách nhiệm" trong cộng đồng quốc tế.

Tháng 11/2017, Trung Quốc đã trải thảm đỏ và bắn đại bác để đón Tổng thống Donald Trump cùng phu nhân Melania tại Quảng trường Thiên An Môn ở thủ đô Bắc Kinh. Khi đó, Chủ tịch Tập Cận Bình và phu nhân Bành Lệ Viện đã chủ trì lễ đón tiếp trọng thể ông chủ Nhà Trắng theo những nghi thức trang trọng nhất dành cho nguyên thủ cấp cao. Tuy nhiên chưa đầy một năm sau đó, thế giới đã chứng kiến sự đối đầu căng thẳng giữa hai nước trên hàng loạt mặt trận.

"Phát súng" kinh tế

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 7.

Chủ tịch Tập Cận Bình đón Tổng thống Donald Trump tại Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: AFP)

Chính quyền Trump gần đây đã đẩy cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung lên cấp độ căng thẳng mới khi tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, ngoài 50 tỷ USD hàng hóa bị áp thuế hồi đầu năm. Ông Trump cũng dọa sẽ tiếp tục áp thuế lên 267 tỷ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc nếu Bắc Kinh không giải quyết thỏa đáng những lo ngại của chính quyền Mỹ về hành vi thương mại không công bằng.

Ông Trump nói Trung Quốc chưa sẵn sàng đạt thỏa thuận thương mại

Khi được hỏi liệu ông có sẵn sàng áp thuế mới trong trường hợp Trung Quốc trả đũa Mỹ hay không, Tổng thống Trump tuần trước khẳng định: "Chắc chắn, hoàn toàn chắc chắn". 

Sau đòn trừng phạt của Mỹ, Trung Quốc ngay lập tức đáp trả bằng việc áp thuế đối với 60 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Mỹ, đồng thời đình chỉ vô thời hạn các cuộc đàm phán thương mại để giải quyết tranh chấp. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc ngày 9/10 tuyên bố Bắc Kinh sẽ không "nhân nhượng" trong việc đàm phán với Mỹ. Trước đó, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng, cáo buộc Mỹ là bên gây ra căng thẳng trong quan hệ song phương.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 9.

Biển Đông "dậy sóng"

Theo Asia Times, Trung Quốc hiện nay coi mối quan hệ căng thẳng với Mỹ là một "cuộc đấu tranh sinh tồn" và chiến tranh thương mại chỉ là một phần trong chiến lược kiềm chế rộng lớn hơn mà Washington muốn đẩy mạnh nhằm vào Bắc Kinh, bao gồm các hành động quân sự trên Biển Đông.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 10.

Hai tàu chiến của Mỹ và Trung Quốc áp sát "thiếu an toàn" ở khoảng cách 41m trên Biển Đông hồi tháng 9 (Ảnh: Hải quân Mỹ)

Một trong những vụ chạm trán được cho là căng thẳng nhất giữa hải quân Mỹ và Trung Quốc trên Biển Đông xảy ra vào ngày 30/9 khi Trung Quốc điều một tàu khu trục áp sát tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Decatur của Mỹ ở khoảng cách "thiếu an toàn và không chuyên nghiệp". Khi đó, tàu Mỹ đang thực hiện chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải (FONOP) gần đá Gạc Ma và Gaven thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Trước đây, Trung Quốc thường chỉ giám sát, bám đuôi hoặc phát thông báo với các tàu Mỹ thực hiện chiến dịch FONOP để yêu cầu tàu Mỹ rời đi. Lần này, tàu khu trục Trung Quốc ngang nhiên cắt ngang mũi tàu Mỹ. Tương tự những vụ việc trước, Trung Quốc lần này tiếp tục lên tiếng chỉ trích hành động của Mỹ, cáo buộc Washington vi phạm cái gọi là "chủ quyền không thể tranh cãi" của Bắc Kinh tại vùng biển này.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 11.

Các phi công Mỹ điều khiển máy bay trinh sát P-8A Poseidon bay qua Biển Đông trong chiến dịch bảo đảm tự do hàng hải và hàng không trong khu vực hồi tháng 9. (Ảnh: Adam Dean/New York Times)

Bất chấp hành động "cảnh cáo" của tàu Trung Quốc cũng như tuyên bố cứng rắn của Bắc Kinh, Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh: "Trung Quốc không muốn gì khác ngoài việc đẩy Mỹ khỏi khu vực Tây Thái Bình Dương và nỗ lực để ngăn chúng tôi không thể tới trợ giúp các đồng minh của chúng tôi. Nhưng họ sẽ thất bại với kế hoạch này. Mỹ sẽ tiếp tục triển khai tàu và máy bay hoạt động ở bất kỳ nơi nào luật quốc tế cho phép cũng như đảm bảo lợi ích quốc gia. Chúng tôi sẽ không bị hăm dọa và chúng tôi sẽ không lùi bước".

Liên minh "kiềm tỏa"

Trung Quốc cảnh báo máy bay Mỹ tuần tra trên Biển Đông

Không chỉ trên mặt biển, Mỹ cũng công khai thách thức các yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh trên bầu trời. Washington đã đưa máy bay ném bom tầm xa B-52 bay qua Biển Đông vào các ngày 23 và 25/9. Tiếp đó, "pháo đài bay" B-52 của Mỹ cũng tham gia huấn luyện với 12 máy bay chiến đấu F-15 và 4 máy bay F-2 của Nhật Bản trên biển Hoa Đông - nơi Trung Quốc và Nhật Bản có tranh chấp chủ quyền đối với một số đảo.

Trước Mỹ, tàu hộ vệ HMS Argyll của Anh hồi tháng 9 đã tham gia tập trận chung với tàu sân bay trực thăng Kaga và tàu khu trục Inazuma của Nhật Bản trên Ấn Độ Dương trước khi đi qua Biển Đông. Tàu Argyll đến Biển Đông sau khi tàu tấn công đổ bộ HMS Albion của Hải quân Hoàng gia Anh hồi đầu tháng 9 đã di chuyển gần quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam trong chiến dịch đảm bảo tự do hàng hải trong khu vực.

Nhật Bản, một đồng minh của Mỹ tại châu Á, ngày 13/9 đã triển khai tàu ngầm Kuroshio tham gia tập trận hải quân đầu tiên với các tàu chiến khác trên Biển Đông, trong đó có tàu sân bay trực thăng Kaga. Hồi giữa tháng 9, tàu khu trục Munmu Vĩ đại của Hàn Quốc đã tiến sát các khu vực do Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông khiến Bắc Kinh "nổi đóa".

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 11
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 12
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 13
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 14
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 15
Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - 16

Các tàu và máy bay của Mỹ, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc từng đi qua Biển Đông trong thời gian gần đây. (Ảnh: Wikipedia, New York Times, Reuters, Hải quân Mỹ)

Theo giới phân tích, sự hiện diện của các lực lượng quân sự trên Biển Đông gần đây cho thấy các đồng minh của Mỹ đang có xu hướng can dự nhiều hơn vào khu vực này. Trong khi đó, Washington vẫn tăng cường hợp tác quốc phòng với các đối tác trong khu vực, đặc biệt là các đồng minh lâu năm, để tạo đối trọng với Bắc Kinh.

Trong chuyến thăm Manila gần đây, Đô đốc Hải quân Mỹ Philip Davidson, chỉ huy Bộ Tư lệnh Ấn Độ - Thái Bình Dương Mỹ, đã ký một thỏa thuận quốc phòng mới với Philippines, cho phép tăng cường số lượng các cuộc tập trận quân sự chung từ 261 lên 281 cuộc tập trận thường niên. Quan hệ quốc phòng ấm dần lên giữa Mỹ và Philippines đã cho thấy mối lo ngại ngày càng tăng của Manila đối với sự hiện diện của Trung Quốc trên Biển Đông - nơi Philippines cũng có các tuyên bố chủ quyền.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 15.

Trung Quốc gần đây đã không chấp thuận đề nghị cho phép tàu tấn công đổ bộ USS Wasp của Hải quân Mỹ cập cảng Hong Kong trong tháng 10 dù trước đó tàu chiến của Mỹ vẫn thực hiện điều này bình thường. Đồng thời, Trung Quốc đã hủy cuộc họp giữa Tư lệnh Hải quân Trung Quốc và người đồng cấp Mỹ trước khi hủy tiếp một cuộc họp an ninh dự kiến diễn ra trong tháng 10 giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc. Thậm chí, Bắc Kinh cũng dọa sẽ dừng chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc tới Mỹ vào cuối năm nay.

Đây được cho là đòn đáp trả của Bắc Kinh sau khi chính quyền Trump hồi tháng 9 công bố quyết định trừng phạt Cục Phát triển Thiết bị (EDD) thuộc Bộ Quốc phòng Trung Quốc do mua lô máy bay chiến đấu và thiết bị quân sự từ Nga.

"Lá bài" Đài Loan

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 16.

Nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn tới thăm Trung tâm Không gian Johnson thuộc NASA ở Houston, Mỹ hồi tháng 8 (Ảnh: Los Angeles Times)

Tháng 12/2016, ông Trump, khi đó là tổng thống vừa đắc cử, đã có cuộc điện đàm gây tranh cãi với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn, khiến Trung Quốc "nổi đóa". Đây là liên lạc đầu tiên trong gần 40 năm giữa một lãnh đạo Đài Loan với một tổng thống đắc cử hoặc đương nhiệm của Mỹ.

Tổng thống Trump sau đó tiếp tục ký thông qua hai dự luật gây tranh cãi nhằm thúc đẩy mối quan hệ chặt chẽ hơn với Đài Loan: gồm Dự luật Ủy quyền Quốc phòng cho phép các chuyến thăm lẫn nhau giữa các tàu hải quân Mỹ và Đài Loan và Dự luật Đi lại Đài Loan cho phép các quan chức Mỹ và Đài Loan thăm viếng lẫn nhau.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 18.

Hồi tháng 8, Trung Quốc đã lên tiếng phản đối khi Mỹ để nhà lãnh đạo Thái Anh Văn quá cảnh tại Mỹ trước khi tới thăm một số nước châu Mỹ cũng như mời bà tới thăm Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) tại bang Texas.

Tương tự các chính quyền Mỹ tiền nhiệm, chính quyền Trump cũng thông qua các thương vụ bán vũ khí cho Đài Loan. Hồi cuối tháng 3, Mỹ đã ký thỏa thuận cung cấp các tên lửa chống tăng cho Đài Loan trong giai đoạn 2018 - 2024. Ngày 24/9, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo sẵn sàng triển khai hợp đồng quân sự trị giá 330 triệu USD để bán các thiết bị quân sự cho Đài Loan.

Các động thái trên của Mỹ được cho là sẽ khiến quan hệ với Trung Quốc trở nên căng thẳng do Bắc Kinh yêu cầu Washington tôn trọng tuân thủ chính sách "Một Trung Quốc". Bộ Ngoại giao Trung Quốc hồi đầu tháng kêu gọi Mỹ "xử lý đúng đắn các vấn đề liên quan tới Đài Loan" và khẳng định "Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc".

Nghi vấn can thiệp nội bộ

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 19.

Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình dự sự kiện tại Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc ở Bắc Kinh năm 2017. (Ảnh: Andy Wong/WSJ)

Bộ Ngoại giao Mỹ hồi tháng 4 từng chỉ trích chính quyền Trung Quốc vì các hoạt động kiểm soát gắt gao tại Tây Tạng, bao gồm cả các vụ bắt bớ và kiểm duyệt. Tới tháng 9, Quốc hội Mỹ thông qua một dự luật nhằm áp đặt lệnh cấm thị thực đối với các quan chức Trung Quốc, những người ngăn cản các công dân, quan chức chính phủ và nhà báo Mỹ tới Tây Tạng.

Trong khi đó tại khu vực Tân Cương, sau khi xuất hiện các thông tin nói rằng Trung Quốc đã ép buộc khoảng 10.000 người, thậm chí 1 triệu người, Duy Ngô Nhĩ (gốc Hồi giáo) vào các trại "cải tạo" và trại giam bí mật ở phía tây Trung Quốc, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ do nghị sĩ Marco Rubio dẫn đầu đã kêu gọi trừng phạt 7 quan chức Trung Quốc và 2 nhà cung cấp thiết bị giám sát.

Căng thẳng trong quan hệ song phương dường như đã ăn sâu vào hệ thống chính trị Mỹ khi chính quyền Trump công khai cáo buộc Trung Quốc trực tiếp can thiệp vào cuộc bầu cử giữa kỳ Mỹ, dự kiến diễn ra vào tháng tới. Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị đã lên tiếng phản bác, tuyên bố không chấp nhận bất kỳ cáo buộc không có căn cứ nào nhằm vào Trung Quốc và khẳng định Bắc Kinh không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào.

Mỹ cũng chỉ trích việc Trung Quốc chi tiền để mua 4 trang quảng cáo trên tờ báo lớn nhất của bang Iowa nhằm cảnh báo nông dân Mỹ về tác động của chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, từ đó ngầm chỉ trích việc chính quyền Trump áp thuế thương mại với hàng nhập khẩu Trung Quốc. Washington đã "tố" Bắc Kinh thực hiện chiến dịch có hệ thống nhằm hạ thấp uy tín của chính quyền Trump tại các khu vực bỏ phiếu quan trọng, đặc biệt tại các vùng nông nghiệp đang phải hứng chịu hậu quả từ chiến tranh thương mại.

Đối đầu Mỹ - Trung: Từ đại bác chào mừng tới đòn giáng trên mọi mặt trận - Ảnh 21.
Thành Đạt:
Tổng hợp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm